15/03/2022 02:25
Cao su xuất khẩu chịu tác động tiêu cực từ cuộc chiến Nga – Ukraina
Dù giá cao su trong nước ổn định, nhưng dầu tháng 3/2022, giá cao su khu vực châu Á giảm mạnh do tác động của căng thẳng chính trị giữa Nga – Ukraina.
Từ đầu tháng 3/2022 đến nay, giá cao su tại các sàn giao dịch châu Á có xu hướng giảm mạnh. Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), giá cao su có xu hướng giảm mạnh từ đầu tháng 3/2022. Ngày 08/3/2022, giá cao su RSS3 giao tháng 4/2022 giao dịch ở mức 241,8 Yên/kg (tương đương 2,09 USD/kg), giảm 7,6% so với cuối tháng 2/2022 và giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), ngày 08/3/2022 giá cao su RSS3 giao tháng 4/2022 giao dịch ở mức 13.540 NDT/tấn (tương đương 2,14 USD/kg), giảm 1,8% so với cuối tháng 2/2022 và giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá cao su giảm trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga với Ukraina ngày càng trầm trọng, giá nguyên liệu thô giảm kéo giá cao su đi xuống.
Tại thị trường trong nước, từ đầu tháng 3/2022 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước ổn định. Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 330-340 đồng/độ mủ. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa giữ ở mức 348-350 đồng/ độ TSC. Giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 310-320 đồng/độ TSC, ổn định so với cuối tháng 2/2022.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 101.660 tấn, trị giá 181,75 triệu USD, giảm 47,2% về lượng và giảm 45,1% về trị giá so với tháng 1/2022; so với tháng 2/2021 giảm 2,4% về lượng, nhưng tăng 5,4% về trị giá. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 294.350 tấn, trị giá 512,81 triệu USD, tăng 0,2% về lượng và tăng 7,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Về giá xuất khẩu: Tháng 2/2022, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.788 USD/tấn, tăng 4,1% so với tháng 1/2022 và tăng 8% so với tháng 2/2021.
Theo đánh giá của Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương, thời gian tới, thị trường cao su sẽ có nhiều biến động do xung đột giữa Nga với Ukraina sẽ tác động đến thị trường hàng hóa, trong đó có mặt hàng cao su. Nga và Ukraina là hai trong số những nước tiêu thụ các sản phẩm làm từ cao su nhiều nhất thế giới.
Xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Nga cũng sẽ gặp khó khăn do vận tải bị ngừng trệ, rủi ro về giao dịch ngân hàng... Việc cấm vận hàng không cũng sẽ dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.
Advertisement
Advertisement