13/09/2017 11:44
Cấm xây căn hộ dưới 45m2 là bất công với người nghèo
Trong bối cảnh thu nhập người dân còn thấp, việc TP.HCM không cho xây dựng căn hộ thương mại dưới 45m2 là bất công với những người nghèo có mong muốn an cư, lạc nghiệp.
Mới đây nhất, UBND TP.HCM đã ký văn bản gửi Bộ Xây dựng, trong đó kiến nghị không cho phép xây dựng căn hộ thương mại có diện tích dưới 45m2.
Lý do được UBND TP.HCM đưa ralà hiện nayTP đang có tốc độ đô thị hóa, tốc độ tăng dân số cơ học rất cao. Việc đầu tư xây dựng nhà ở thương mại loại hình căn hộ chung cư diện tích dưới 45m2 sẽ làm đẩy nhanh hơn nữa quá trình này. Qua đó, làm tăng quy mô dân số và tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Điều này cũng phá vỡ quy hoạch được duyệt, nguy cơ xuất hiện nhà ổ chuột trên cao trong lòng đô thị.
Theo đề xuất của UBND TP.HCM, đối với căn hộ chung cư, phải thiết kế, xây dựng theo kiểu căn hộ khép kín, có diện tích sàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng.
Cụ thể, diện tích tối thiểu căn hộ trong nhà ở chung cư là 30m2 đối với nhà xã hội và 45m2 đối với nhà thương mại.
Nếu nhà ở xã hội là nhà chung cư thì căn hộ phải được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, diện tích mỗi căn hộ tối thiểu 25m2 và tối đa 70m2 sàn xây dựng, bảo đảm phù hợp với quy hoạch xây dựng.
Tuy nhiên, ý kiến này của UBND TP.HCM đã vấp phải sự không đồng tình từ nhiều Hiệp hội cũng như chuyên gia bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Đực – Chủ tịch Công ty Cổ phần Địa ốc Xanh cho rằng, lãnh đạo TP đã quá cứng nhắc trong việc quy định căn hộ thương mại có diện tích tối thiểu 45m2mà không tính toán tới nhu cầu ở thực của người dân.
“Nếu 45m2 ở đây là diện tích lọt lòng, thì diện tích thông thủy phải ở mức gần 50m2. Với mức giá trung bình 18 – 20 triệu đồng như hiện nay, 1 căn hộ có giá trên dưới 1 tỷ đồng. Đây là mức giá dành cho những người có thu nhập trung bình khá chứ người nghèo không thể với tới nổi”, ông Đực cho biết.
Theo ông Đực, với mức thu nhập hiện nay, nhu cầu mua căn hộ từ 30 -40m2 của người dân là rất lớn. Nếu áp dụng theo quy chuẩn nhà ở thương mại tối thiểu 45m2 thì rất khó khăn cho những người thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị có thể mua nhà.
Ông Đực đặt ra câu hỏi, tại sao lại có sự khác biệt giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội?
“Nhà ở xã hội là nhà phục vụ cho những người công chức, ăn lương nhà nước. Còn nhà ở thương mại là bán cho nhiều người, trong đó có người nghèo, công nhân, người buôn bán… Chúng ta bắt những người nghèo ở đô thị sống phải mua căn hộ 45m2thì làm sao họ với tới được”, ông Đực nói.
Theo ông Đực, bao nhiêu năm nay, TP đã cố gắng triển khai chương trình xây dựng nhà cho người nghèo nhưng hoàn toàn bất lực. Điều này khiến cho người nghèo, người thu nhập thấp phải chen chúc trong những khu nhà trọ mà không phải chỗ nào cũng khang trang, sạch đẹp.
“Trong khi TP không thể hỗ trợ cho người nghèo, doanh nghiệp chúng tôi đứng ra thực hiện thì TP lại ngăn cấm. Sao lại có cái lý như vậy. Việc xây dựng nhà nhỏ rẻ cho người nghèo, quyết định thành bại 70% là do chính sách, hỗ trợ của chính quyền, 30% thành công còn lại là từ doanh nghiệp. TP cấm, chúng tôi hoàn toàn có thể xây dựng căn hộ lớn hơn theo quy chuẩn, bán nhanh và lời nhiều hơn. Nhưng như thế, là quá bất công với người nghèo”, ông Đực bức xúc.
Ông Đực cho rằng, với tình hình lạm phát như hiện nay, những hộ có thu nhập thấp, trung bình gần như không có 1 khoản tiền dư thực tế. Do đó, trong khoảng 30 -50 năm tới, TP phải chấp nhận việc xây dựng những căn hộ nhỏ để ổn định đảm bảo người nghèo cũng có chỗ an cư. “Ngay cả các nước phát triển như Pháp, Mỹ, Hà Lan… họ vẫn chấp nhận việc này, sao chúng ta lại ngăn cấm nó”.
Cũng theo ông Đực, các khu nhà “ổ chuột” tại TP xuất hiện là do sự thiếu quy hoạch của chính quyền và người dân xây nhà trọ tự phát ở các khu vùng ven để đáp ứng nhu cầu nơi ở của công nhân, người lao động nhập cư.
Do đó, thay vì để phát triển tự phát, TP nên cho phép doanh nghiệp xây dựng các dự án căn hộ nhỏ. Bởi 1 khi vào tay doanh nghiệp, chắc chắn các dự án nói trên sẽ có sự chỉn chu, bài bản hơn thực hiện manh mún rất nhiều.
“Chúng tôi có một số căn hộ 20m2 ở ngay cầu Tham Lương, có mời lãnh đạo TP xuống tham quan nhưng mấy năm nay chưa mộtai đến. Tại sao các vị không đến xem thử, liệu xây dựng như vậy có hình thành nên những khu ổ chuột hay không. Thay vì cấm đoán, hãy làm thí điểm thử, xem xét xem có quản lý được hay không. Nếu được, hãy nhân rộng nó ra”, ông Đực nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, hiện nay, nhu cầu căn hộ chung cư nhà ở xã hội, nhà ở thương mại nhỏ có 1 - 2 phòng ngủ, có giá bán vừa túi tiền của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, sinh viên, công nhân lao động và người nhập cư là rất lớn.
Đây là vấn đề cần phải được giải quyết thật thỏa đáng để đảm bảo ổn định an cư cho người dân và thực hiện thành công chương trình đột phá thứ 7: "Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị" đã được Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X thông qua.
Do đó, việc diện tích nhà ở thương mại bao nhiêu thì TP hãy để thị trường giải quyết. Thị trường có nhu cầu thế nào thì sẽ có loại hình căn hộ đáp ứng đúng nhu cầu, không nên bắt doanh nghiệp phải xây dựng bao nhiêu nhiêu mét vuông.
Được biết, HoREA cũng vừa có kiến nghị gửi trình UBND TP.HCM và Bộ Xây dựng, trong đó đề nghị cho phép căn hộ chung cư nhà ở thương mại có diện tích tối thiểu 25 m2 sàn, nhưng phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, kiến trúc nhà ở và nội dung quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hiệp hồi cũng kiến nghị xem xét cho phép tỷ lệ căn hộ nhỏ có diện tích từ 25m2 sàn đến dưới 45m2 sàn không vượt quá 25-30% tổng số căn hộ của chung cư.
Riêng tại TP.HCM, có thể cho phép xây dựng loại căn hộ nhỏ có diện tích từ 25m2 sàn đến dưới 45m2 sàn tại các quận ven và các huyện ngoại thành thì phù hợp hơn.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp