02/11/2021 11:31
Các quốc gia tham dự COP26 cam kết chi hơn 19 tỷ USD để ngăn chặn tình trạng phá rừng
Ngày 2/11, tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra tại Anh (COP26), lãnh đạo 100 quốc gia, đại diện cho 85% rừng trên thế giới, đã đưa ra một cam kết nhằm ngăn chặn và đảo ngược nạn phá rừng trong vòng 9 năm.
Brazil, Nga, Canada, Colombia và Indonesia sẽ là cam kết châm dứt tình trạng này vào năm 2030.
Brazil, nơi có rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng trong sáng kiến này và hiện quốc gia này đang có những thay đổi trong tham vọng giảm khí thải và giải quyết nạn phá rừng.
Theo một thống kê mới nhất, mỗi một phút trôi qua, thế giới mất đi một diện tích rừng có kích thước bằng 27 sân bóng đá.
Đại diện nước chủ nhà Vương quốc Anh cho biết, cam kết quốc tế này sẽ được hỗ trợ bởi một khoản tài trợ 19,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, hiện chỉ có 7,2 tỷ USD đến từ các công ty và các tổ chức từ thiện . Số tiền này sẽ được dùng để khuyến khích nông dân sản xuất đậu nành và chăn nuôi gia súc nhằm hạn chế tình trạng phá rừng ở Nam Mỹ; đầu tư quy mô vào trồng cây và các giải pháp dựa vào thiên nhiên khác.
Ngoài nguồn tài trợ tư nhân nói trên, 12 quốc gia bao gồm cả Vương quốc Anh, sẽ phân bổ 12 tỷ USD từ năm 2021 đến năm 2025 để giải quyết tình trạng cháy rừng, khôi phục đất đai và giúp đỡ các cộng đồng bản địa.
Trong khi đó, 30 tổ chức tài chính bao gồm Aviva Plc, Schroders và Axa, cũng cam kết loại bỏ đầu tư vào các hoạt động liên quan đến phá rừng.
“Với những cam kết chưa từng có này, chúng ta sẽ có cơ hội kết thúc lịch sử lâu dài của nhân loại với tư cách là kẻ chinh phục thiên nhiên, và thay vào đó là trở thành người bảo vệ nó”, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp