30/10/2020 11:52
CFO của Huawei có thêm 'vũ khí' chống lại lệnh dẫn độ của Mỹ
Ngày 29/10, thẩm phán Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia, Canada ra phán quyết có lợi cho bà Mạnh, CFO của Huawei trong vụ chống lại lệnh dẫn độ của Mỹ.
"Cuộc chiến" chống lại lệnh dẫn độ sang Mỹ của bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei - ngày 29/10 đã có dấu hiệu khả quan khi Thẩm phán Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia, bà Heather Holmes ra phán quyết đồng ý để các luật sư của bà Mạnh theo đuổi cáo buộc Mỹ đã khiến Canada có ý niệm sai về các điểm cơ bản của vụ việc.
Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) Mạnh Vãn Châu rời khỏi Tòa án Tối cao British Columbia ở Vancouver (Canada) sau phiên xét xử, ngày 23/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Với phán quyết trên của Thẩm phán Holmes, các luật sư của bà Mạnh có thêm "vũ khí" để thuyết phục Thẩm phán Holmes rằng toàn bộ vụ việc cần được bác bỏ vì có sự lạm dụng, thiếu công bằng trong quy trình xử lý.
Bà Mạnh bị Mỹ cáo buộc đã lừa gạt HSBC về mối quan hệ của Huawei với Skycom – công ty bị buộc tội vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Mỹ cho rằng Skycom thực chất là một công ty con của Huawei và rằng HSBC cũng như các ngân hàng khác bị rơi vào thế rủi ro, có nguy cơ bị truy tố và tổn thất về tài chính nếu tiếp tục cung cấp tài chính cho Huawei dựa trên những lời đảm bảo của bà Mạnh, theo TTXVN.
Trong khuôn khổ của yêu cầu dẫn độ, Mỹ đã cung cấp hồ sơ về vụ việc bao gồm bản trình bày trên PowerPoint mà bà Mạnh đã trao đổi với một Giám đốc điều hành của HSBC tại Hong Kong vào tháng 8/2013. Nhưng các luật sư của bà Mạnh cho rằng Mỹ đã cố tình bỏ qua hai trang trình bày từ PowerPoint cho thấy bà Mạnh không đánh lừa ngân hàng.
Tại vòng tranh tụng này, các luật sư của bà Mạnh cũng muốn thu thập bằng chứng để chứng minh cho lý lẽ của họ là các quyền của bà Mạnh bị vi phạm ở thời điểm bà bị bắt giữ.
Vào ngày 1/12/2018, tại sân bay quốc tế Vancouver, các nhân viên của Cơ quan dịch vụ biên giới Canada (CBSA) đã thẩm vấn bà Mạnh trong 3 tiếng trước khi bắt giữ. Nhân viên của CBSA, ông Scott Kirkland khai trước tòa rằng ông tin rằng có căn cứ để thẩm vấn bà Mạnh về khả năng bà liên quan đến hoạt động gián điệp.
Ngoài ra, các luật sư của bà Mạnh đưa ra lập luận rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính trị hóa vụ việc khi đe dọa sử dụng bà Mạnh như một con bài thương lượng để đạt được thỏa thuận tốt hơn với Trung Quốc.
CFO của Huawei Mạnh Vãn Châu. Ảnh: Reuters/TTXVN |
Việc Ottawa theo đề nghị của Mỹ bắt giữ bà Mạnh đã đẩy mối quan hệ giữa Canada và Trung Quốc rơi vào khủng hoảng. Trong một phát biểu mới đây, ông Tùng Bồi Vũ, Đại sứ Trung Quốc tại Canada cho rằng Canada đã sử dụng biện pháp "cưỡng ép" khi bắt giữ bà Mạnh trong bối cảnh "bà Mạnh không vi phạm luật pháp của Canada".
Huawei, một trong những tập đoàn cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới, đang bị giám sát chặt chẽ tại Mỹ do các quan chức an ninh nước này cáo buộc họ có mối liên hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc. Các sản phẩm của Huawei gây lo ngại rằng có thể hỗ trợ cho hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.
Bà Mạnh Vãn Châu, 47 tuổi, là con gái của tỷ phú sáng lập Tập đoàn công nghệ Huawei Nhậm Chính Phi, đã bị Canada bắt giữ tại sân bay Vancouver hồi tháng 12/2018 theo yêu cầu của Mỹ và đang đấu tranh chống lại việc dẫn độ theo cáo buộc rằng bà và Tập đoàn Huawei vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran.
Theo tài liệu của Huawei, bà Mạnh gia nhập tập đoàn vào năm 1993 và đã giữ nhiều vị trí tại các bộ phận tài chính. Ngoài chức vụ giám đốc tài chính, bà Mạnh còn là một trong những phó chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn, theo VnExpress.
Bất chấp các lệnh cấm, Huawei vẫn vượt qua Apple để trở thành hãng sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới trong quý II năm nay, theo sát vị trí dẫn đầu của Samsung, theo AFP.
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement