Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cạnh tranh còn yếu, doanh nghiệp Việt có nguy cơ bị bóp chết trước làn sóng hàng ngoại

Doanh nghiệp

12/03/2018 08:08

Doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy kinh doanh sau khi ký kết CPTPP, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

Thiếu và yếu

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam, cho rằng áp lực cạnh tranh ở đây không chỉ có doanh nghiệp mà cả khu vực quản lý Nhà nước, gồm cả thể chế và con người. Ông Trường ví von doanh nghiệp là một cỗ xe, còn toàn bộ thể chế chính là con đường.

“Con đường nhỏ, gập ghềnh thì có mua Rolls Royce cũng chỉ chạy ngang bằng Matiz thôi. Nhưng ngay cả khi pháp chế tốt rồi mà người vận hành không tốt, con đường dày đặc barie thì doanh nghiệp sẽ mua Matiz chứ không mua Rolls Royce”, ông Trường nói.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, sau khi đàm phán thành công và ký kết Hiệp định CPTPP, thách thức hội nhập mới trở thành hiện thực đúng nghĩa. Đây sẽ là thời điểm cần đến năng lực thực thi, năng lực hội nhập thực tế, là những thứ mà Việt Nam còn yếu và thiếu. Do vậy vẫn còn nhiều việc phải làm. 

Theo chuyên gia này, vấn đề mấu chốt là phải tích cực chuẩn bị các năng lực thực thi để tuân thủ và năng lực vận hành để đáp ứng các điều kiện khắt khe, đòi hỏi rất cao của một Hiệp định được coi là tiến bộ nhất.

Doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh trên sân nhà.
Doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh trên sân nhà.

Ông Thiên cho rằng đây là vấn đề năng lực bộ máy, năng lực con người, hệ thống luật lệ, chính sách và cơ chế bảo đảm sự tương thích, nguồn nhân lực, lực lượng doanh nghiệp. Đó là khối lượng công việc rất lớn và phức tạp, với những chất lượng rất mới. Nghĩa là phải hành động theo tư duy đổi mới mạnh mẽ, với tinh thần cải cách cơ cấu triệt để và xây dựng thể chế vượt trội.

Để tận dụng được các lợi ích và khắc phục những khó khăn nêu trên, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số giải pháp. Trước hết cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. Đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.

“Doanh nghiệp cần có cái nhìn bao quát đối với hiệp định, không chỉ tìm hiểu thông tin về lĩnh vực trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”, ông Thiên nói.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên. 

Cuối cùng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác 10 nước ký kết CPTPP để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, CPTPP không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước.

Hiệp định này còn đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. 

“Cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ sản phẩm, doanh nghiệp và Quốc gia. Tất cả tạo ra sức ép to lớn trong bối cảnh năng lực cạnh tranh quốc gia và của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, Việt Nam có trình độ phát triển được xem là thấp nhất trong các thành viên CPTPP”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Người đứng đầu ngành Công thương cho rằng, những tác động tiêu cực từ những yêu cầu phải mở cửa thị trường mua sắm công, thuế nhập khẩu hay thiếu chiến lược đầu tư hiệu quả...  có thể khiến cho lợi ích tổng thể của nền kinh tế bị suy giảm.

Trong khi đó, quá trình cải cách thể chế trong nước chậm chạp có thể không bắt kịp với tiến trình chuyển đổi nhanh chóng khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập trong CPTPP, cản trở Việt Nam khai thác những cơ hội mà TPP mang lại. 

“Việt Nam sẽ phải mở cửa chào đón hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước. Đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại sân nhà. Trong bối cảnh khả năng thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam với kinh tế thị trường còn kém thì nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa cũng vì thế gia tăng”, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh lo lắng.

Nhiều thách thức

Sau khi Việt Nam và 10 quốc gia khác vừa ký kết hiệp định Hiệp định CPTPP, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo “Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương: Trường hợp của Việt Nam”. Báo cáo này cho thấy, CPTPP sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn cho Việt Nam nhưng cũng không ít thách thức.

Theo báo cáo, những hiệp định thương mại đa phương như CPTPP sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.

Những tháng đầu năm 2018 đã có khoảng 1.000 mặt hàng của Nhật Bản vào nước ta với thuế suất bằng 0%.
Những tháng đầu năm 2018 đã có khoảng 1.000 mặt hàng của Nhật Bản vào nước ta với thuế suất bằng 0%.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, ngay cả khi dựa trên những giả định khiêm tốn, Hiệp định CPTPP dự kiến sẽ góp phần làm tăng thêm 1,1% GDP tính đến thời điểm 2030. Với thêm giả định tăng năng suất khiêm tốn, CPTPP sẽ góp phần làm GDP tăng thêm 3,5%”.

Hiệp định CPTPP dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho mọi nhóm thu nhập, những lao động có tay nghề cao và thuộc nhóm có thu nhập 60% từ trên xuống sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Ngoài ra, dự kiến tăng trưởng đầu tư nước ngoài sẽ kéo theo tăng trưởng ngành dịch vụ và tăng năng suất lao động.

Các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhờ vậy khuyến khích phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, hiệp định CPTPP sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường.

“Quan trọng nhất, nó sẽ thúc đẩy và tăng tốc quá trình cải cách trong nước, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thực hiện các cam kết trong CPTPP sẽ thúc đẩy hơn nữa minh bạch hóa, xây dựng thể chế hiện đại tại Việt Nam”, ông Sebastian Eckardt nói.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra, CPTPP sẽ thúc đẩy cải cách trong các lĩnh vực như quản lý cạnh tranh, dịch vụ, hải quan, thương mại điện tử, môi trường, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, tiêu chuẩn lao động, pháp lý, thâm nhập thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan, khắc phục thương mại…

Trong khi đó, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại Nguyễn Văn Nam cho rằng, việc tham gia Hiệp định này sẽ gặp nhiều thách thức. Thậm chí ngay cả khi chưa ký kết Hiệp định cũng đã có nhiều khó khăn. 

Chuyên gia này phân tích, những tháng đầu năm 2018, hàng Nhật Bản vào thị trường Việt Nam khoảng 1.000 mặt hàng với thuế suất bằng 0%, Hàn Quốc là 700 mặt hàng. Trong khi, hàng hóa của doanh nghiệp trong nước cạnh tranh còn yếu, doanh nghiệp có nguy cơ bị bóp chết trước làn sóng hàng ngoại.

Trên thực tế, nguy cơ này nước nào cũng phải đối mặt nhưng các nước đều có biện pháp khắc phục. Còn nước ta khắc phục còn chậm vì chính sách thiếu, chưa có sự chuẩn bị về nội lực, tức là chưa nâng cao năng lực của doanh nghiệp nội địa nên khả năng cạnh tranh thấp.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement