03/08/2021 10:36
Cần 156.000 tỷ đồng đầu tư hoàn chỉnh Vành đai 3 TP.HCM
Cấn 156.000 tỷ đồng để đầu tư hoàn chỉnh tuyến Vành đai 3 TP HCM với quy mô 8 làn xe.
Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An về kế hoạch triển khai đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.
Theo quy hoạch tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, cần phải hoàn thành xây dựng trước năm 2020, nhưng đến nay mới chỉ có 16,3/91,66km trên địa phận tỉnh Bình Dương được đưa vào khai thác với quy mô 6 làn xe.
Vành đai 3 TPHCM hiện chỉ mới làm được 1 đoạn nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh theo quy hoạch
Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng về phương án triển khai dự án, tuy nhiên đến nay chưa thu xếp được nguồn vốn. Hiện tại, Bộ GTVT đã cập nhật giá trị tổng mức đầu tư, chi phí xây dựng, chi phí giải phóng mặt bằng trên từng địa phận các địa phương.
Chiều dài toàn tuyến Vành đai 3 TP HCM khoảng 91,66 km. Điểm đầu tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Kinh phí để đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch rất lớn, tới khoảng 156.800 tỷ đồng.
Theo thiết kế, giai đoạn hoàn thiện sẽ đầu tư tuyến Vành đai 3 với mặt cắt ngang 8 làn xe cao tốc, có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng.
Trong giai đoạn 1 sẽ đầu tư một đường cao tốc ở giữa với quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe và đường song hành hai bên với quy mô mặt cắt ngang tối thiểu 2 làn xe.
Trên cơ sở quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư và chủ trương ưu tiên nghiên cứu đầu tư theo phương thức PPP, Bộ GTVT dự kiến chia Vành đai 3 TP.HCM ra thành các dự án thành phần.
Cụ thể, đối với các dự án đường song hành, giai đoạn hoàn thiện là 64.967 tỷ đồng và giai đoạn 1 là 51.777 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB là 44.229 tỷ đồng. UBND các tỉnh, thành phố là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương hoặc nguồn vốn hợp pháp khác.
Đối với các dự án đường cao tốc, tổng mức đầu tư cho cả giai đoạn hoàn thiện là 91.889 tỷ đồng và giai đoạn 1 là 30.822 tỷ đồng.
Bộ GTVT nghiên cứu phương án triển khai là 1 dự án cho toàn bộ phần đường cao tốc và 4 dự án thành phần với dự kiến chia theo các đoạn: (i) Đoạn Nhơn Trạch - Tân Vạn; (ii) Đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn; (iii) Đoạn Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 và (IV) Đoạn Quốc lộ 22 - Bến Lức.
Về nguồn vốn, Bộ GTVT đề xuất UBND TP HCM là cơ quan có thẩm quyền tổ chức triển khai thực hiện đối với toàn bộ phần đường cao tốc. Với quan điểm ưu tiên triển khai đầu tư theo phương thức PPP, khi nghiên cứu toàn bộ phần đường cao tốc là một dự án thì có thể khả thi để triển khai đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT.
Khi được cấp có thẩm quyền cho phép tổ chức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đoạn từ Tỉnh lộ 25B đến đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, mới có thể hoàn vốn trong 29 năm, và vốn nhà nước tham gia không quá 50%. Đoạn này là đoạn 1A, đang được triển khai bằng nguồn vốn vay của EDCF.
Trường hợp chia thành các dự án thành phần theo các đoạn như trên (giai đoạn 1 gồm: (i) Đoạn Nhơn Trạch - Tân Vạn; (ii) Đoạn Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 và (iii) Đoạn Quốc lộ 22 - Bến Lức) thì dự án thành phần đoạn Nhơn Trạch - Tân Vạn sẽ không khả thi khi triển khai theo phương thức PPP, hợp đồng BOT. Do tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vượt quá 50% theo quy định.
Để có thể kịp trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp thứ 2 (dự kiến khai mạc vào cuối tháng 10/2021) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần thiết phải khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong nữa tháng 8/2021.
Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An sớm cho ý kiến để hoàn thiện báo cáo.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp