Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch đóng vai trò như thế nào trong vụ án bà Hứa Thị Phấn?

Chính sách - Hạ tầng

22/05/2018 17:13

Để ông Phạm Công Danh đồng ý mua lại Ngân hàng Đại Tín, bà Hứa Thị Phấn đã nâng giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch lên 7 -8 lần.

Một trong những mấu chốt của vụ ánHứa Thị Phấn và đồng phạm “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “vi phạm các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín là căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (P.6, Q.3, TP Hồ Chí Minh) và vai trò của ông Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB (trước đó là Ngân hàng Đại Tín).

Xuất hiện tại các phiên xét xử với vai trò là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, ông Phạm Công Danh cho biết, trước thời điểm mua lại Ngân hàng Đại Tín ông không có thời gian để nghiên cứu chi tiết căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. Ngoài ra, ông Danh cũng thừa nhận rằng khi đó ông không có kinh nghiệm về tài chính ngân hàng và xem các ngân hàng đều có sẵn các chuẩn mực về thẩm định, về tài sản thế chấp cho vay.

Cũng theo bị án Phạm Công Danh, vào thời điểm đó trong số nhiều ngân hàng khác nhau thì Ngân hàng Đại Tín có dư nợ thấp và các khoản vay rất rõ ràng. Ngoài nhóm Phú Mỹ và nhóm Phương Trang ra thì Ngân hàng Đại Tín thời điểm đó rất ít cho các cá nhân, đơn vị khác vay.

“Giờ cơ quan điều tra và tòa công bố tôi mới biết được điều này là quá sức kinh khủng. Tôi đã từng làm bất động sản, chênh lệch 10-20% đã là quá lắm rồi nhưng nhân gấp 7-8 lần giá trị thực thì ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tôi rất bức xúc vấn đề này. Tôi kính mong hội đồng xét xử làm cho rõ sự việc này ra. Nếu đúng như thế thì tôi đề nghị cho thu hồi lại cho ngân hàng”, Phạm Công Danh nói tại toà.

Ông Phạm Công Danh tại toà.
Ông Phạm Công Danh tại toà.

Theo kết quả điều tra, vào thời điểm bà Hứa Thị Phấn bán Ngân hàng Đại Tín cho Phạm Công Danh, căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch được định giá là 1.268 tỷ đồng, chiếm 42% vốn điều lệ. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận và được đổi tên thành VNCB, ông quyết định định giá lại căn nhà này và kết quả thực tế nó chỉ có hơn 181 tỷ đồng.

Trả lời luật sư tại toà, ông Phạm Công Danh thừa nhận nếu biết được thực trạng đó ông không bao giờ mua Ngân hàng Đại Tín. “Đây là sai lầm rất lớn của tôi. Vì sự chủ quan, vì sự tin tưởng và niềm tin ở bà Phấn, thực sự bà Phấn quá giỏi cho nên sự việc này mới xảy ra”, ông Danh cho biết.

Trả lời câu hỏi của luật sư là lúc đấy ngân hàng có cần bán tài sản này (căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch) không?

Ông Phạm Công Danh nêu: “ Trong bối cảnh lúc đó, không chỉ 180 tỷ đồng mà 100 tỷ đồng, thậm chí dưới mức đó tôi cũng bán vì tiêu chí đầu tiên là không để ngân hàng đổ vỡ, đừng để mất an ninh trật tự xã hội, mất an ninh tiền tệ".

“Khi đó hai bên đã có vấn đề tranh chấp rồi, tôi đã đưa tiền vào 3.600 tỷ đồng mà chưa lấy bất kỳ tài sản nào ra hết. Lấy tài sản ra cũng không được buộc lòng tôi phải theo như vậy”, ông Danh cho biết thêm.

Tuy nhiên, việc bán căn nhà số 5 đã không thực hiện được vì giá trị căn nhà này quá thấp. Là người chịu trách nhiệm tạo ra nguồn tiền để Ngân hàng VNCB không bị phá sản, bị án Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng VNCB) cho biết sở dĩ không bán được căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch là do giá trị trên sổ sách của căn nhà quá cao, trong khi thẩm định lại thì quá thấp.

“Sự chênh lệch quá lớn, nếu bán giá trị thấp như vậy thì ngân hàng sẽ lỗ sâu hơn và ảnh hưởng toàn bộ hoạt động kinh doanh. Tại thời điểm đó do áp lực thanh khoản buộc lòng tôi phải làm những hành vi sai và đã bị kết án”, bị án Phan Thành Mai cho biết.

Kết quả điều tra cho thấy, vào 8/2014, ông Phạm Công Danh nhận mua lại Ngân hàng Đại Tín từ nhóm Phú Mỹ của bà Hứa Thị Phấn với giá hơn 4.600 tỉ đồng. Sau khi tiếp nhận, ông Phạm Công Danh đã đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và sau đó đổi tên thành Ngân hang Xây dựng (CB).

Căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch được chuyển nhượng như thế nào?

Theo hồ sơ, quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở thửa đất số 5 Phạm Ngọc Thạch có diện tích 621,78m2, tổng diện tích sử dụng 308,87m2, diện tích xây dựng 269,54m2.

Căn nhà này được UBND TP.HCM cấp GCN QSDĐ ngày 31/3/2004 do bà Hứa Thị Phấn nhận chuyển nhượng từ ông N.X.L và bà N.T.A.H vào ngày 24/1/2008, với giá 21.762,3 lượng vàng SJC, tương đương 371.047.215.000 đồng. 9 tháng sau, bà Phấn bán lại bán bất động sản (BĐS) trên cho Công ty CP Địa ốc Lam Giang với giá trên 426 tỷ đồng.

Sau đó, Công ty Lam Giang dùng BĐS nêu trên thế chấp cho Dương Trung Hiếu vay 187,5 tỷ đồng để góp vốn vào Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn (Công ty Phúc Nguyễn của bị can Phấn). Thời điểm này Ngân hàng Đại Tín chi nhánh Sài Gòn định giá BĐS số 5 Phạm Ngọc Thạch theo giá thị trường trên 290 tỷ đồng.

Ngay 27/7/2011, Công ty Lam Giang ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản ngân hàng (Công ty Trust Asset, của bị can Phấn) thẩm định giá BĐS này. Dù không có chức năng thẩm định giá, nhưng Giám đốc Trust Asset là Nguyễn Công Tụ vẫn ép nhân viên Bùi Thế Nghiệp phải định giá BĐS số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá cao nhất. Sợ mất việc nên Nghiệp định giá BĐS này là 1.268 tỷ đồng, rồi ra chứng thư thẩm định vào ngày 2/8/2011.

Ngày 3/8/2011, Tổng Giám đốc ngân hàng Đại Tín Trần Sơn Nam ký tờ trình mua BĐS nêu trên. Cùng ngày HĐQT Trustbank, gồm Hoàng Văn Toàn, Nguyễn Vĩnh Mậu, Hứa Thị Phấn, Hứa Xường, Trần Sơn Nam, Lâm Hồng Trinh, Ngô Kim Huệ thống nhất mua giá 1.268 tỷ đồng.

Từ ngày 8/8/2011 đến ngày 14/12/2011, Đại Tín chuyển cho Công ty Lam Giang 990 tỷ đồng. Nhưng đến ngày 2/2/2012, các đối tượng trên hủy hợp đồng mua bán và Công ty Lam Giang bán lại căn nhà của bị can Phấn cho chính bà vào ngày 7/2/2012 chỉ với giá 450 tỷ đồng.

Sau đó 6 ngày, bị can Phấn bán lại căn nhà này cho Ngân hàng Đại Tín với giá 1.260 tỷ đồng, rồi rút hết tiền để sử dụng. Hành vi nâng khống giá trị thực của BĐS này diễn ra chỉ chưa đầy 20 ngày, nhưng đã gây thiệt hại cho ngân hàng trên 1.105 tỷ đồng.

THÁI MỸ
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement