Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

CEO Nguyễn Đức Vinh: 'Giá 39.000 đồng vẫn thấp hơn mức nhà đầu tư chào mua'

Ngân hàng

16/08/2017 07:24

Trong số 78 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua cổ phiếu VPBank, một số đã chào giá đến 45.000 đồng một cổ phiếu.

Chiều 15/8/2017, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng tổ chức Hội thảo Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu VPBank. Bên lề cuộc họp, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc đã có cuộc trao đổi với báo chí xoay quanh câu chuyện lên sàn vào ngày 17/8 tới.

- Tại sao VPBank lại quyết định lên sàn vào thời điểm này?

- Có 2 yếu tố khiến ngân hàng quyết định niêm yết ở thời điểm này. Thứ nhất, VPBank đang ở năm cuối cùng của giai đoạn phát triển 5 năm 2012 - 2017 và đã đạt được các chỉ tiêu đề ra về kinh doanh. Lợi nhuận ngân hàng liên tục tăng, năm 2016 đã tăng gấp 5 lần so với 5 năm trước.

Những gì đạt được cho thấy ngân hàng đã thành công, từ nhóm trung bình của 7 năm trước lên nhóm ngân hàng có quy mô và hiệu quả hoạt động tốt nhất trên thị trường. Lúc này, lãnh đạo nhà băng cần xem xét lại các thành quả mình đã đạt được cũng như hoạch định kế hoạch 3 năm tới.

Thứ hai, VPBank đề ra kế hoạch phát triển, tăng trưởng để đưa ngân hàng sang giai đoạn mới là phát triển dựa trên chất lượng và chiều sâu, tạo ra những giá trị cho nhân viên, nhà đầu tư và toàn xã hội.

Đó là các lý do khiến VPBank đi đến quyết định niêm yết trên thị trường chứng khoán. Cũng thông qua việc niêm yết, ngân hàng hy vọng sẽ thu hút được thêm các nhà đầu tư mới có tiềm lực, có chuyên môn, có hỗ trợ quan trọng vào sự phát triển của nhà băng.

CEO Nguyễn Đức Vinh cho biết nhiều nhàđầu tư nước ngoài muốn mua cổ phiếu VPBank với giá cao hơn 39.000 đồng.

- Kể từ cuối tháng 3 vừa qua, VPBank đã bắt đầu quá trình tìm kiếm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Tiến trình chào bán được thực hiện công khai, tổ chức các buổi “Roadshow” và chào bán thông qua dựng sổ.

- Giá khởi điểm 39.000 đồng một cổ phiếu được cho là khá cao so với thị trường. Vậy nó được đưa ra dựa trên những cơ sở nào?

VPBank ban đầu chỉ dự kiến các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua khoảng 11% vốn điều lệ, tương đương với lượng cổ phiếu mà ngân hàng phát hành riêng lẻ sắp tới.

Tuy nhiên, khối lượng đăng ký mua cổ phiếu từ các nhà đầu tư ngoại cao gấp 4 lần lượng chào bán. Nhu cầu cao khiến ban lãnh đạo ngân hàng tăng số lượng cổ phần bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Kết quả, mức giá chốt cho đợt chào bán dựng sổ là 39.000 đồng một cổ phiếu.

Giá phát hành không do ngân hàng chọn mà hình thành trên cơ sở phân tích định giá của chuyên gia, quỹ đầu tư. Và trên mặt bằng giá mà các nhà đầu tư chào mua dao động từ 37.000 đến 45.000 đồng, chúng tôi sau khi cân nhắc kỹ càng đã quyết định chọn mức khởi điểm là 39.000 đồng. Đây được xem là mức giá hợp lý để có thể tạo ra sự sinh lời trong tương lai cho các nhà đầu tư.

Hiện VPBank cũng đang hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để phát hành riêng lẻ. Như vậy, vốn chủ sở hữu sau khi phát hành riêng lẻ của VPBank sẽ được nâng lên 25.000 tỷ đồng - ở mức cao trong khối các ngân hàng. Gia tăng vốn chủ sở hữu sẽ là thuận lợi để ngân hàng hoạch định chiến lược thời gian tới mà không phải lo về việc đáp ứng các hệ số yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

- Thời gian gần đây, lãnh đạo cấp cao của VPBank và người nhà đua nhau gom cổ phiếu. Ông có thể lý giải gì về hiện tượng này?

- Tôi không thể giải thích lý do thay cho các lãnh đạo ngân hàng đã mua cổ phiếu. Tuy nhiên, cá nhân tôi nếu có tiền thì cũng sẽ gom cổ phiếu VPBank vì những triển vọng trong tương lai. Và việc họ đua mua cổ phiếu là một hiện tượng tốt. Điều này càng thể hiện niềm tin của họ vào ngân hàng.

- Công ty tài chính FE Credit đang mang lại giá trị lớn cho ngân hàng, nhưng rủi ro cũng cao. Vậy ngân hàng quản lý vấn đề này như thế nào?

- Mô hình tài chính tiêu dùng ở Việt Nam mới phát triển tầm 10 năm trở lại đây mà cái gì mới thì đều có rủi ro. Và VPBank đã dám chấp nhận rủi ro để hiện giờ chính mảng này làm nên giá trị cho ngân hàng. Hiện nay, trung bình mỗi tháng công ty này phê duyệt 240 khoản vay và chiếm gần 50% thị phần.

Ngân hàng hoạt động quản lý rủi ro hết sức chặt chẽ. Chúng tôi có đội ngũ thu nợ khá đông, riêng FE Credit có hơn 1.600 cán bộ thu nợ, chưa kể đội ngũ đối tác thu nợ. Trong hoạt động, công ty đều có các chỉ tiêu kiểm soát rủi ro chặt chẽ và hiện có nền tảng công nghệ tốt nhất trong phân khúc này.

Với mỗi sản phẩm đưa ra thị trường đều trải qua các bước như thiết kế, lên thử nghiệm, sau đó đánh giá kỹ trước khi đưa vào chính thức vận hành. Trong chu kỳ đó, công ty sẽ phát hiện được các yếu tố rủi ro, từ đó có những hành động kịp thời.

Ví dụ tháng đầu tiên nếu có rủi ro phải cảnh báo, tháng thứ 2 phải có hành động thông qua kiểm soát nghiêm túc… giúp công ty luôn nhận diện được rủi ro sớm nhất có thể, thay vì để trở thành gánh nặng rồi mới xử lý, và tất cả các nhân sự của công ty đều được tập huấn kỹ lưỡng để có kỹ năng xử lý rủi ro.

Đây cũng là triết lý được VPBank triển khai hết sức cẩn trọng từ bán lẻ của ngân hàng mẹ đến tín dụng tiêu dùng của công ty con.

- Ông nói sao về thông tin cho rằng VPBank sẽ bán bớt vốn tại FE Credit?

- Năm 2014, FE Credit bắt đầu đi vào hoạt động có hiệu quả và đến nay cho thấy con đường công ty và ngân hàng đã đi là đúng hướng. Trước đây, chúng tôi có dự định bán bớt cổ phần khỏi đơn vị này nhằm tăng vốn cho cả FE Credit và ngân hàng. Nhưng dự định đó không được thực hiện vì chúng tôi cho rằng việc IPO ngân hàng mẹ là khả thi.

Do đó, việc bán FE Credit không được đặt ra lúc này. Trong tương lai, tùy theo cơ hội, tùy mục tiêu kinh doanh sẽ có phương án cụ thể.

- Lợi nhuận của VPBank hiện nay khá cao so với các ngân hàng khác, nhưng chủ yếu vẫn dựa nhiều vào sự tăng trưởng nóng của tín dụng. Liệu ngân hàng có đi vào vết xe đổ nợ xấu trong tương lai như các ngân hàng trước đây?

- So với các ngân hàng có vốn nhà nước thì tăng trưởng tín dụng hiện nay của VPBank chỉ ở mức trung bình. Năm ngoái, tăng trưởng tín dụng của nhà băng khoảng 26% còn năm nay dự kiến 21%. Hơn nữa, liên quan đến xử lý nợ xấu, ngân luôn có những giải pháp xử lý rất chặt chẽ và thận trọng.

Ban lãnh đạo VPBank cũng xác định, trong vòng 5 năm nữa nếu không có những sản phẩm mới thì sẽ không có chỗ đứng trên thị trường. Do đó, bên cạnh sự phát triển mảng tín dụng, chúng tôi không ngừng đưa ra những sản phẩm dịch vụ mới.

- Ông dự báo gì về triển vọng cổ phiếu VPBank trong tương lai?

- Từ khi quyết định niêm yết trên sàn tại đại hội cổ đông năm nay, nhà đầu tư của ngân hàng phản ứng khá tích cực. Sự phản ứng tích cực đó giúp ban lãnh đạo có thêm động lực để phát triển và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, duy trì sự phát triển liên tục, đồng thời để các nhà đầu tư mới tin tưởng và gặt hái được các kết quả tốt.

Và với mức giá khởi điểm 39.000 đồng hiện nay được xem là hợp lý, còn mức giá trong tương lai chúng tôi không thể nói trước được. Nhưng chúng tôi nghĩ, nhà đầu tư họ có sự đánh giá và cân nhắc rất kỹ trước khi mua cổ phiếu. Chắc chắn họ có kỳ vọng sinh lời thì mới đầu tư.

LỆ CHI (VnExpress)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement