Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

'Cha đẻ' TikTok Trương Nhất Minh đã cố gắng như thế nào trước ván cờ chính trị Mỹ - Trung?

Kinh tế thế giới

06/08/2020 00:01

Ông chủ TikTok, Trương Nhất Minh từng mơ ước xây dựng một công ty công nghệ toàn cầu. Nhưng thực tế, số phận lại khó thoát khỏi ván cờ chính trị.

Theo Thời báo New York, doanh nhân người Trung Quốc đứng sau ByteDance, Trương Nhất Minh đã có những biện pháp “phòng ngừa” trước thảm hoạ trong tương lai khi xây dựng riêng một phiên bản khác cho mạng xã hội của mình, tách biệt sự kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc. Ở đây là nói đến TikTok, phiên bản quốc tế của mạng xã hội video âm nhạc Đẩu Âm.

Công ty Trung Quốc nên né thị trường Mỹ

ByteDance, người khổng lồ truyền thông xã hội đến từ Trung Quốc đứng sau TikTok, là câu chuyện thành công trên toàn cầu điển hình đến từ Trung Quốc. Người sáng lập của công ty, Trương Nhất Minh từ lâu đã luôn xác định chiến lược cho công ty là mở rộng thị trường ra nước ngoài. Ông tin rằng, chỉ khi trải rộng mạng lưới trên toàn thế giới, công ty mới có thể duy trì được lợi thế công nghệ.

Ngay từ đầu, ông chủ ByteDance đã xác định TikTok không hoạt động ở Trung Quốc, để người dùng ứng dụng sẽ không phải tuân theo các yêu cầu kiểm duyệt của chính quyền nước này. TikTok chọn lưu trữ dữ liệu người dùng ở Virginia và Singapore. Ông đã thuê các nhà quản lý ở Mỹ để điều hành ứng dụng và vận động hành lang ở Washington để đấu tranh cho sự sống còn của mạng xã hội này.

Chỉ sau ba lần sinh nhật, TikTok cuối cùng đã gây được tiếng vang với thanh thiếu niên Mỹ bất chấp lời cáo buộc nền tảng này phải chịu sự giám sát chính trị từ nhà cầm quyền.

TikTok là ứng dụng từ Trung Quốc hiếm hoi đang rất phổ biến ở Mỹ. Ảnh: Getty
TikTok là ứng dụng từ Trung Quốc hiếm hoi đang rất phổ biến ở Mỹ. Ảnh: Getty

Nhưng chính Thời báo New York cũng than vãn thay TikTok rằng “người tính không bằng trời tính”. Đầu tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố chính phủ Mỹ đang xem xét việc cấm TikTok. Đến cuối tháng 7, Tổng thống Donald Trump yêu cầu ByteDance thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng và đe dọa sẽ đóng cửa hoạt động tại Mỹ vào tháng 8 này nếu công ty không tuân thủ. Ngay sau đó, ông Trump lập tức tuyên bố kế hoạch cấm TikTok tại Mỹ và phản đối việc mua lại TikTok từ bất kỳ công ty nào có trụ sở tại Mỹ.

Thời báo New York không cảm thấy gì lạ lẫm khi những nghi ngờ tương tự đã treo trên đầu nhiều công ty công nghệ Trung Quốc khác. Sự cố vừa qua với TikTok có thể buộc tất cả công ty Trung Quốc phải cân nhắc lại tham vọng quốc tế của mình.

Thang Chi Bảo, quản lý thị trường Hong Kong  của công ty đầu tư mạo hiểm Gobi Partners, đưa ra lời khuyên của ông dành cho các công ty công nghệ Trung Quốc rằng, nên tránh xa Mỹ khi muốn mở rộng ra nước ngoài, thay vào đó là theo sau các khoản đầu tư ngoại giao của chính phủ Trung Quốc đến các vùng khác như Đông Nam Á, Trung Đông và Châu Phi.

“Nếu bạn muốn quốc tế hoá và chinh phục những thị trường khó khăn, điều này đem lại hiệu quả lớn nhưng đòi hỏi chi phí không hề nhỏ. Tôi nghĩ các doanh nhân Trung Quốc trong các công ty công nghệ nên biết rõ điều đó”, vị này cảnh báo.

Trong lúc bị Mỹ hâm he cấm cửa, phía TikTok bộc bạch: “Lúc này, chúng tôi đang phải đối mặt với tất cả các loại khó khăn phức tạp và không thể tưởng tượng được. Đó là một môi trường địa chính trị căng thẳng, xung đột văn hóa và những ‘cú đấm’ bất thường vào chúng tôi lại đang làm lợi cho đối thủ cạnh tranh, Facebook”.

Hiện tại, Facebook đang tung ra một tính năng giống như TikTok có tên Reels trên Instagram. CEO Mark Zuckerberg từng tuyên bố rằng, những việc gây bất lợi cho các công ty công nghệ Mỹ sẽ cho phép các đối thủ Trung Quốc “xuất khẩu các giá trị rất khác biệt của họ ra thế giới”.

TikTok tham khảo cách phát triển của Huawei

Trong nhiều năm qua, mỗi khi xuất hiện trước truyền thông, ông Trương Nhất Minh lặp đi lặp lại thông tin, ông không phải là đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vị này cũng khẳng định, ông điều hành một công ty công nghệ, không phải là một cơ quan truyền thông. Do đó, không nên áp đặt những đánh giá của chính phủ các nước lên nội dung mà một công ty công nghệ chỉ làm nhiệm vụ truyền tải. “Tôi không thể quyết định chính xác liệu thứ gì đó tốt hay xấu khi xuất hiện trên TikTok”, ông nói với tạp chí kinh doanh Caijing vào năm 2016.

Tuy nhiên, sau khi một trong những sản phẩm lâu đời nhất của ByteDance, ứng dụng giải trí Neihan Duanzi bị đóng cửa vì truyền bá tài liệu thô tục, ông Trương đã có suy nghĩ khác. “Trong một thời gian dài, chúng tôi tập trung quá nhiều vào vai trò của công nghệ và không nhận ra rằng công nghệ phải được dẫn dắt bởi các giá trị xã hội cốt lõi”, ông từng viết trong một lá thư xin lỗi công khai về vụ việc vào năm 2018.

TikTok tham khảo mô hình của Huawei, một công ty thất bại trong việc Mỹ tiến. Ảnh: Reuters
TikTok tham khảo mô hình của Huawei, một công ty thất bại trong việc Mỹ tiến. Ảnh: Reuters

Không chỉ Neihan Duanzi, TikTok cũng vướng không ít bê bối. Tháng 7/2018, TikTok bị cấm ở Indonesia, sau khi chính phủ nước này cáo buộc ứng dụng truyền bá "nội dung khiêu dâm, nội dung không phù hợp và xúc phạm tôn giáo”. Ngay sau đó, TikTok cam kết ủy nhiệm 20 nhân viên để kiểm duyệt nội dung tại Indonesia và lệnh cấm được dỡ bỏ chỉ sau một tuần.

Đến tháng 11/2018, chính phủ Bangladesh chặn không cho truy cập internet vào ứng dụng TikTok. Tháng 1/2019, một số chính trị gia Ấn Độ kêu gọi cấm TikTok hoặc quy định chặt chẽ hơn, sau khi có những lo ngại về nội dung khiêu dâm, đe doạ trực tuyến và các vụ lừa đảo không được kiểm duyệt trên ứng dụng.

Bất chấp những thách thức, ông Trương từng phát biểu tại một sự kiện ở Bắc Kinh rằng, toàn cầu hoá là cách duy nhất để có thể tiếp cận với tài năng và nguồn lực cần thiết để thành công lâu dài. Ông cho biết, bản thân đã nghiên cứu một công ty Trung Quốc khác về mô hình phát triển nhanh chóng ở nước ngoài. Đó là Huawei.

Sơ hở khi mua Musical.ly

Sự lựa chọn năm ấy của Trương Nhất Minh dường như chưa thật sự khôn ngoan khi chính quyền Trump trong nhiều năm đã tìm cách làm suy yếu hoạt động kinh doanh của nhà sản xuất thiết bị viễn thông và điện thoại thông minh khổng lồ Huawei. Hãng này giờ đây trong mắt chính quyền Mỹ, được xem đồng nghĩa với mối đe dọa an ninh quốc gia, kẻ gián điệp cho chính phủ Trung Quốc.

Tăng trưởng quốc tế là ưu tiên hàng đầu khi ông Trương bắt đầu tiếp cận Musical.ly, một ứng dụng video âm nhạc tương tự đã tìm thấy sự thành công ở Mỹ và châu Âu. Vào cuối năm 2017, ByteDance đã đồng ý mua Musical.ly với giá khoảng 1 tỷ USD, sau đó hợp nhất ứng dụng vào TikTok.

Musical.ly có mô hình tương tự như TikTok nhưng lại thành công ở Mỹ từ trước. Ảnh: Medium
Musical.ly có mô hình tương tự như TikTok nhưng lại thành công ở Mỹ từ trước. Ảnh: Medium

Theo những người có kiến thức về vấn đề này, hai bên đã không tiếp cận Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) để tìm kiếm sự đảm bảo trong thương vụ. Đây là một quyết định mà theo Thời báo New York sẽ là sơ hở ám ảnh ByteDance cả đời.

CFIUS là đơn vị đánh giá các giao dịch nước ngoài liên quan đến một doanh nghiệp Mỹ về các rủi ro an ninh quốc gia có thể xảy ra. CFIUS cũng kiểm định về quyền tài phán đối với các thỏa thuận giữa các doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động quan trọng tại Mỹ.

Cuối năm ngoái, Thời báo New York đưa tin, CFIUS đang xem xét thỏa thuận mua lại Musical.ly của ByteDance giữa lúc các chính trị gia Washington bắt đầu lên tiếng lo ngại rằng TikTok có thể là một “ống dẫn” để Trung Quốc can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ .

Áp lực bủa vây, một số nhà đầu tư và cố vấn của ông Trương đã đưa ra những ý tưởng nhằm tạo khoảng cách giữa TikTok và ByteDance, bao gồm tổ chức lại cấu trúc công ty hoặc pháp lý của TikTok.

TikTok sẵn sàng “thân Mỹ”

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 11 năm ngoái, Alex Châu, nhà đồng người sáng lập của Musical.ly, lúc đó đang là người đứng đầu TikTok, cho biết công ty sẽ không loại trừ những thay đổi như vậy. “Chúng tôi liên tục nhìn vào cấu trúc công ty và tối ưu hóa cấu trúc”, ông nói.

Nhưng thay vì tái cấu trúc lớn, ông Trương Nhất Minh đã chọn thay đổi nhân sự. Hồi đầu năm, ông đã cải tổ các ghế giám đốc điều hành ByteDance tại Trung Quốc và nói rằng cá nhân ông sẽ dành nhiều thời gian và sức lực hơn cho châu Âu, Mỹ và các thị trường khác. 

Vào tháng 5/2020, Lưu Chân, cựu giám đốc Uber tại Trung Quốc, người đã dẫn dắt việc mở rộng thị trường toàn cầu của ByteDance, đã rời công ty. Ông Lưu được thay thế bởi Kevin Mayer, người đứng đầu mảng phát trực tuyến của Disney tại Mỹ.

Cha đẻ TikTok Trương Nhất Minh có mối quan hệ rất tốt với nhiều doanh nhân Mỹ, trong ảnh là CEO Apple Tim Cook. Ảnh: YouTube/Success Rundown
Cha đẻ TikTok Trương Nhất Minh có mối quan hệ rất tốt với nhiều doanh nhân Mỹ, trong ảnh là CEO Apple Tim Cook. Ảnh: YouTube/Success Rundown

ByteDance cũng bắt tay vào việc thúc đẩy vận động hành lang ở Washington để khẳng định rằng sự thay đổi của TikTok là hướng tới Mỹ, chứ không phải Trung Quốc. Trong các cuộc họp với các nhà lập pháp, các nhà vận động hành lang nhấn mạnh sự lan toả của ứng dụng và thực tế là nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu của TikTok là người Mỹ.

Tháng trước, khi các công ty công nghệ của Mỹ bao gồm Facebook và Google bắt đầu đánh giá lại hoạt động của họ ở Hong Kong sau khi có luật an ninh mới, giúp chính phủ Trung Quốc có quyền kiểm soát lớn hơn, TikTok lập tức tuyên bố rằng họ sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn ở Hong Kong.

Động thái này giúp TikTok thể hiện sự sẵn sàng “thoát khỏi” Bắc Kinh. Nhưng Hong Kong không phải là một thị trường lớn của ứng dụng này, khiến cho quyết định trên trông giống như một pha “đánh trống khua chiêng” hơn là hành động hy sinh bản thân để thể hiện ý chí “thân Mỹ”. Thái độ xem xét kỹ lưỡng của chính quyền Trump tiếp tục không suy giảm sau lần đó.

Tiktok đã rất nỗ lực để
Tiktok đã rất nỗ lực để "chiều lòng" Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: France24

Trong một lá thư gửi nhân viên của ByteDance gần đây, ông Trương Nhất Minh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, TikTok sẵn sàng thực hiện các thay đổi kỹ thuật để giải quyết các mối quan tâm của Mỹ, tuy nhiên việc bán mình cho Microsoft chưa hẳn sẽ được ông đồng ý. 

“Chúng tôi không đồng ý với quyết định này, bởi vì chúng tôi luôn bảo đảm an toàn dữ liệu của người dùng, tính trung lập và minh bạch của nền tảng TikTok”, vị này khẳng định.

TẤT ĐẠT
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement