10/07/2020 08:27
Cải tạo nhà ở nên mở rộng hay xây thêm tầng?
Sau nhiều năm sinh hoạt, công trình nhà ở thường xuống cấp hoặc không đủ diện tích do gia đình có thêm thành viên. Đây là thời điểm gia chủ suy nghĩ về chuyện cải tạo kết cấu nhà ở. Giữa cơi nới diện tích và xây thêm tầng, đâu là giải pháp phù hợp?
Khi cải tạo kết cấu nhà ở, việc đảm bảo sự an toàn và khả năng thuận tiện trong sinh hoạt là những điều cần quan tâm nhiều nhất.
Bằng việc trả lời những câu hỏi sau, gia chủ sẽ có cái nhìn tổng quan về tình trạng nhà ở của mình để có thể đưa ra quyết định hợp lý: Nền móng hiện tại và hệ kết cấu như cột đà, dầm, sàn,... có an toàn cho việc xây dựng không? Việc cải tạo, xây dựng thêm có ảnh hưởng đến kết cấu nhà của hàng xóm không? Gia chủ có chấp nhận phá dỡ tường hoặc thay đổi hệ thống cửa không? Việc cải tạo kết cấu nhà có ảnh hưởng đến hệ thống đường điện và cấp thoát nước không?
Nếu công trình nhà ở hiện tại có thể đảm bảo về sự an toàn, thuận tiện cho việc cải tạo kết cấu mới, gia chủ tiếp tục cân nhắc về giải pháp sửa chữa nhà ở của mình.
Nếu gia chủ muốn xây thêm tầng, điều kiện tiên quyết là phải có nền móng vững chắc
Hệ thống điện - cấp thoát nước là yếu tố rất quan trọng khi quyết định giữa 2 phương án: cơi nới diện tích hoặc xây thêm tầng
Phải xem kết cầu nhà trước khi sửa. |
Lựa chọn giải pháp nào: Cơi nới diện tích hay xây thêm tầng?
Điểm quan trọng nhất quyết định khả năng cơi nới diện tích của công trình chính là phần diện tích trống còn lại. Khu vực đất trống quanh không gian sinh hoạt như vườn tược, sân nhà... càng rộng thì việc thiết kế, thi công càng thuận tiện và dễ dàng.
Nếu như diện tích khu vực còn lại đó nhỏ hơn 25% tổng diện tích mặt bằng, gia chủ nên cân nhắc lại ý định về việc cơi nới nhà ở. Diện tích cơi nới thêm nên chiếm tối thiểu 25% diện tích mặt bằng.
Một ví dụ về ban công chật hẹp được cơi nới trở thành góc bếp xinh xắn |
Đối với hầu hết những căn nhà phố san sát nhau và không có diện tích thừa, giải pháp để cải tạo nhà chỉ có thể là xây thêm tầng mới. Về chi phí, việc chồng thêm tầng mới sẽ tốn kém hơn từ 20 - 30% so với cơi nới diện tích. Ngoài chi phí xây dựng, khoản chênh lệch này còn đến từ việc xử lý giấy tờ hành chính như giấy phép xây dựng cần có.
Nâng tầng nhà khiến gia chủ tốn nhiều chi phí nhưng phù hợp với hiện trạng nhà ống ở thành phố. |
Một số lưu ý và giải pháp khi cải tạo nhà
Nguyên tắc của việc cải tạo diện tích là nương theo hệ kết cấu nhà ban đầu, hạn chế việc thay đổi bố cục phòng ốc nếu không có sự tính toán.
Đặc biệt, gia chủ cần lưu ý vị trí phòng bếp và nhà vệ sinh bởi hai khu vực này có liên quan chặt chẽ đến đường điện nước, hố ga,... để tránh xung đột với hiện trạng căn nhà, gây nên những bất tiện và hạn chế không cần thiết.
Cơi nới diện tích nhà cần lưu ý không thay đổi vị trí bếp để tránh ảnh hưởng đến hệ thống điện nước ban đầu
Đối với nhà xây thêm tầng, gia chủ nên lựa chọn các loại vật liệu nhẹ nhằm giảm tải trọng lên nền móng cũ. Đối với tường bao, gạch nhẹ không nung là sự lựa chọn phù hợp.
Đối với tường nội bộ, gia chủ có thể lựa chọn thạch cao. Với kết cấu chính là khung thép, tường thạch cao dễ thi công và đi đường điện nước âm tường. Vật liệu này cũng đảm bảo khả năng chống cháy an toàn, chống ồn và có độ bền tương đối tốt.
Những điều kỵ khi sửa nhà. |
Trong quá trình cải tạo, gia chủ đôi khi sẽ có thắc mắc về các yếu tố phong thủy cần tránh. Một vài gợi ý dưới đây sẽ giúp gia chủ có được một căn nhà mới vừa khang trang, lại vừa đảm bảo đáp ứng quan niệm phong thuỷ một cách hợp lý nhất: Hạn chế thiết kế cửa sau trùng vị trí hoặc thông thẳng với cửa trước, hạn chế làm cầu thang đối diện cửa trước nhà
Nhà bếp không nên đặt đối diện với cửa nhà vệ sinh. Phòng ngủ không nên bố trí trên tầng của nhà để xe. Phòng tắm không nên đặt đối diện với cửa chính nhà và ở vị trí trung tâm ngôi nhà. Nhà thiết kế cửa đối cửa là đại kỵ trong phong thủy
Cải tạo nhà là một việc quan trọng cần có sự tính toán hợp lý. Dù cơi nới diện tích hay xây thêm tầng, nếu không đảm bảo chắc chắn, tốt nhất gia chủ nên tìm đến đơn vị tư vấn thiết kế và thi công uy tín để có được một ngôi nhà mới khang trang, tránh vì thiếu hiểu biết mà gây nên những sự cố “tiền mất tật mang” đáng tiếc.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp