Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cắt giảm tới 90% thủ tục hành chính về quản lý an toàn thực phẩm

Doanh nghiệp

07/03/2018 08:46

Từ nay, các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm được tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng là được quyền sản xuất và tự chịu trách nhiệm.

Nghị định 15/2018/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực từ ngày 2/2/2018, thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm được ban hành từ năm 2012.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, Nghị định 15/2018/NĐ-CP sẽ thay đổi cơ bản phương thức quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Đồng nghĩa với việc áp dụng phương thức quản lý dựa trên quản trị rủi ro. Trong đó, có nhiều quy định mới như tự công bố sản phẩm, quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm... 

Nghị định 15 sẽ cắt giảm hàng triệu ngày công, hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.
Nghị định 15 sẽ cắt giảm hàng triệu ngày công, hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo ông Phong, một trong những điểm quan trọng nhất của Nghị định 15/2018/NĐ-CP là trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Nếu như quy định cũ yêu cầu doanh nghiệp phải xin xác nhận từ cơ quan Nhà nước thì nay các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của mình và nộp một bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. 

Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, doanh nghiệp được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm, đồng thời chịu trách nhiệm hoàn toàn về thông tin đã công bố và mức độ an toàn của sản phẩm đó. 

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc VCCI chi nhánh TP.HCM cho rằng, việc ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP là cuộc cách mạng về quản lý an toàn thực phẩm của Chính phủ, giúp cởi trói cho doanh nghiệp ngành thực phẩm khỏi các thủ tục quản lý hành chính nhiêu khê trước đó. 

Ông Liêm cho biết thêm, Nghị định 15/2018/NĐ-CP sẽ giúp cắt giảm tới 90% thủ tục hành chính về quản lý an toàn thực phẩm. Qua đó, cắt giảm hàng triệu ngày công, hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. Trên thực tế, chỉ 2% số vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thực phẩm có vi phạm.

Trong khi đó, từ trước tới nay các cơ quan quản lý phải huy động rất nhiều nhân lực và tài chính cho hoạt động thanh tra, kiểm tra. Mặt khác, 72% số thủ tục hải quan thực hiện hiện nay cũng là thủ tục kiểm tra chuyên ngành, khiến thời gian thông quan bị kéo dài.

Việc thay đổi phương thức quản lý về kiểm tra chuyên ngành từ tiền kiểm sang hậu kiểm sẽ cắt giảm đáng kể thời gian thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu. 

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, để Nghị định 15/2018/NĐ-CP đi vào thực tế, phát huy hiệu quả cải cách thủ tục hành chính về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cần triển khai một cách thống nhất, nghiêm túc, hạn chế trường hợp cùng một quy định nhưng mỗi nơi hiểu và làm một kiểu khác nhau. 

Các bộ ngành liên quan như y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng cần sớm ban hành danh mục các mặt hàng, thủ tục cần kiểm tra an toàn thực phẩm phù hợp với Nghị định 15/2018/NĐ-CP để tránh sự chồng chéo, bất cập giữa các văn bản quy phạm pháp luật.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement