20/08/2019 10:13
Cạnh tranh taxi công nghệ: Ai đang nắm lợi thế?
Từ khi thói quen dùng ứng dụng smartphone để gọi taxi trở nên phổ biến, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang ngày càng gay gắt hơn.
Grab
Là một trong những đơn vị tiên phong trong việc phát triển ứng dụng gọi xe từ năm 2016. Thời gian đầu Grab có đối thủ là Uber nhưng sau khi Uber rút lui và nhường lại sân chơi Grab, hãng công nghệ có vốn đầu tư từ Malaysia này có đến gần 2 năm độc chiếm thị trường.
Tài xế phản ảnh nhiều bất hợp lý trong hệ thống định vị tính giá cước của Grab. |
Đó là khoảng thời gian khá dài để Grab có thể tạo dựng được một đội ngũ tài xế đông đảo, có được lượng người dùng trung thành và phát triển thêm nhiều dịch vụ khác. Không khó hiểu khi Grab đang là nhà cung cấp dịch vụ gọi xe taxi chiếm thị phần lớn nhất hiện nay. Chỉ tính riêng đối với smartphone sử dụng hệ điều hành Android, ứng dụng Grab có đến trên 100 triệu lượt tải xuống.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, Grab đang đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh, cụ thể như hệ thống định vị để tính cước thường xuyên bị tài xế và khách hàng khiếu nại vì thiếu chính xác. Bên cạnh đó là các quy tắc ứng xử, quy định về tỉ lệ hủy chuyến dành cho tài xế nhiều điều khoản khắt khe, có dấu hiệu áp đặt, tạo áp lực lên đội ngũ lái xe vốn được Grab xem là đối tác. Đỉnh điểm của biểu hiện này là đã có một vài trường hợp tài xế khởi kiện Grab ra tòa vì đơn phương khóa tài khoản.
BeCar
Vừa mới xuất hiện từ đầu năm 2019 nhưng hình thức gọi xe bằng ứng dụng di động Be đang tạo một áp lực lớn lên Grab - người đang dẫn đầu cuộc đua. CEO Trần Thanh Hải của Be Group cho biết đã nhận được hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư để phát triển ứng dụng này. Trong đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) là đối tác chiến lược, hỗ trợ cho hoạt động của Be Group.
Hệ thống mạng lưới tài xế của Becar vẫn còn khá “lỏng”, chưa thể đón khách nhanh chóng. |
Ban đầu, công ty chỉ cung cấp 2 loại hình dịch vụ chủ yếu là gọi xe 2 bánh beBike và gọi xe 4 bánh beCar nhưng trong tương lai, công ty sẽ mở rộng thêm lĩnh vực giao hàng, thực phẩm, thanh toán điện tử và tài chính số. Mục tiêu hiện tại của công ty là đạt được 110.000 tài xế trên toàn quốc vào cuối năm 2019.
Để cạnh tranh, Becar tung ngay khuyến mãi lớn cho tài xế và người dùng để thu hút khách, đặc biệt là đánh vào tử huyệt “nhân giá” vào giờ cao điểm hoặc thời tiết xấu của đối thủ. Có thêm đối trọng, Grab không còn tùy tiện tăng giá, khách hàng có thêm lựa chọn nên dễ dàng so giá cước, thậm chí có không ít trường hợp khách hàng đặt xe bằng nhiều ứng dụng, sau đó xem xe nào rẻ hơn hay xe nào đến đón trước thì đi.
Có thể dễ dàng nhận thấy mô hình hoạt động của Be gần như “copy” nguyên bản từ Grab, tuy nhiên, trong khi đối thủ đã có một thời gian dài để hoàn thiện quy trình hoạt động thì Be vẫn phải vừa chạy vừa “vá” các lỗ hổng. Khi khảo sát ý kiến của khách hàng, nhiều người cho biết việc đón xe Becar mất nhiều thời gian hơn do lượng tài xế còn ít.
Dù đưa ra chính sách khuyến mãi giảm giá, nhưng nhiều khách hàng vẫn ngại ngần khi phải chờ đợi lâu, và tài xế cũng cảm thấy thiệt thòi khi cuốc “nổ” đón khách ở vị trí quá xa. Chính vì vậy, có thể nhận định BeCar rất khó qua mặt đối thủ trong thời gian ngắn và một khi lá bùa "khuyến mãi" hết hiệu lực thì lúc đó vị trí của beCar mới có thể xác định chính xác.
FastGo
Thỏa thuận bắt tay hợp tác giữa hai hãng FastGo và Vinfast chỉ mới công bố vào giữa tháng 8/2019, nhưng thương vụ này dự báo sẽ mang đến sự cạnh tranh rất lớn trên thị trường ứng dụng gọi xe, trong đó phải kể đến sức hút lớn và các lợi thế của thương hiệu Vinfast.
Tập đoàn Vingroup và Công ty Cổ phần FastGo Việt Nam vừa ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, bước đầu đưa 1.500 xe VinFast Fadil vào cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ. Thông qua ứng dụng gọi xe FastGo, người dùng sẽ được trải nghiệm xe hơi VinFast với nhiều ưu đãi hấp dẫn và chất lượng dịch vụ khác biệt.
Thỏa thuận hợp tác giữa Vingroup và FastGo được thực hiện dựa trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi bên, nhằm xây dựng chuẩn mực dịch vụ cao cấp trong lĩnh vực vận chuyển hành khách trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao.
Thương vụ hợp tác giữa Vinfast và FastGo dự báo sẽ thay đổi cuộc đua trên thị trường taxi công nghệ. |
Theo đó, VinFast Fadil và VinFast Lux sẽ được đưa vào sử dụng trong hai dịch vụ của FastGo là FastCar và FastLux. Giai đoạn đầu, Vingroup sẽ cung cấp 1.500 chiếc xe VinFast Fadil cho FastGo và các đối tác tài xế của FastGo. Giai đoạn hai, VinFast sẽ cung cấp các mẫu xe cao cấp đang có và sắp sản xuất cho dịch vụ vận chuyển hạng sang FastLux.
Để đảm bảo mang đến cho FastGo diện mạo đồng bộ, chất lượng dịch vụ nhất quán và trải nghiệm mới mẻ trên những chiếc xe VinFast, các đối tác tài xế của hãng sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ đặc biệt khi đặt mua xe.
Về phía khách hàng, khi sử dụng dịch vụ vận chuyển bằng xe VinFast trên ứng dụng gọi xe FastGo sẽ được hưởng dịch vụ đẳng cấp, chất lượng và sự an toàn tối đa. Trong thời gian tới, FastGo dự kiến nâng cấp ứng dụng, bổ sung tính năng dành riêng cho khách hàng có nhu cầu gọi xe VinFast.
Bên cạnh việc tạo thuận lợi tối đa cho người dùng, khách di chuyển đi, đến trong hệ sinh thái Vingroup như các khu đô thị Vinhomes, khu nghỉ dưỡng Vinpearl, trung tâm thương mại Vincom, điểm bán lẻ VinMart... sẽ được ưu tiên đón trả và tặng mã giảm giá hấp dẫn.
Như vậy, khi bức tranh giao thông của Việt Nam chưa được hoàn chỉnh bởi thiếu hệ thống phương tiện công cộng, việc ra đời các ứng dụng gọi xe taxi trên smartphone là một tiện ích và nhu cầu thiết thực của người dân.
Bên cạnh những ông lớn trên thị trường xe taxi công nghệ như nêu trên, vẫn còn nhiều thương hiệu khác như VATO, Vinasun, Mai Linh... cũng đang nỗ lực để không bị tụt hậu. Dù ai là người chiến thắng trong cuộc đua này thì khách hàng, những người sử dụng xe taxi cũng sẽ được hưởng lợi đầu tiên.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp