24/06/2020 18:06
Cha mẹ có sổ "hộ nghèo" con mới được uống sữa học đường!
Để được uống sữa miễn phí trong đề án Sữa học đường, các em phải có sổ xác nhận hộ nghèo. Sự việc gây phản ứng trong dư luận.
Đề án Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn TP.HCM đang diễn ra, nhưng vấp phải nhiều ý kiến phản ánh của dư luận về việc trẻ em phải có xác nhận hộ nghèo mới được uống sữa học đường.
Theo đó, đề án Sữa học đường tại TP.HCM được ngân sách thành phố hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp 20% và phụ huynh học sinh đóng góp 50% mức phí. Trẻ em mẫu giáo và học sinh lớp 1 thuộc diện nghèo, cận nghèo hoặc sống ở các cơ sở bảo trợ xã hội tham gia đề án sẽ được ngân sách TP.HCM hỗ trợ 50% chi phí và doanh nghiệp 50%, theo SGGP.
Đơn cử như tại quận Thủ Đức, hiện có 9.000 trẻ lớp 1 bậc tiểu học, số trẻ đăng ký uống sữa trên 5.000 trẻ (tỷ lệ trên 56%). Với bậc mầm non, quận có trên 7.121/22.692 trẻ tham gia uống sữa học đường, chỉ đạt trên 31%. Nguyên nhân số trẻ tham gia chương trình còn thấp là do sữa chỉ có một vị nên không hấp dẫn trẻ, nhiều trẻ bị ngán không chịu uống sữa học đường.
Thêm nữa, dù phụ huynh được hỗ trợ 50% nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện về kinh tế để tham gia. Đặc biệt, địa bàn quận Thủ Đức có gần 60% dân số là lao động nhập cư. Chương trình sữa học đường cung cấp miễn phí cho trẻ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn thành phố, nhưng những trẻ thuộc hộ nghèo và cận nghèo từ các tỉnh về sinh sống trên địa bàn chưa được hưởng quyền lợi này.
Ông Tăng Hữu Phong, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, lưu ý các quận huyện, đối tượng trẻ em nghèo, cận nghèo mới thực sự là đối tượng rất cần uống sữa và khẳng định: “Chương trình rất nhân văn nhưng vì chuyện thủ tục (hộ khẩu) lại để các em các cháu - đối tượng rất cần thụ hưởng - ở ngoài danh sách. Trước mắt, đề xuất với các quận huyện, nếu số lượng không quá nhiều, trong phạm vi có thể đảm đương được, địa phương có thể chỉ đạo các đoàn thể, đơn vị liên quan, doanh nghiệp trên địa bàn chia sẻ, trước khi TP.HCM có chủ trương đầy đủ cho việc này”.
Hiện tại đây là chủ đề gây nhiều phản ứng trên mạng xã hội.
Dưới bài đăng của một nhà báo có gần 4.000 lượt like, tài khoản Bùi Kiều Trang bình luận "Để được uống 1 ngụm sữa bắt buộc phải thừa nhận rằng tôi nghèo. Sữa này không ngọt nổi đâu, đắng lắm".
Tài khoản có tên Sầm Thị Minh Ngọc cho rằng, "của cho không bằng cách cho. Những đứa trẻ đủ nhận biết sự miệt thị này, hẳn các con cũng chẳng màng."
Facebooker Lê Quang Anh chia sẻ "ngay từ đầu đã "không có nhu cầu" cho các con nhà anh uống sữa học đường, đơn giản là nó không phù hợp với cơ địa cũng như nhu cầu hàng ngày của các bạn ấy. Mà đọc tut này còn thấy đắng ngắt, như mình đang uống vậy".
Tài khoản tên Kim Hải đưa ra giải pháp: "Sao không cho đăng ký cháu nào không uống thì thống kê chuyển cho các cháu vùng còn nghèo. Rất nhiều gia đình cầm về hàng đống hộp sữa này đấy!"
Rất nhiều những bình luận như "Uống 1 hộp sữa mang mặc cảm suốt 1 đời", "càng ngày càng khó hiểu", "Gieo vào tâm hồn trong trắng của trẻ một sự mặc cảm thân phận giữa con nhà giàu, nhà nghèo thật tội nghiệp", "Phải chăng, uống sữa cũng phải có cơ chế!!!", "uống sữa mà thấy đắng", "hộp sữa kỳ thị", "Mới chỉ đọc thôi mà những bậc làm cha làm mẹ cũng đủ ngấn lệ", "...sự mặn chát và nghiệt ngã của cs mưu sinh..."
Bài đăng của một tài khoản facebook khác cũng thu hút hàng ngàn lượt tương tác. Tài khoản có tên Vũ Ngô để lại bình luận "Vấn đề ở đây không phải bài toán kinh tế tiêu thụ sữa, cũng không phải vấn đề chính sách và thủ tục của sự chia sẻ mà vấn đề là cảm xúc của trẻ con. Ở lớp mình trẻ con bình luận về lá lành đùm lá rách như thế này “ “đùm” là hành động đẹp nhưng “ đùm” thế nào để lá rách không bị tổn thương”.
Chia sẻ chương trình Sữa học đường ở địa phương mình, facebook có tên Thu Hà cho biết: "Em không biết ở TP.HCM như nào, chứ em ở Đà Nẵng, con em đi học vẫn có sữa học đường bình thường... và ko có các khoản chi phí phát sinh hay là giấy chứng nhận gì cả..."
Tài khoản Kim Loan chia sẻ, "nhớ ngày xưa đi học đến giờ ra chơi bị bắt uống sữa đứa nhà giàu cũng như con nhà nghèo. Thời bây giờ sao thấy tội cho tất cả các loại trẻ." Gay gắt hơn, tài khoản có tên Phuong Duy Nguyen nói "Đi học mang theo lệnh bài uống sữa miễn phí".
Sữa học đường, đề án vốn mang ý nghĩa nhân văn giờ đây lại vấp phải ý kiến dư luận vì cuốn sổ hộ nghèo. Hy vọng các bên liên quan sớm có cách giải quyết linh hoạt và hợp lí, đừng để những giọt sữa đến với các em trở thành sữa đắng, sữa đục vì ám ảnh hai chữ "hộ nghèo".
Advertisement
Advertisement