08/12/2019 00:22
Camille Claudel - Nhà điêu khắc tài năng và một số phận đầy nước mắt
Nhà điêu khắc Camille Claudel mà những tác phẩm của bà là vật chứng đầy nước mắt cho cuộc đời bà. Google Doodle hôm nay 8/12 kỷ niệm 155 năm ngày sinh của bà.
Camille Claudel (ngày 8/12/1864 - 19/10/1943) là một nhà điêu khắc người Pháp. Bà là chị gái của nhà thơ và nhà ngoại giao Paul Claudel và là đồng nghiệp và người yêu của nhà điêu khắc Auguste Rodin .
Gần một thế kỷ trôi qua, đến tận năm 1988, chỉ khi bộ phim về cuộc đời Camille Claudel được phát hành, hơn 70 tác phẩm còn sót lại trong vô số những tác phẩm đã bị chính bà hủy bỏ mới tìm được vị trí đúng đắn và xứng đáng trong lịch sử nghệ thuật thế giới.
Sinh năm 1864, lớn lên tại làng nhỏ Villeneuve-sur-Fère nước Pháp, cô bé Camille sớm phát hiện ra điều kỳ diệu của đất sét, dưới bàn tay bé nhỏ của cô có thể làm nên được muôn hình muôn dạng. Sau khi rời nhà đến Nogent sur Seine, cô nhanh chóng được nhà điêu khắc trẻ Alfred Boucher để ý, nhận làm học trò, dìu dắt vào con đường điêu khắc.
Camille Claudel (giữa) và những tác phẩm nổi tiếng của mình. |
Ảnh hưởng của người thầy đầu tiên được thể hiện qua tác phẩm Paul Claudel 13 tuổi (1881) là bức tượng đồng về em trai cô (sau này là nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Pháp). Khi Camille 18 tuổi, Boucher đột ngột rời Pháp đi Italy, giới thiệu cô với một nhà điêu khắc tên tuổi ở Paris. Đó chính là Auguste Rodin.
Rodin lúc đó 42 tuổi, đang sống với Rose Beuret và có một người con chỉ kém Camille hai tuổi. Cuộc gặp gỡ đã cuốn hai nghệ sĩ tài năng vào cơn lốc của cuộc tình vụng trộm mãnh liệt. Bàn tay của Camille in dấu trên rất nhiều tác phẩm của ông trong giai đoạn này.
Dư luận miệt thị mối quan hệ không chính đáng, đàm tiếu về những tác phẩm của Camille, cho rằng đó là sáng tạo của người thầy. Bị mẹ và gia đình khinh rẻ và xa lánh, phải liên tiếp đối diện với người tình cũ của Rodin, Camille bị mất thăng bằng. Năm 1893, sau khi quyết định chính thức chia tay người tình, bà khép mình trong căn nhà vừa là xưởng điêu khắc trong khi Rodin đang choáng ngợp với những đơn đặt hàng tầm cỡ thế giới.
Tác phẩm Thời đại trưởng thành, đúc đồng năm 1913 trong phòng Claudel tại Musée Rodin (Nhân vật đứng đằng sau, bị buộc trong tóc của chính mình, là Clotho, 1893) |
Vào thời gian này, bà đã khẳng định mình bằng nhiều tác phẩm: Cô bé Châtelaine (1896), Con sóng (1897), Trầm mặc, Gia tài (1900), Người đàn bà thổi sáo (1904), Bỏ rơi (1905)... Các tác phẩm được thực hiện với nhiều phiên bản bằng các chất liệu khác nhau: thạch cao, đá hoa, đồng, và nàng cũng không ngần ngại sử dụng chất liệu quý hiếm như cẩm thạch để tạo sự khác biệt với Rodin. Sự nhạy cảm tinh tế trong nghiên cứu chi tiết, phong cách thể hiện sự giằng xé nội tâm của nàng đã làm xôn xao giới phê bình.
Điệu van là tác phẩm vượt qua giá trị thẩm mỹ thông thường, thể hiện một tình yêu mãnh liệt của hai thân thể tràn trề sức sống đang chìm đắm trong thế giới của nhịp, của nhạc. Cái gợi cảm của hai bàn tay chỉ “chạm” mà không nắm, cánh tay đỡ, nhẹ nhàng nhưng là điểm tựa đầy tin cậy được thế đứng của người con gái tạo ra, ngả về sau nhưng nghiêng lại với một chút khoảng cách, cho ta có cảm nhận được niềm khao khát quấn lấy người bạn nhảy.
Tác phẩm Điệu van. |
Sức sống nội tâm của tác phẩm, qua bàn tay tỉ mỉ của bà, thể hiện trong nét lượn thanh tao của cơ bắp, sự run rẩy của tế bào. Sự gần gũi của hai gương mặt đẩy cao trào xúc động, say đắm tới ước muốn tan biến trong những vòng nhảy quay cuồng tưởng như vô tận, được thấy rõ qua những vòng xoáy của miếng vải phủ gồ ghề đang cuốn theo họ phập phồng như một miếng vải liệm, với kỹ thuật sáng, tối, nổi, chìm làm nên sự tương phản, giằng xé: tình yêu hay cái chết? Một nỗi buồn thống thiết toát ra từ đó.
Tuy xa cách nhưng Rodin vẫn luôn duy trì sự hỗ trợ thiết thực của mình với người tình. Ông kín đáo viết thư cho bộ công nghiệp đề nghị xuất vật liệu đá hoa giúp bà, không ngừng giới thiệu về bà với các nhà phê bình tên tuổi. Tuy nhiên giới phê bình ngưỡng mộ các bức tượng bao nhiêu thì nghi ngại trước phong cách của bà bấy nhiêu bởi ở họ cảm nhận ở đó một người phụ nữ mệt mỏi tới vô vọng muốn thả mình vào nghệ thuật, một phụ nữ lập dị bị mất thăng bằng.
Muse'e Camille Claudel đã được khai trương vào tháng 3/2017, là một bảo tàng quốc gia của Pháp dành riêng cho công việc của Claudel. Nó nằm ở thị trấn thiếu niên Nogent-sur-Seine của cô. Musée Camille Claudel trưng bày khoảng một nửa trong số 90 tác phẩm còn sót lại của Claudel. |
Năm 1898, Camille viết thư cho Viện Nghệ thuật xin một khoản tiền tài trợ để thực hiện tác phẩm Tuổi chín muồi bằng đồng. Thanh tra đã chấp thuận và xác nhận đây là tác phẩm xứng đáng. Nhưng chỉ vài tháng sau, trong một cuộc triển lãm, Rodin tình cờ phát hiện ra phiên bản gốc bằng thạch cao, nổi giận vì cuộc sống riêng tư của ông bị phơi bày trước công chúng.
Không một lời giải thích, không những việc tài trợ cho phiên bản bằng đồng không được tiếp tục mà ngay cả đơn đặt hàng cho phiên bản bằng đá hoa cũng bị hủy bỏ. Mối quan hệ của hai người hoàn toàn chấm dứt từ đó. Camille oán giận Rodin là người đã gây nên mọi sự không may này.
Không có một tác phẩm điêu khắc nào mà số phận của một cuộc tình đổ vỡ lại hiện lên đau đớn đến thế. Một người đàn bà già nua, khuôn mặt nhăn nhúm, khắc khổ giống như thần chết đang choàng tay ôm người đàn ông và kéo ông đi, âu yếm mà quyết liệt. Vai trái của người đàn ông nghiêng về phía sau khắc khoải nhưng vai phải được sưởi ấm bằng trái tim của người đàn bà lại chùng xuống, cam chịu. Bàn tay tiếc nuối buông rơi cô gái đang quỳ xuống chới với trước khoảng không, van vỉ.
Trừ đôi bàn tay nhỏ nhưng được tạc rất thô để thấy đôi tay vất vả của một người làm điêu khắc, cả thân hình nàng, làn da, bộ ngực căng mịn đều toát lên vẻ đẹp của tuổi trẻ. Nhà văn Paul Claudel, em trai của nàng khi nhìn lại bức tượng này bật khóc: ôi, không lẽ nào, người con gái thảm thương kia, chính là chị tôi, chị Camille thân yêu của tôi!
Người đàn bà xinh đẹp, kiêu hãnh này, lại đang trần trụi mà quỳ xuống dưới chân người ta khẩn nài, nhục nhã. Tất cả đã kết thúc! Chị để lại cho đời hình ảnh về chị như thế! Đó là tâm hồn, là tài năng, là lẽ sống, là vẻ đẹp, là cuộc sống và là tên tuổi của chị.
Ngắm nhìn bức tượng từ một góc độ khách quan, vượt ra khỏi đời tư của nghệ sĩ, Tuổi chín muồi phản ánh một quy luật vô thường: con người sẽ có một ngày phải rời khỏi tuổi trẻ để đi về với miền đất khô cằn, lạnh lẽo của tuổi già và cái chết. Camille đã dành trọn trái tim của mình cho tác phẩm.
Sáng tạo không làm nàng quên được đau khổ, đắm chìm trong tuyệt vọng, cô đơn, nghèo túng, bị những ám ảnh, mộng mị, hoang tưởng giày vò, nàng dùng búa tự hủy vô số tác phẩm của mình và nhiều thư từ khác.
Năm 1913, Camille Claudel bị mất trí hoàn toàn, và được đưa vào bệnh viện tâm thần Ville Evrard. Bà mất ở đây ngày 19/10/1943 sau ba mươi năm giam hãm, vĩnh viễn không bao giờ thực hiện được khao khát mà bà thổ lộ giữa cơn tỉnh cơn mê: hạnh phúc biết bao nếu như tôi được trở lại ngôi nhà thân thuộc thời thơ ấu tại Villeneuve!
(Nguồn: Wikipedia, Đại biểu Nhân dân)
Advertisement
Advertisement