Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cam kết lợi nhuận condotel: Coi chừng 'tiền mất tật mang'

Dù luôn đưa ra cam kết lợi nhuận cao chót vót, khách hàng mua condotel cần cảnh giác trước những “chiêu trò” của chủ đầu tư.

Đưa ra cam kết nhưng không dám trả lời

Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, condotel đã tạo nên một sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường tại phân khúc này. Để cạnh tranh, bên cạnh những tiện ích của dự án, mức cam kết lợi nhuận chính là một “chiêu bài” được chủ đầu tư đưa ra để thu hút người mua.

Dạo một vòng trên mạng, không khó để có thể tìm thấy các dự án với mức cam kết lợi nhuận hấp dẫn, từ con số 8 – 10% hay thậm chí là 12 – 15% theo từng khu vực.

Trong vai một khách hàng muốn mua condotel tại dự án nghỉ dưỡng Cocobay Đà Nẵng do Tập đoàn Empire làm chủ đầu tư, chúng tôi được nhân viên tư vấn tên P cho biết, khách hàng mua căn hộ tại dự án, sẽ được cam kết mức lợi nhuận tối thiểu 12% trong vòng 8 năm.

Thêm vào đó, còn được tặng 15 ngày đêm nghỉ dưỡng miển phí cho mỗi năm, được hỗ trợ lãi suất 0% trong vòng 18 tháng hay ngân hàng cho vay 60% giá trị hợp đồng trong 15 năm...

Theo nhân viên P, hiện tại, chủ đầu tư đang mở bán khu Coco Ocean – Spa Ressort với đẳng cấp 4 sao với mức giá từ 39,9 triệu/m2, dự kiến bàn giao vào quý 1/2019.

Tuy nhiên, khi hỏi ngược lại nhân viên tư vấn, là dựa vào đâu công ty lại đưa ra mức cam kết cao như vậy, P chỉ trả lời đại khái rằng, công ty đã nghiên cứu rất kỹ tiềm năng của thị trường bất động sản Đà Nẵng rồi mới dám đưa ra mức cam kết đó. “Empire là tập đoàn lớn, có uy tín tại nhiều nước trên thế giới, anh cứ yên tâm là chủ đầu tư một khi đã cam kết thì sẽ làm”, P nói.

Khi chúng tôi liên hệ với bộ phận truyền thông của Tập đoàn Empire với mong muốn được chia sẻ thông tin về mức cam kết lợi nhuận nói trên, nhân viên của Tập đoàn này từ chối trả lời với lý do đã nhiều lần cung cấp thông tin trên mặt báo, nay không muốn trả lời lại.

Thế nhưng, khi tìm kiếm trên mạng, chúng tôi không hề thấy bất cứ một dòng nào lý giải về mức cam kết lợi nhuận của chủ đầu tư này.

Tiếp tục liên hệ với ông Trịnh Việt Hưng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Empire, chúng tôi cũng không nhận được câu trả lời dù đã nhắn tin, gọi điện rất nhiều lần.

Dù đưa ra cam kết lợi nhuận tối thiểu 12%/ năm, nhưng chủ đầu tư dự án Cocobay lại né tránh khi được hỏi về lý do đưa ra mức cam kết này.

Trên thực tế, việc đưa ra mức cam kết lợi nhuận thật cao để thu hút khách mua sản phẩm rồi sau đó “chây lỳ” thanh toán lợi nhuận hàng năm cho khách hàng không phải là chưa xảy ra.

Mới đây nhất, hàng loạt khách hàng mua sản phẩm tại dự án Bavico International Hotel Nha Trang do Công ty TNHH SX TMDV Bạch Việt làm chủ đầu tư đã gửi đơn tới nhiều cơ quan chức năng cũng như báo chí để phản ánh những sai phạm tại dự án này.

Theo những khách hàng này, đầu năm 2015, họ đã ký hợp đồng mua condotel tại dự án nói trên với mức cam kết lợi nhuận tối thiểu mà công ty Bạch Việt đưa ra lên đến 15%.

Thế nhưng, dù đã thanh toán đủ giá trị hợp đồng, đến nay, nhiều người vẫn chưa nhận được sổ sở hữu cũng như được chia lợi nhuận đủ theo cam kết.

Khách hàng N.Đ.T, người mua căn hộ 35m2 trị giá hơn 1,2 tỷ đồng cho biết, ông chỉ được hưởng lợi nhuận của năm 2015, được trừ vào giá trị thanh toán của căn hộ.

Qua năm 2016, công ty Bạch Việt đã cố tình thanh toán thiếu số tiền lợi nhuận mà ông được hưởng. Và đến năm 2017, thì “phớt lờ” luôn khoản tiền này.

Thậm chí, tháng 3/2017, dự án này đã bị Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa yêu cầu dừng các hoạt động du lịch vì chưa bảo đảm các điều kiện kinh doanh lưu trú, đồng thời đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh khách sạn này. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn “chây lỳ” không thực hiện, tiếp tục các hoạt động đón khách, kinh doanh.

Chiêu bài “lấy mỡ nó rán nó”

Ông Từ Văn Phước, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch Vụ Việt Úc cho rằng, hiện nay, nhiều chủ đầu tư condotel đang sử dụng chiêu bài “lấy mỡ nó rán nó” và áp dụng cho khách hàng.

Cụ thể, theo ông Phước, với mức cam kết lợi nhuận 8 – 12%, các chủ đầu tư đã cộng luôn lợi nhuận hàng năm vào trong giá bán.

“Nếu giá trị căn hộ chỉ là 1 tỷ, cam kết lợi nhuận hàng năm là 10% trong vòng 8 năm, thì chủ đầu tư sẽ đưa ra giá bán là 1,8 tỷ đồng. Trên thực tế, phần lợi nhuận mà khách hàng được nhận cũng chính là số tiền mà khách hàng đã đóng vào, chỉ là bị chủ đầu tư nâng giá mà thôi”, ông Phước chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển thì cho rằng, những dự án biệt thự nghỉ dưỡng, condotel đi vào hoạt động, khả năng sinh lời ở mức 10% là rất khó.

Lý do là bởi ngoài hiệu suất cho thuê phòng, chi phí quản lý, marketing đã chiếm phần lớn doanh thu. Những dự án mới đưa vào sử dụng, nếu không có sẵn nguồn khách hàng cũng như thương hiệu chưa được tạo dựng, không đảm bảo công suất thuê phòng... thì nhiều khả năng còn phải bù lỗ chi phí chứ chưa nghĩ đến chuyện chi trả lợi nhuận cho khách hàng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, hiện nay, thị trường căn hộ khách sạn, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng đang có sự phát triển rất lớn, rất nhiều trong thời gian qua và có dấu hiệu cung vượt cầu.

Theo thống kê, tỷ lệ căn hộ condotel hiện chiếm khoảng 56%, trong khi khách sạn, resort chỉ chiếm 44% nguồn cung là không bình thường, vì thông thường ở các nước, nguồn cung căn hộ condotel thường thấp hơn nguồn cung phòng khách sạn, resort.

“Hiện nay, Luật Nhà ở cũng chưa quy định rõ ràng tính pháp pháp lý của loại hình sản phẩm này. Cùng với đó, việc chủ đầu tư cam kết lợi nhuận lên đến 12%/năm trong 8 - 12 năm là quá cao, chưa đảm bảo phát triển bền vững, tiềm ẩn yếu tố rủi ro cho nhà đầu tư thứ cấp. Chính vì thế, khách hàng khi muốn đầu tư sản phẩm này, phải tìm hiểu thật kỹ năng lực chủ đầu tư trước khi xuống tiền để tránh tranh chấp về sau”, ông Châu cho biết.

Theo một chuyên gia về du lịch, hiện nay, nhiều chủ đầu tư đang làm ngược với quy trình của một dự án bất động sản nghỉ dưỡng, đó là lo đi xây dựng án rồi mới đi tìm thị trường và nguồn khách hàng. Điều này dẫn tới tình trạng nhà nhà làm dự án, người người làm dự án.

"Dự án nghỉ dưỡng hay condotel phụ thuộc rất nhiều vào nguồn du khách, nhưng việccác dự án ra đời như "nấm mọc sau mưa" có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro, dẫn tới nguy cơ "vỡ trận" do nguồn cung quá lớn mà du khách thì có hạn. Trong thời gian ngắn thì không sao, nhưng về lâu dài, những dự án nào không thểcạnh tranh nổi sẽ bị thị trường đào thải. Lúc đó, phần thiệt hại không phải chỉ riêng chủ đầu tư mà cả những người đã lỡ mua sản phẩm tại những dự án này", chuyên gia này chia sẻ.

MINH NGHĨA
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement