22/02/2022 06:50
Các quy luật về thị trường vàng bị lung lay bởi khủng hoảng COVID-19
Khi chính sách lãi suất bắt đầu thắt chặt, mọi người có xu hướng chuyển tiền của họ sang các tài sản có lợi nhuận tốt hơn, khiến vàng mất giá.
Từ đầu năm tới nay, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng 0,5 điểm phần trăm.
Thông tin trên thường là tin xấu đối với vàng, bởi khoảng 2/5 nhu cầu vàng đến từ các nhà đầu tư tư nhân và các ngân hàng trung ương, những đối tượng coi đây là nơi “trú ẩn an toàn” để gửi tiền trong thời kỳ bất ổn.
Khi lãi suất gần bằng hoặc dưới 0%, điều đã diễn ra trên khắp thế giới trong hai năm qua, các nhà đầu tư vàng không phải lo lắng về việc không nhận được cổ tức, cổ phiếu giảm giá hoặc thanh toán lãi suất từ các khoản đầu tư thua lỗ của họ vào tiền điện tử.
Tuy nhiên, khi chính sách lãi suất bắt đầu thắt chặt, mọi người có xu hướng chuyển tiền của họ sang các tài sản có lợi nhuận tốt hơn, khiến vàng mất giá.
Vậy nhưng điều đó dường như không xảy ra. Giá vàng chủ yếu giao dịch đi ngang kể từ đầu năm nay và mối tương quan tiêu cực điển hình là lợi suất trái phiếu cao hơn dẫn đến giá vàng thấp hơn và ngược lại - đã hoàn toàn biến mất.
Căng thẳng địa chính trị liên quan tới Ukraina có thể là một phần của lời lý giải, nhưng việc xem xét mức độ biến động mạnh trong các lựa chọn hàng hóa giao dịch tại sàn giao dịch Chicago cho thấy, các nhà đầu tư hiện không chú ý nhiều đến tin tức.
Dưới đây là một giả thuyết thay thế khi vàng đang được hỗ trợ bởi thói quen chi tiêu của người tiêu dùng châu Á. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, người mua vàng trang sức của Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi lượng mua trong năm 2021, lên 611 tấn. Tại Trung Quốc đại lục, lượng tiêu thụ vàng cũng tăng 63% trong năm ngoái, lên 675 tấn.
Chỉ riêng 556 tấn vàng trang sức được tiêu thụ ở hai quốc gia này vào năm 2021 đã đủ để bù đắp gần như toàn bộ mức sụt giảm ròng trong tiêu thụ vàng tương đương 558 tấn của các nhà đầu tư tư nhân và ngân hàng trung ương, do đà bán tháo các quỹ giao dịch hối đoái diễn ra nhanh nhất trong vòng tám năm qua.
Người tiêu dùng Trung Quốc đã chi 255 tỷ USD cho du lịch nước ngoài vào năm 2019, nhưng các chính sách “zero COVID” của quốc gia này có nghĩa là số lượng du khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài trong năm 2021 chỉ bằng khoảng 1/4 mức trước đại dịch, và phần lớn các nhà dự báo đều không cho rằng mọi thứ sẽ trở lại bình thường cho đến năm 2024 hoặc muộn hơn.
Mặc dù doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong năm 2021 đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2013, nhưng họ vẫn chưa quay trở lại mức trước đại dịch, bất chấp thực tế là khoảng cách giữa thu nhập khả dụng và chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình thành thị tiếp tục mở rộng.
Bức tranh ở Ấn Độ cũng không có mấy khác biệt, ngay cả khi chiến dịch “đẩy lùi COVID-19” ít tích cực hơn. Nhập khẩu vàng của Ấn Độ tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái, khi các đám cưới và lễ kỷ niệm bị đình trệ do đại dịch bắt đầu tăng trở lại với số lượng lớn.
Một nguyên tắc chung lâu đời rằng nhu cầu vàng của Ấn Độ sẽ giảm xuống bất cứ khi nào giá vàng tăng trên 30.000 rupee Ấn Độ (402 USD)/10 gram dường như đã không còn đúng. Sau hai năm vượt xa mức đó, nhu cầu vàng bình quân đầu người tại Ấn Độ trong năm ngoái đã ở mức cao nhất kể từ năm 2017.
Tất cả những điều này làm cho xu hướng của giá vàng thậm chí còn khó dự đoán hơn trong tương lai. Các nhà đầu tư tư nhân đã rút lui khỏi thị trường vàng trong những năm gần đây, với mức mua ròng của năm ngoái là thấp nhất kể từ năm 2015. Thay vào đó là nhu cầu ngày càng tăng của những người mua trang sức.
Trong khi đó, theo giới chuyên gia, vàng thường được xem là tài sản dự phòng lý tưởng trước sự gia tăng của lãi suất và lạm phát, bởi về lý thuyết kim loại này có giá trị lớn hơn khi là một tài sản hữu hình và hiếm, không như tiền giấy và tiền kỹ thuật số.
Một số chuyên gia cho rằng khả năng thị trường lại biến động trong năm nay, khiến các cổ phiếu meme (nhóm cổ phiếu mà giá của chúng không phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà lên xuống theo xu hướng đầu tư của thị trường) cũng như đồng bitcoin đặc biệt bị bất lợi, có thể tạo đà để giá vàng tiếp tục tăng.
Giám đốc phụ trách chiến lược đầu tư vào quỹ hoán đổi danh mục tại công ty đầu tư toàn cầu abrdn plc, Robert Minter, cho rằng các tiền kỹ thuật số đã khiến vàng bị mất sự hấp dẫn trong năm ngoái và các nhà đầu tư chọn tiền kỹ thuật số vì cùng những lý do như khi lựa vàng, tức là cho đồng bitcoin cũng có khả năng dự phòng trước lạm phát.
Tuy nhiên, những gì diễn ra trong năm nay đã cho thấy điều đó là không đúng. Ông Minter cho rằng các nhà đầu tư đang bắt đầu nhận thấy bitcoin đúng hơn là một tài sản rủi ro. Đây không phải là một công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư mà là một loại nước uống tăng lực. Ông nói đến việc đồng bitcoin tăng mạnh và cũng giảm mạnh, trong khi giá vàng ổn định hơn nhiều.
Vàng có thể vẫn là tài sản đầu tư hợp lý hơn cho những nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn khi Fed tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát.
Nhà kinh tế và nhà chiến lược về danh mục đầu tư tại New York Life Investments, Lauren Goodwin, cho rằng giá vàng cũng như giá cổ phiếu của các công ty khai thác vàng có thể tăng nhờ những lo ngại về lạm phát. Vàng nên nằm trong danh mục đầu tư đã được đa dạng hóa.
Giá cổ phiếu của các công ty khai thác vàng lớn nhất là Top miners Newmont và Barrick Gold ổn định trong năm nay, theo xu hướng của giá vàng. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 9% và bitcoin giảm hơn 20%.
Một số nhà phân tích nhận định vàng sẽ còn tăng mạnh hơn và lập kỷ lục mới trong năm nay, nhất là khi lãi suất tăng trên toàn cầu và có những lo ngại về giá dầu nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraine không hạ nhiệt.
Giám đốc điều hành Heraeus Precious Metals, André Christi, cho rằng vàng vẫn là tài sản an toàn và bảo đảm trước những rủi ro địa chính trị và nguy cơ lạm phát cao kéo dài cũng là yếu tố tích cực đối với vàng.
Ông Christi nhận định giá vàng có thể tăng lên đến khoảng 2.120 USD/ounce trong năm nay, vượt mức kỷ lục trước đó là 2.072 USD/ounce được thiết lập vào tháng 8/2020.
Advertisement
Advertisement