Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cẩn trọng rủi ro tỷ giá cuối năm

Vàng - Ngoại tệ

13/09/2017 11:19

Thị trường ngoại hối vẫn trong xu hướng ổn định nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào, lãi suất không có nhiều biến động, cũng như các ngân hàng tích trữ lượng lớn ngoại tệ.

Tuy nhiên, thực tế cũng đã xuất hiện một số dấu hiệu thể hiện sự thay đổi, nên không thể chủ quan.

Thị trường ngoại hối sẽ duy trì sựổn định…

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB cho biết, có 3 điểm đáng chú ý khi nhìn vào thị trường ngoại hối trong nước hiện nay.

Thứ nhất, đầu tư FDI vào Việt Nam rất lớn và tăng rất nhanh, có nghĩa là lượng ngoại tệ đổ vào nhiều và tăng nhanh. Theo đó, các nhà đầu tư phải chuyển đổi ngoại tệ sang VND để kinh doanh, nên nguồn cung về ngoại tệ tốt. Thứ hai, dự trữ ngoại hối tăng lên, hỗ trợ cho VND.

Thứ ba, cán cân xuất nhập khẩu đầu năm có tăng nhẹ, nhưng gần đây đã được kìm chế ở mức dưới 2 tỷ USD, nghĩa là xu thế thâm hụt cán cân được kiểm soát tốt và trong xu thế giảm từ nay đến cuối năm.

Đối với yếu tố nước ngoài, ông Trung cho biết, trước đây, thị trường kỳ vọng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng mạnh lãi suất USD, giúp giá trị đồng tiền này tăng cao trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế chỉ số US Dollar Index xuống thấp quanh mức 92 và USD liên tục mất giá so với nhiều ngoại tệ khác.

“8 tháng đầu năm, USD thực sự mất giá. Khi định giá VND trong rổ ngoại tệ, hầu hết các đồng tiền đều tăng giá so với USD, nên theo tôi, các yếu tố bên ngoài tác động vào VND hầu như là tích cực. VND trong xu thế ổn định những tháng cuối năm”, ông Trung nhận định.

Nhóm Nghiên cứu kinh doanh vốn của BIDV cho biết, thị trường ngoại hối trong tháng 8/2017 diễn biến theo xu hướng ổn định.

Nguồn cung ngoại tệ dồi dào, thị trường lãi suất không có nhiều biến động, cũng như các ngân hàng tích trữ lượng lớn ngoại tệ là nguyên nhân của sự ổn định trong tháng. Tỷ giá trong tháng này đa phần giao dịch trong biên độ hẹp 22.725-22.735 USD/VND, mặc dù có một vài phiên tăng lên mức 22.740 USD/VND do nhu cầu của khách hàng FDI.

Tỷ giá USD/VND được dự báo tăng nhẹ trong những tháng cuối năm.

Cũng trong tháng 8, theo Nhóm Nghiên cứu, Ngân hàng Nhà nước ước mua được khoảng 300-350 triệu USD. Tỷ giá trung tâm tháng 8 tiếp tục tăng vào giữa tháng so với cuối tháng 7, sau đó giảm nhẹ về lại mức 22.438 USD/VND vào cuối tháng.

Như vậy, cả tháng 8, tỷ giá trung tâm đã tăng khoảng 11 điểm, thấp hơn so với mức tăng của các tháng trước đó, khi mà chỉ số này tăng 284 điểm từ đầu năm tới nay.

Mặc dù chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường co hẹp, thậm chí ở mức âm đối với các kỳ hạn ngắn qua đêm (1 tuần), nhưng vẫn được hỗ trợ mạnh mẽ từ cân đối cung-cầu và diễn biến USD trên thị trường quốc tế.

Cụ thể hơn, Nhóm Nghiên cứu cho biết, trong tháng 8/2017, nguồn cung ngoại tệ vẫn duy trì sự dồi dào, ước tính cán cân thương mại có thể thặng dư khoảng 300-400 triệu USD. Bên cạnh đó, nguồn giải ngân FDI tiếp tục xu hướng tăng trưởng từ đầu năm, đạt khoảng 1,25 tỷ USD.

Ngoài ra, hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng diễn ra sôi động trên cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Chỉ số DXY trên thị trường quốc tế tiếp tục theo xu hướng giảm khoảng 0,8-0,9% trong tháng 8 xuống mức 92,25; trong bối cảnh chính trường Mỹ có nhiều xáo trộn và USD chịu áp lực từ các đồng ngoại tệ mạnh khác, đặc biệt là EUR.

Một điểm nữa hỗ trợ sự ổn định của thị trường ngoại hối, đó là tín dụng ngoại tệ trong tháng 9 dự kiến sẽ tăng trưởng tích cực trở lại cùng xu hướng với tăng trưởng tín dụng VND do nhu cầu vốn của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao; tỷ giá kỳ vọng tiếp tục ổn định và chênh lệch lãi suất vẫn ở mức hấp dẫn.

Đồng thời, huy động vốn ngoại tệ dự kiến sẽ giảm nhẹ trở lại sau khi đã tăng mạnh trong tháng 8 vừa qua. Theo đó, chênh lệch huy động vốn-tín dụng USD dự kiến sẽ co hẹp trở lại trong tháng 9 này.

“Áp lực tăng từ yếu tố bên ngoài cũng có xu hướng giảm do lãi suất LIBOR dự kiến tiếp tục đi ngang, khi mà khả năng Fed tăng lãi suất trong quý III đã giảm xuống mức thấp, chỉ khoảng 30% sau phiên họp cuối tháng 7 vừa qua”, Nhóm Nghiên cứu nhận định.

… Nhưng không thể chủ quan

Điểm đáng chú ý tại Báo cáo kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2018 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012. 8 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu lần lượt tăng 17,9% và 22,3% so với cùng kỳ 2016 (xuất khẩu tăng 5,5% và nhập khẩu giảm 0,3%).

Như vậy, kết thúc 8 tháng, nhập siêu đạt 2,1 tỷ USD, tương đương 1,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước nhập siêu 16,4 tỷ USD và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 14,3 tỷ USD.

“Điều này có nghĩa, tỷ giá chịu sức ép trước tình hình nhập siêu trong những tháng cuối năm”, một lãnh đạo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định.

Nhóm Nghiên cứu kinh doanh vốn của BIDV dự báo, tỷ giá dù vẫn chủ yếu theo xu hướng ổn định trong tháng 9/2017, dao động trong khoảng 22.725-22.750 USD/VND do nguồn cung dự trữ vẫn còn dư thừa, nhưng có một số sự kiện quan trọng trong tháng 9 có thể tác động làm tỷ giá biến động trong ngắn hạn.

Cụ thể, dòng tiền từ giải ngân FDI nhiều khả năng tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2017 do Việt Nam tiếp tục cải tổ mạnh mẽ và Chính phủ đưa ra những cam kết phát triển môi trường kinh doanh lành mạnh, dự kiến FDI giải ngân trong tháng 9 ở mức tương đương tháng 8, vào khoảng 1,25-1,3 tỷ USD; cán cân thương mại đang được cải thiện và nhiều khả năng tiếp tục thặng dư trong tháng 9, ước đạt 200-400 triệu USD, cũng sẽ bổ sung thêm nguồn cung.

Tuy nhiên, chỉ số DXY dự kiến tiếp tục đi ngang do nền kinh tế Mỹ chưa có đột biến. Đồng thời, Chính phủ Mỹ tiếp tục phải vật lộn để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư và thị trường, khi các cải tổ chính sách đưa ra trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump liên tục thất bại tại Thượng viện và Hạ viện. Ngoài ra, trong tháng 9 sẽ có cuộc họp thường kỳ của Fed.

Dự kiến trong kỳ họp này, Fed sẽ khởi động kế hoạch giảm nắm giữ trái phiếu chính phủ trong bảng cân đối tài sản. Điều đó có thể tác động đến tâm lý thị trường trong nước và tỷ giá USD/VND có thể biến động nhẹ quanh thời điểm này.

“Do các yếu tố kể trên, chúng tôi tiếp tục duy trì dự báo tỷ giá cuối năm nay ở mức 22.950 USD/VND”, Nhóm Nghiên cứu nhận định.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cũng cho rằng, tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm, nhưng không lớn.

NHUỆ MẪN (Tin nhanh chứng khoán)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement