14/04/2021 07:46
Cách nào đột phá hạ tầng giao thông 10 năm tới?
Để hạ tầng giao thông đột phá trong 10 năm tới, điều kiện bắt buộc là phải tăng thêm nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này...
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ có 3 phương thức kết nối, trong đó đường thủy đảm nhận 80% việc gom và giải tỏa hàng hóa, còn lại là đường bộ và đường sắt.
Lộ diện hàng loạt công trình giao thông đột phá
Tại cuộc họp báo cáo tích hợp 5 quy hoạch ngành GTVT hôm qua (13/4), ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho biết, hiện 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT đang được các cơ quan, đơn vị gấp rút hoàn thiện trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Theo đó, từng lĩnh vực đã xác định những dự án, công trình đột phá trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Lĩnh vực đường bộ, đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 5.000km đường cao tốc; hoàn thành xây dựng đường Vành đai 3, 4, 5 vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3, 4 vùng TP HCM; hoàn thiện đường ven biển dọc các tỉnh, gồm hệ thống quốc lộ và đường địa phương…
Trong báo cáo quy hoạch cần phải nêu rõ nhu cầu kinh phí thế nào, vốn ngân sách đáp ứng bao nhiêu, vốn xã hội hóa làm được cái gì và cơ chế thế nào để thu hút nguồn vốn xã hội hóa.
Để đột phá hạ tầng giao thông trong 10 năm tới, cần thiết chúng ta đề xuất luôn giải pháp nâng trần nợ công. Hiện nay, quy mô GDP tăng lên, nợ công chỉ 44%, trong khi dư địa của Quốc hội cho phép tới 65%.
Do đó, các cơ quan, đơn vị liên quan cần nghiên cứu mạnh dạn đề xuất bố trí 4 - 5% GDP để đầu tư đột phá hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2021 - 2030.
Quy hoạch là phải có tầm nhìn, hướng đến bền vững, lâu dài. Trong quy hoạch phải tiến tới kết nối toàn bộ các tỉnh, thành. Chúng ta phải có giải pháp linh động, cái gì huy động được vốn xã hội hóa sẽ ưu tiên làm trước, chỉ có những dự án dùng ngân sách sẽ phải theo trình tự.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể
Lĩnh vực đường sắt sẽ triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, ưu tiên đoạn Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang; Hoàn thành xây dựng đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân; Đoạn nối giữa đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân với cảng Lạch Huyện; Nghiên cứu, xây dựng tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu (ưu tiên đoạn nối cảng Cái Mép - Thị Vải); xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành…
Với đường thủy nội địa, theo ông Mười, quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 xác định sẽ phát triển 9 hành lang vận tải, 55 tuyến vận tải thủy nội địa, 60 cụm cảng hàng hóa và 27 cụm cảng hành khách.
Đồng thời, hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác các công trình trọng điểm trên các tuyến vận tải thủy chính: Cầu Đuống, kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2), kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền; Tập trung giải quyết vấn đề tĩnh không cầu trên các tuyến vận tải thủy chính (khoảng 20 cầu),…
Quy hoạch lĩnh vực hàng hải và hàng không cũng chỉ ra hàng loạt dự án, công trình đột phá trong giai đoạn tới gồm: Xây dựng CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1, công suất 25 triệu khách/năm, từng bước triển khai giai đoạn 2 công suất 50 triệu khách/năm; Xây dựng Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài; Xây dựng các bến tiếp theo thuộc cảng biển đặc biệt Hải Phòng (Lạch Huyện), Bà Rịa - Vũng Tàu;
Từng bước nghiên cứu đưa vào triển khai xây dựng các cảng nước sâu có tiềm năng như: Nam Hòn Dấu (Hải Phòng), Trần Đề (Sóc Trăng), cảng Vân Phong (Khánh Hòa)…
3 kịch bản đầu tư cho giai đoạn 2021 - 2030
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ KH-ĐT cho biết, việc kết nối giữa các lĩnh vực trong quy hoạch cơ bản được giải quyết ở những cụm giao thông chính.
Cụ thể, cụm Cái Mép - Thị Vải sẽ có 3 phương thức kết nối, trong đó, đường thủy đảm nhận 80% việc gom và giải tỏa hàng hóa, còn lại là đường bộ và đường sắt.
“Trong hoạch định đã có cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối trực tiếp với khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải và đường liên cảng bằng đường địa phương.
Hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai đầu tư tuyến đường địa phương với quy mô 8 làn xe”, ông Huy nói và cho biết, toàn bộ vùng Long Thành cũng được quy hoạch kết nối bằng hai phương thức đường bộ (3 tuyến) và 2 tuyến đường sắt (một tuyến đường sắt đô thị và một tuyến đường sắt quốc gia).
“Với tuyến đường sắt đô thị, sau khi đầu tư xong tuyến Thủ Thiêm - Long Thành sẽ tổ chức vận hành một đôi tàu chạy thẳng từ sân bay Tân Sơn Nhất đến CHK quốc tế Long Thành”, ông Huy chia sẻ và thông tin thêm, đối với vùng Nội Bài, hiện đã giải quyết xong vấn đề kết nối bằng hai phương thức đường bộ và đường sắt đô thị. Còn lại, vùng Lạch Huyện sẽ kết nối bằng 3 phương thức: Đường sắt, đường thủy và đường bộ.
Trên cơ sở nhu cầu vốn đầu tư cho ngành GTVT giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 1,46 triệu tỷ đồng (chiếm 2,07% GDP), Viện Chiến lược và phát triển GTVT xây dựng 3 kịch bản đầu tư kết cấu hạ tầng cho giai đoạn này, gồm: Kịch bản 1 (900.000 - 1 triệu tỷ đồng, chiếm 1,1 - 1,3% GDP), kịch bản 2 (1 triệu - 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm 1,1 - 1,3% GDP), kịch bản 3 (1,4 triệu - 1,5 triệu tỷ đồng, chiếm 1,6 - 1,7% GDP).
“Chúng tôi kiến nghị Bộ GTVT lựa chọn kịch bản 2 hoặc kịch bản 3 để phát triển hạ tầng trong giai đoạn 2021 - 2030”, ông Mười đề xuất và cho biết, một số giải pháp, chính sách chủ yếu để thực hiện gồm: Huy động vốn và phân bổ vốn đầu tư; giải pháp về cơ chế, chính sách theo nhóm ngành…
Phải có giải pháp đột phá về nguồn lực
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, đơn vị lập quy hoạch cần nghiên cứu lại các kịch bản đầu tư để đột phá hạ tầng giai đoạn 2021 - 2030. Bởi, các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc trong giai đoạn phát triển giống Việt Nam hiện nay, vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông của họ thường chiếm từ 4 - 6% GDP. Ngay cả Trung Quốc đến tận năm 2015 vẫn dành 4,5% GDP để đầu tư hạ tầng giao thông.
“Trong giai đoạn 2011 - 2020, chúng ta dành 2,18% GDP để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bây giờ đơn vị lập quy hoạch đề xuất rút xuống còn hơn 1% GDP cho giai đoạn 2021 - 2030, cần phải nghiên cứu lại”, ông Hùng nói và cho rằng, về giải pháp huy động vốn, đơn vị lập quy hoạch cũng cần làm rõ phần vốn ngân sách Nhà nước bao nhiêu, địa phương bao nhiêu và vốn huy động xã hội hóa thế nào, không thể nêu chung chung.
“Để đột phá hạ tầng giao thông, chúng ta phải đề xuất sửa đổi quy định pháp luật, chẳng hạn việc dùng ngân sách địa phương để đầu tư cho các quốc lộ, cao tốc.
Đặc biệt là nguồn chênh lệch địa tô từ việc đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc, cầu lớn cần phải tính toán để đầu tư trở lại cho hạ tầng giao thông, việc này đơn vị lập quy hoạch phải nghiên cứu đề xuất giải pháp cụ thể. Nếu cứ làm theo cách liệu cơm gắp mắm như hiện nay, sẽ rất khó để đột phá hạ tầng giao thông trong thời gian tới”, ông Hùng chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng cho rằng, đơn vị lập quy hoạch chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể về thể chế, cách thức huy động nguồn lực để thực hiện các quy hoạch chuyên ngành GTVT.
“Hiện, đơn vị lập quy hoạch mới đánh giá nguồn lực đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước, còn cơ chế để huy động nguồn lực khác thế nào, chưa thể hiện rõ. Khi đưa ra kịch bản đầu tư phát triển thì phải kèm theo các giải pháp cụ thể để triển khai mới thuyết phục được cơ quan chức năng”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu quan điểm: “Nếu chỉ dành khoảng 2% GDP đầu tư hạ tầng giao thông như nhiều năm qua không biết đến khi nào mới giải quyết được điểm nghẽn của ngành GTVT.
Bây giờ, chúng ta xác định phải ưu tiên phát triển đột phá hạ tầng giao thông, hình thành hệ thống đường cao tốc, hệ thống giao thông để khai thác các cảng biển, phát triển các khu kinh tế trọng điểm, muốn vậy phải có nguồn lực đầu tư”.
Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu, xem xét đề xuất nguồn lực đầu tư để đột phá hạ tầng giao thông lên 4 - 5% GDP thay vì 1 - 2% như kiến nghị của đơn vị lập quy hoạch.
“Trong quy hoạch cũng cần nêu rõ, nhu cầu vốn mỗi nhiệm kỳ bao nhiêu, giải quyết được cái gì, kinh tế phát triển ra sao?”, Bộ trưởng nói.
Về cách làm, người đứng đầu ngành GTVT gợi ý, các cơ quan, đơn vị liên quan có thể nghiên cứu đề xuất giải pháp phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư hạ tầng giao thông, sau đó tiến hành thu phí để hoàn trả vốn Nhà nước.
“Đầu tư bằng hình thức PPP, chúng ta phải trả lãi cho nhà đầu tư 10 - 11%/năm. Trong khi, vốn nhà đầu tư góp vào dự án chủ yếu là tiền của các tổ chức tín dụng huy động từ người dân.
Nếu phát hành trái phiếu Chính phủ lãi suất chỉ 3 - 4%/năm, khi công trình hoàn thành sẽ thu phí hoàn trả vốn Nhà nước, cách làm như vậy rõ ràng hiệu quả hơn nhiều”, Bộ trưởng gợi ý.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, giải pháp khác là nghiên cứu đề xuất cơ quan chức năng cho phép phát hành trái phiếu công trình, lấy tiền cho nhà đầu tư vay với lãi suất thấp để đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, đảm bảo tiến độ nhanh và hiệu quả.
“Quan trọng là các cơ quan liên quan, nhất là đơn vị lập quy hoạch phải nghiên cứu kỹ lưỡng để đề xuất cơ chế, giải pháp phù hợp để thực hiện đột phá đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Advertisement
Advertisement