18/10/2020 00:06
CEO Biti’s Vưu Lệ Quyên: Đi để trở về lấy lại những nét vàng son
Ái nữ nhà Biti’s Vưu Lệ Quyên là thế hệ kế nghiệp thành danh nhờ chiến lược marketing đình đám và triết lý sống cùng quản trị dựa trên nhân ái.
Nhiều doanh nghiệp gia đình Việt Nam đang đến thời điểm chuyển giao thế hệ. Những người con trẻ tuổi lần lượt lên nắm quyền quản trị cơ ngơi mà thế hệ đầu tiên gầy công xây dựng. Không ít trong đó là những công ty có tuổi nghề chẳng kém tuổi đời của thế hệ kế thừa là bao.
Là một nước Á Đông với nền văn hoá nho giáo còn tồn đọng nhưng thương trường Việt Nam vẫn ghi nhận các ái nữ kế nghiệp công ty. Nổi bật trong đó, phải kể đến là nữ doanh nhân 8X Vưu Lệ Quyên của ông Vưu Khải Thành với “đế chế” Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s).
Đi để trở về
Tìm hiểu về Vưu Lệ Quyên, dễ dàng nhận ra cô nàng này, trước hết là một người trẻ rất có kế hoạch. Quyên được cha Khải Thành cho du học ở Canada. Nhưng Quyên đi là để trở về. Cô từng chia sẻ, những năm học ở nước ngoài, bản thân không chỉ học trong sách vở, mà còn quan sát, tìm hiểu cách kinh doanh của những thương hiệu giày nổi tiếng.
Trong quá trình đó, Quyên biết được mô hình kinh doanh cửa hàng tiếp thị, tức cửa hàng bán hàng trực tiếp do công ty quản lý, không qua đại lý, của thương hiệu giày Clarks. Ái nữ nhà Biti’s liền nhận ra, mô hình này rất tối ưu vì thương hiệu có thể dự đoán doanh thu trong một năm.
Lúc bấy giờ, cô nghe người quản lý thương hiệu Clarks cho biết: “Clarks có 500 cửa hàng bán trực tiếp nên chúng tôi có thể nắm được con số kinh doanh chính xác tới 80%. Ngoài ra, khi bán hàng trực tiếp, Clarks sẽ phục vụ khách hàng chu đáo hơn, tất cả sản phẩm đều được trưng bày nên dễ nắm bắt xu hướng, thị hiếu và số lượng tiêu thụ”.
Vưu Lệ Quyên học được nhiều kiến thức ở nước ngoài để về áp dụng cho công ty gia đình. Ảnh: Biti's |
Năm 2004, Vưu Lệ Quyên trở về nước, đảm nhận chức vụ Phó tổng giám đốc Kỹ thuật và Kinh doanh Biti’s. Sau khi trải qua nhiều vị trí khác nhau từ kinh doanh xuất khẩu, thiết kế, sản xuất, công nghệ thông tin, tiếp thị, kinh doanh nội địa đến chuỗi cung ứng, cô lên giữ ghế CEO vào năm 2009.
Nói Vưu Lệ Quyên là hình mẫu cho người trẻ trong xu hướng “đi để trở về” không hề sai, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trẻ người, lại được tiếp thu kiến thức từ nền văn minh phương Tây, khi về nước, cô nàng gặp không ít trắc trở khi xung đột với chính cha của mình.
Quyên cho biết, cô và cha có “độ chênh về quan điểm quản trị”. Trong khi ông Vưu Khải Thành nổi tiếng nghiêm khắc, “rèn nhân viên như rèn sắt”, cô con gái cả lại quản trị dựa trên sự hiệu quả, thấu hiểu và yêu thương. Tuy đi ngược lại cách quản trị của cha nhưng cô vẫn hiểu và cảm thông cho cách làm cũ, mà theo Quyên là “sâu thẳm ông rất thương nhân viên”.
Quyên cũng từng tâm sự: “Từ khi làm chủ một nhãn hiệu riêng tôi mới thấu hiểu nỗi khổ của ba mẹ khi gầy dựng sự nghiệp, và càng thấy phải nỗ lực nhiều hơn để gìn giữ, kế thừa sự nghiệp này”.
Vưu Lệ Quyên: "Từ khi làm chủ một nhãn hiệu riêng tôi mới thấu hiểu nỗi khổ của ba mẹ khi gầy dựng sự nghiệp". Ảnh: Người Lao Động |
Có thể nói, nữ CEO Biti’s đã quán triệt tinh thần trên qua chiến lược marketing đình đám làm sống dậy thương hiệu một thời. Biti’s lấy lại vị thế ngày hôm nay là nhờ dòng giày thể thao Hunter.
Quyên giải thích: “Hunter có nghĩa là thợ săn, chúng tôi muốn khuyến khích giới trẻ về một mục tiêu nhất định trong cuộc sống và theo đuổi nó. Hãy di chuyển nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn để học hỏi và ‘đi để trở về’, năng động hơn để hội nhập, sử dụng công nghệ hiện đại hơn làm nền tảng, học hỏi tinh hoa của các nền văn hóa khác để trở về có cách đóng góp tích cực hơn”.
Vưu Lệ Quyên giúp Biti’s “biết lấy lại những gì đã mất”
Bàn sâu hơn về câu chuyện marketing mới thấy rõ vai trò của Vưu Lệ Quyên trong việc giúp Biti’s “biết lấy lại những gì đã mất” trên thị trường và “biết nối gần khoảng cách yêu tin” với khách hàng.
Khi tiếp quản công ty, con gái ông Vưu Khải Thành xác định rõ, hình tượng Biti’s già cỗi và xa cách với thế hệ từ 9X vì ít tổ chức các hoạt động marketing. Với dòng giày thể thao Hunter hướng đến giới trẻ, Quyên quyết định “chơi lớn” khi hợp tác với Sơn Tùng M-TP trong MV Lạc Trôi. Hình ảnh đôi giày hiện tại xuất hiện chỉ thoáng qua vài giây trong khung cảnh cổ phong khiến giới trẻ sục sôi tìm cho bằng được “fashion item” lạ mắt nhưng lại hấp dẫn.
Bên cạnh đó, với dòng giày trẻ em, Biti’s chọn cách kết hợp với những công ty toàn cầu như Disney, DC Comic để mua bản quyền hình ảnh nhân vật đưa vào sản phẩm. Theo Quyên, đây như thổi một luồng gió mới để sản phẩm của gia đình đẹp hơn, gần gũi hơn khi tiếp cận với trẻ em.
Lúc bấy giờ, Biti’s điểm danh trên các sàn thương mại điện tử. Phương thức bán hàng mới phù hợp với cách sống của giới trẻ hiện đại càng ghi điểm trong lòng người tiêu dùng. Thị trường “chơi giày” vốn ngã mũ hẳn về các thương hiệu nước ngoài, bỗng một ngày trồi lên cộng đồng yêu giày Biti’s.
Tuy nhiên, điểm thành công cho chiến dịch tiếp thị trên, được chính Lệ Quyên xác định, chính là chất lượng sản phẩm. Có sản phẩm tốt mới dành nguồn lực cho marketing. Cả quá trình phải được chuẩn bị từ trước và được chăm bẩm như thời kỳ thai nghén.
“May mắn của Biti’s là đã có một nền tảng về quy trình sản xuất, đội ngũ thiết kế đáp ứng được cho các khách hàng toàn cầu, nên tôi tự tin có thể làm tốt hơn trong thời gian tới để người tiêu dùng Việt ủng hộ sản phẩm Việt”, CEO Biti’s từng khẳng định.
|
Biti's thành công vang dội với chiến dịch Đi để trở về cùng ca sĩ Soobin Hoàng Sơn. Ảnh: Biti's |
Mỗi thế hệ lãnh đạo đều để lại di sản cho doanh nghiệp của mình. Di sản của ông Vưu Khải Thành nhiều khó kể nhưng di sản của Vưu Lệ Quyên không chỉ có một. Biti’s những năm qua còn thành công với hệ thống cửa hàng tiếp thị, từng bước thay thế hệ thống đại lý phân phối.
Ngoài gần 200 cửa hàng tiếp thị được công ty trực tiếp quản lý, Biti’s mới đây còn mở thêm 4 cửa hàng mô hình mới “concept store”. Cửa hàng mới có diện mạo khác hẳn, mở ra không gian mua sắm giày thời trang đẳng cấp không thua kém thương hiệu giày các quốc tế nổi tiếng.
Các mô hình cửa hàng mới đã cụ thể hoá tư duy kinh doanh của Lệ Quên. Cô xác định rõ, Biti’s là thương hiệu dành cho gia đình nhưng muốn khách hàng để mắt và chọn mua thì thương hiệu phải có điểm nhấn theo thời điểm.
Cửa hàng phong cách mới của Biti's. Ảnh: Biti's |
Biti’s gần như đã lấy lại vị thế ngày xưa, rồi làm gì nữa? Vưu Lệ Quyên cho mở thương hiệu thời trang cao cấp Gosto.
Trong thời gian làm việc ở bộ phận xuất khẩu của Biti’s, tiếp xúc với nhiều khách hàng nước ngoài, cô nhận ra công ty đang phục vụ cho số đông khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu. Vậy mà lúc bấy giờ nhiều người đinh ninh, Việt Nam chỉ đi gia công sản phẩm “dạng soàn”. Thế là Gosto ra đời, gồm các mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách. Quyên xây dựng mô hình cửa hàng Gosto thật sang trọng, trưng bày đẹp, mẫu mã độc đáo, chất lượng cao và dịch vụ bán hàng thật tốt.
Vưu Lệ Quyên đã đặt chân đến nước ngoài, còn Biti’s thì sao? Cô tự tin nói rằng: "Chữ S là hình ảnh Việt Nam, còn Go và To là hướng ra thế giới. Sẽ có một ngày trung tâm thời trang Gosto xuất hiện ngay tại kinh đô thời trang của Ý, Pháp và nhiều quốc gia khác”.
Gosto là tham vọng của Vưu Lệ Quyên về chinh phục thế giới. Ảnh: Gosto |
Happy Biti’s và nhà lãnh đạo nhân ái
Nhiều người sẽ hỏi: Được du học, về giữ ghế CEO, cuộc sống còn gì hạnh phúc hơn? Nhưng Vưu Lệ Quyên vẫn cảm thấy trống trải trong lòng. Cô từng nói: “Đôi khi có quá nhiều thứ cũng mang đến cho bạn rất nhiều vấn đề”.
Quyên là một cô gái rất lạ, cô sống và làm việc với nhiều thứ đối nghịch nhau. Đơn cử như việc, là một người thích sự tự do nhưng cô vẫn chọn về công ty gia đình mình để “bó buộc” bản thân vào sứ mệnh mẹ cha gửi gắm.
Lệ Quyên từng thú nhận, lúc còn trẻ, cô từng muốn tách ra khỏi gia đình. “Đó là những lúc mình không hiểu được mục đích đi làm là vì cái gì, chúng tôi sinh ra trong một gia đình kinh doanh và thành đạt về vật chất, đâu phải lo gì”, cô nói.
Đến tuổi 30, cô nàng trăn trở rất nhiều về mục đích thật sự của cuộc sống, vì bản thân mỗi người đều có quyền lựa chọn theo cách của mình. “Khi suy nghĩ nhiều về ý nghĩa cuộc sống như vậy, nó thành động lực đi làm mỗi ngày, rồi tự hỏi nếu mình không làm việc này ai sẽ làm và làm tốt hơn, sau cùng tôi đã chọn vì tất cả mọi người trong công ty”, cô chia sẻ.
Là một người trẻ nhưng Lệ Quyên luôn ám ảnh về ý nghĩa cuộc sống. Ảnh: Forbes |
Một biến cố trong đời đưa cô nàng từng du học trời Tây tìm hiểu về triết lý “hạnh phúc” thuần chất châu Á. Cô từng dành thời gian trong giai đoạn 2005-2007 để “đi tìm hạnh phúc”, tìm kỹ năng giúp bản thân sống đầy đủ hơn trong cuộc sống. “Tôi nhận ra, không phải quá đầy đủ làm cho mình hạnh phúc mà đôi khi sự khan hiếm mới làm cho mình hạnh phúc, ít hơn nhưng biết trân trọng điều mình đang có mới đáng quý”, Quyên bộc bạch.
Rồi cô quyết tâm trau dồi chánh niệm và hạnh phúc vào văn hóa Biti's. Với mong muốn có được những kiến thức trực tiếp, Lệ Quyên đã đến Bhutan để nghiên cứu chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia, vốn là một khái niệm được Bhutan sử dụng để đo mức độ hạnh phúc của công dân, và đưa ra mô hình dành riêng cho Biti’s.
Ái nữ nhà Bitis’s bắt đầu tiếp cận với các chuyên gia về hạnh phúc, kinh doanh và khả năng lãnh đạo có tâm như Giáo sư Hà Vĩnh Thọ, cựu Giám đốc Trung tâm Tổng mức hạnh phúc quốc gia Bhutan.
Để rồi CEO trẻ của Biti's và đội ngũ lãnh đạo đã tạo ra và thực hiện dự án "Happy Biti’s”. Cùng với sáng kiến mới, một khẩu hiệu mới "Happy me. Happy Biti’s”, thể hiện văn hóa làm việc mới: Biti’s tập trung vào hạnh phúc của cá nhân trước tiên, nếu các cá nhân hạnh phúc, thì công ty cũng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và thành công hơn.
CEO Biti's cho rằng, doanh nghiệp bền vững thì nhân viên phải được hạnh phúc. Ảnh: Tri Thức Trẻ |
Biti's yêu cầu mọi nhân viên học các phương pháp như thiền, chăm sóc bản thân, kỹ năng giao tiếp từ bi, lắng nghe thấu cảm, cân bằng cuộc sống, cách kết nối tốt hơn với thiên nhiên,… Biti's tiếp tục hỗ trợ văn hóa này bằng cách cho họ thời gian và không gian ngay trong ngày làm việc để thực hành.
Cho đến nay, Happy Biti's đã thay đổi văn hóa làm việc và thương hiệu ngày càng tốt hơn. Lệ Quyên nói: “Các đồng nghiệp của tôi đã hiểu rõ hơn về cảm xúc của họ. Họ kết nối với chính họ nhiều hơn, và hiểu rõ điều gì đang gây ra vấn đề cho họ”.
Tạp chí Forbes từng nhận xét: “Vưu Lệ Quyên cuối cùng đã trở thành một hình mẫu cho nhà lãnh đạo tích cực và nhân ái”.
Biti's là một thương hiệu chuyên về sản xuất giày, dép tại Việt Nam, được thành lập tại quận 6, TP.HCM vào năm 1982. Biti's ban đầu là hai tổ hợp tác nhỏ Bình Tiên và Vạn Thành nằm tại TP.HCM. Hiện nay, bên cạnh 2 cơ sở sản xuất, công ty đã có 7 chi nhánh, 2 trung tâm thương mại, 2 trung tâm kinh doanh, 156 cửa hàng tiếp thị và hơn 1.500 đại lý trên cả nước và xuất khẩu sản phẩm sang 40 quốc gia trên toàn thế giới trong đó có thể kể đến các thị trường như: Nga, Ukraina, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain. Thời kỳ “vàng son”, Biti’s còn lấn sân sang mảng trung tâm thương mại tại Tây nguyên, miền Bắc, Lào Cai và Đà Nẵng, ra mắt tuyến tàu lửa Sapaly Hà Nội - Lào Cai - Hà Nội, mở khách sạn 4 sao Sapaly Hotel Lào Cai. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp