12/06/2020 16:40
Campuchia thu 3.000 USD phí đặt cọc xét nghiệm COVID-19 ngay tại sân bay
Người nước ngoài nhập cảnh vào Campuchia phải có giấy chứng minh âm tính COVID-19, giấy bảo hiểm y tế chi trả không dưới 50.000 USD trong thời gian lưu trú Campuchia.
Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia Mam Bunheng thông báo sẽ lắp đặt hệ thống ngân hàng tư nhân tại các sân bay ở nước này để hỗ trợ du khách nước ngoài nhập cảnh vào Campuchia nộp 3.000 USD phí đặt cọc xét nghiệm COVID-19 và cách ly.
Hành khách tại sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia ngày 3/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo thông báo ngày 10/6 của Bộ Y tế Campuchia, chính quyền thủ đô Phnom Penh sẽ phối hợp cùng Cục Di trú (Bộ Nội vụ Campuchia), Tổng cục Hải quan, Tổng Cục Hàng không dân dụng và Sân bay Quốc tế Phnom Penh trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19.
Trước đó, Tổng Cục Hàng không Dân dụng Campuchia tái xác nhận quy định tất cả người nước ngoài nhập cảnh vào Campuchia phải có giấy chứng minh âm tính với COVID-19 do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời gian không quá 72 giờ.
Ngoài ra, du khách nước ngoài phải cung cấp bằng chứng về giấy bảo hiểm y tế chi trả không dưới 50.000 USD trong thời gian lưu trú ở Campuchia và phải tuân thủ nghiêm ngặt những biện pháp bổ sung phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ Campuchia.
Theo các quy định về hạn chế đi lại, các quan chức nước ngoài nhập cảnh vào Campuchia mang hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ có thị thực ngoại giao (Visa A) hoặc thị thực công vụ (Visa B) được miễn các yêu cầu về giấy chứng minh sức khỏe và bảo hiểm y tế.
Báo chí Campuchia dẫn nhận định của một số doanh nghiệp nước này cho rằng, quy định mới rất chặt chẽ của Campuchia sẽ hạn chế đa số du khách nước ngoài muốn đến Campuchia ở cả thời điểm hiện tại và cả tương lai.
Kể cả trong trường hợp không nhiễm COVID-19, du khách nước ngoài vẫn có thể mất hàng nghìn USD và trải qua 2 tuần cách ly.
Ngành du lịch Campuchia phụ thuộc chính vào khách du lịch quốc tế. Khách nội địa không thể giúp ngành này hồi phục vì thu nhập của người dân Campuchia sẽ giảm đi khi nền kinh tế sa sút vì đại dịch COVID-19.
Nguồn: TTXVN
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp