09/01/2024 15:02
Cách giảm đau khớp khi thời tiết thất thường
Thời tiết đang chuyển mùa nên thay đổi thất thường. Người mắc bệnh xương khớp sẽ thấp thỏm không yên bởi những cơn đau nhức trước biến đổi khắc nghiệt này.
Vì sao thời tiết thay đổi khiến bệnh khớp khó chịu?
Các nhà khoa học đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu trong nhiều năm qua nhằm tìm ra mối liên hệ giữa thời tiết và đau xương khớp. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy những người bị viêm khớp có thể nhạy cảm với sự thay đổi của áp suất khí quyển và nhiệt độ.
Khi lớp sụn bao phủ xương bên trong khớp bị bào mòn, các dây thần kinh bị bộc lộ sẽ nhạy cảm hơn những thay đổi của áp suất trong khớp cũng như bên ngoài.
Ngoài ra, khi áp suất khí quyển thay đổi có thể khiến cho gân, cơ và các mô sẹo bị giãn ra và co lại, dẫn đến tình trạng đau khớp.
Bên cạnh đó, nhiệt độ thấp cũng là một trong những yếu tố góp phần làm thay đổi tính chất dịch khớp. Trong một cuộc khảo sát trên 200 người bị viêm xương khớp ở đầu gối, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi nhiệt độ giảm khoảng 10 độ hoặc khi áp suất khí quyển thấp sẽ làm gia tăng chứng đau khớp.
Bạn cũng có thể cảm thấy đau xương khớp hơn mỗi khi thời tiết "trái gió trở trời". Tình trạng nắng mưa thất thường, nhất là thời tiết trở lạnh khiến cho các khớp bị cứng và đau hơn. Nhiều người bị viêm khớp đã cảm nhận được các triệu chứng xấu xảy ra trước hoặc trong những ngày mưa.
Thông thường, áp suất giảm xuống trước khi thời tiết mưa hoặc trở lạnh. Điều này có thể làm kích thích cho các mô bị viêm và khiến cơn đau tăng lên.
Mặc dù thời tiết không phải là nguyên nhân gây ra viêm khớp hoặc làm cho bệnh trở nên nặng hơn, tuy nhiên chúng có thể tạm thời làm tăng cơn đau khớp. Chỉ khi thời tiết có tín hiệu ấm và khô hơn thì người bệnh mới cảm thấy dễ chịu và không bị giày vò bởi những cơn đau xương khớp.
Những đối tượng có nguy cơ cao bị viêm khớp
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết có khoảng 52,5 triệu người trưởng thành ở Mỹ bị mắc phải một số dạng viêm khớp. Trong đó, khoảng 294.000 trẻ em dưới 18 tuổi bị viêm khớp hoặc mắc phải một số dạng bệnh thấp khớp khác.
Thực tế, bất kỳ ai cũng có thể mắc viêm khớp, tuy nhiên nguy cơ thường tăng theo độ tuổi. Mặt khác, viêm khớp cũng có xu hướng di truyền trong gia đình.
Ngoài ra, những người bị chấn thương ở khớp hoặc người mắc bệnh béo phì sẽ có nguy cơ mắc viêm xương khớp (OA) cao hơn so với những người khác. Đối với viêm khớp dạng thấp (RA) thường phát triển với tỷ lệ cao hơn ở nữ giới.
- Viêm xương khớp (OA): Thường xảy ra ở cột sống, khớp tay, hông và đầu gối. Khi bị viêm xương khớp, các sụn khớp bao bọc ở đầu xương sẽ bị tổn thương và bào mòn, dẫn đến tình trạng đau cứng khớp.
- Viêm khớp dạng thấp (RA): Là một loại bệnh tự miễn, thường gây ra các triệu chứng điển hình như sưng, đỏ, xơ cứng và đau khớp. Hầu hết các vị trí bị ảnh hưởng bao gồm khớp lưng, khớp tay, khớp gối, và khớp bàn chân. Căn bệnh mãn tính này không chỉ làm tổn thương tới khớp mà còn gây hại cho các khu vực khác của cơ thể, chẳng hạn như da, tim, phổi, mắt, và mạch máu.
Kiểm soát cơn đau khớp khi chuyển mùa
Việc tập luyện khớp mỗi ngày là rất cần thiết, tuy nhiên, phải tránh các môn thể thao đối kháng. Nếu làm việc văn phòng, nên thường xuyên thay đổi tư thế ngồi, đứng lên khoảng 5 - 10 phút để tránh mỏi khớp.
Để đối phó với các cơn đau khớp khi thời tiết thay đổi, người bệnh khớp nên thực hiện các biện pháp sau:
Giảm đau bằng vật lý trị liệu
Mục đích của các bài tập vật lý trị liệu cơ xương khớp là tăng sức mạnh cho cơ đùi và duy trì biên độ vận động cơ xương khớp. Chính vì thế, các bài tập này rất cần thiết cho sự phục hồi của người mới trải qua phẫu thuật cơ xương khớp. Ngoài ra, những người có hệ cơ xương khớp bị tổn thương do sự lão hóa tự nhiên hay chấn thương.
Vật lý trị liệu cơ xương khớp thường bao gồm:
- Sử dụng sóng siêu âm
- Phương pháp điện xung
- Sử dụng bằng máy gập duỗi tự động
- Các bài tập cùng chuyên viên vật lý trị liệu. Người bệnh sẽ thực hiện vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của các chuyên viên. Đây là bước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều trị tổn thương của cơ xương khớp.
Ngoài ra, người bệnh nên giữ ấm các khớp ngay khi thời tiết sắp sửa thay đổi. Khi bị đau, có thể áp dụng các biện pháp như xoa bóp khớp, co duỗi nhẹ nhàng, chườm nóng.
Chườm nóng bằng paraffin, túi chườm nhiệt, khay nhiệt điện có tác dụng giảm đau, nhưng không nên áp dụng với ổ viêm có mủ, chấn thương đang sung huyết. Người bệnh cũng nên tránh bê vác nặng làm khớp thêm tổn thương và giảm cân (nếu béo phì) để hạn chế áp lực lên khớp.
Không nên lạm dụng thuốc giảm đau chứa corticoid
Việc dùng thuốc giảm đau chỉ là giải pháp tạm thời trong cơn đau cấp và nếu lạm dụng các thuốc giảm đau chứa corticoid, sẽ có thể gây ra tác dụng phụ lên dạ dày, tim mạch, thận…. đặc biệt là với người già.
Do vậy, người bệnh không nên tự ý sử dụng các thuốc giảm đau mà cần sớm thăm khám các bác sĩ chuyên khoa cơ - xương - khớp để điều trị đúng cách.
Tuy nhiên, thông thường nếu người bệnh đau quá có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và acetaminophen (paracetamol).
- Lưu ý, tất cả các NSAID (trừ aspirin) đều làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ, có thể xảy ra ngay trong những tuần đầu tiên sử dụng thuốc, đặc biệt đối với người có nguy cơ cao. Do đó, trong thời gian sử dụng các thuốc này, nếu có triệu chứng bất thường cần đi khám ngay lập tức.
- Ngoài ra, nếu đang mắc bệnh mạn tính (như bệnh thận) hoặc đang dùng thuốc chống đông máu, cần trao đổi với bác sĩ trước khi dùng thuốc.
- Phụ nữ mang thai hạn chế sử dụng NSAID. Trong trường hợp buộc phải dùng thì phải có sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa, do thuốc có thể gây hại cho thai nhi.
- Ngoài ra, sử dụng NSAID trong thời gian ngắn có thể gây khó chịu cho dạ dày.
- Khi dùng thuốc, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, để dùng đúng liều lượng, khoảng cách dùng và các chống chỉ định của thuốc.
Bổ sung dưỡng chất nuôi sụn khớp
Quá trình thoái hóa sụn khớp là không thể tránh khỏi nhưng cũng hoàn toàn có thể phòng và làm chậm quá trình này bằng những tiến bộ y học hiện nay. Thay vì đợi đến khi đau nặng mới điều trị, người bệnh có thể cung cấp các dưỡng chất phù hợp để nuôi dưỡng và giúp tái tạo mô sụn tại các khớp.
Theo đó, người bệnh nên ăn các thực phẩm chứa nhiều acid béo omega-3 như cá hồi, cá ngừ, các vitamin A, E, C có trong đậu nành, rau xanh, hạt mầm, cà rốt, cà chua, ớt, bơ.
Một số thực phẩm nên bổ sung như các loại thực phẩm giàu chất chống oxy, thực phẩm giàu canxi (trứng, sữa), thực phẩm giàu vitamin D, vitamin C.
Hạn chế ăn một số loại thực phẩm như các loại đồ ăn chế biến sẵn, thực phẩm chứa nhiều chất béo, dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, thực phẩm có chứa nhiều chất bảo quản.
Làm việc đúng tư thế để giảm đau nhức xương khớp
Khi ngồi làm việc, bạn nên ngồi trên những loại ghế có lưng tựa, không nên vắt chéo chân, cần thường xuyên thay đổi tư thế. Nếu công việc của bạn đòi hỏi ngồi làm việc trong nhiều giờ thì nên đứng dậy đi lại, sau mỗi giờ làm việc.
Không nên nằm sấp chỉ nên nằm ngửa hoặc nằm nghiêng khi ngủ. Thường xuyên thay đổi tư thế trong thời gian ngủ. Nên sử dụng gối có độ cao phù hợp và đảm bảo mềm mại, đồng thời cũng nên chú ý đến độ đàn hồi của đệm để hệ thống xương khớp của bạn có điều kiện nghỉ ngơi tốt nhất.
Liệu pháp lạnh
Có tác dụng rất tốt trong việc giảm đau nhức do viêm khớp và giảm sưng khớp. Hơn nữa, cách thực hiện cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần lấy túi lạnh chườm lên vùng bị sưng đau trong khoảng 15 phút. Mỗi ngày chỉ thực hiện khoảng 3 lần. Phương pháp này chỉ sử dụng trong những đợt viêm cấp hoặc đợt cấp tính của bệnh.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp