01/09/2020 14:28
Các quốc gia châu Á đón lễ Vu Lan như thế nào?
Vào tháng 7 âm lịch hằng năm, lễ Vu Lan không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn diễn ra tại nhiều quốc gia châu Á khác.
Ngày lễ Vu Lan được xem là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của ông bà, cha mẹ cũng như tổ tiên và các anh hùng dân tộc đã có công với đất nước. Không riêng gì đối với mỗi Phật tử, Lễ Vu Lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu.
Báo hiếu ở đây là đối với bố mẹ, người đã sinh và nuôi dưỡng chúng ta không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác, bởi Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng báo luân hồi. Điều này dẫn đến việc chúng ta phải mở rộng vòng báo hiếu ra tất cả các chúng sinh. “Phổ độ chúng sanh” ,”cứu nhân độ thế”, “xá tội vong nhân”.
Tại Việt Nam, đại Lễ Vu Lan sẽ được diễn ra vào ngày Rằm tháng Bảy Âm Lịch hằng năm và ngày lễ năm nay sẽ rơi vào ngày 2/9/2020 dương lịch (15/7/2020 âm lịch).
Việt Nam
Hoạt động phổ biến nhất là đến chùa cầu kinh với mong muốn những người đã khuất và chúng sinh được yên nghỉ, còn những người đang sống có sức khoẻ, hạnh phúc.
Ngoài ra, mọi gia đình đều chuẩn bị một mâm cơm cúng để dâng lên gia tiên, cúng phóng sinh cho các linh hồn để báo hiếu và tỏ lòng thành, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc, tăng thọ, hoá giải nghiệp chướng. Ăn chay cũng là một hoạt động trong ngày lễ Vu Lan.
Đặc biệt, lễ Vu Lan ở Việt Nam còn có nghi lễ cài hoa hồng lên ngực áo. Ai vẫn còn cha mẹ thì cài hoa hồng đỏ, ai đã mất mẹ cài hoa hồng trắng. Đây là một nghi lễ được thực hiện từ thập niên 60 do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng.
Nhật Bản
Người dân Nhật Bản gọi lễ Vu Lan là Obon và được tổ chức vào 15/8 dương lịch chứ không phải rằm tháng bảy như các quốc gia khác. Obon cũng là dịp để người Nhật tỏ lòng hiếu kính với đấng sinh thành và nhớ về những người thân đã qua đời.
Vào dịp này, ai cũng đều trở về, đoàn tụ với người thân để bày tỏ lòng thành kính tri ân đến tổ tiên.
Obon hay còn gọi là lễ Vu Lan tại Nhật Bản. Ảnh: Zing |
Người Nhật sẽ thắp sáng nhiều đèn lồng, treo phía trước cửa, dọc các con đường dẫn về nhà và thả xuống sông, hồ vào ngày lễ cuối cùng. Mọi người còn mặc trang phục yukata, ca múa theo những vũ điệu dân gian trong đêm hội. Trong lễ hội, những đứa trẻ được vẽ mặt, hóa trang thành nhân vật nổi tiếng.
Trung Quốc
Lễ Vu Lan ở Trung Quốc thường được tổ chức từ ngày 15-30/7 Âm lịch. Đây là khoảng thời gian để mọi người viếng thăm và sửa sang phần mộ của người thân.
Lễ Vu Lan ở Trung Quốc. Ảnh: Thời Đại |
Vào ngày này, người dân Trung Quốc cũng đi thăm phần mộ của người thân, sửa sang, quét dọn lại, đốt giấy tiền, vàng mã cho người đã khuất, cầu mong phù hộ cho người sống ăn nên làm ra, có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc.
Trong ngày lễ, tín đồ Phật giáo ở đây còn làm các việc phúc thiện để hồi hướng công đức cho cha mẹ và người thân của mình.
Hàn Quốc
Với người Hàn Quốc, dịp Lễ Vu Lan báo hiếu diễn ra vào Rằm tháng 7 và được gọi là Bách Trung (Baekjung) hay Bách Chủng (Baekjong), tức là 100 chủng loại hạt ngũ cốc, vì đây là thời điểm có nhiều loại rau củ quả có thể thu hoạch trong năm.
Đây là dịp để mọi người thể hiện tấm lòng tri ân, báo ân, cùng cầu nguyện cho cha mẹ hiện tại có thêm phúc thọ, cha mẹ, ông bà quá cố được siêu thoát.
Trang phục làm lễ Vu lan tại Hàn Quốc. |
Tùy theo hoàn cảnh kinh tế mà người Hàn Quốc có những cách báo hiếu khác nhau, từ việc làm nhỏ như tự tay chuẩn bị những tấm thiệp tình cảm hay tặng món quà đắt tiền... Tất cả đều như một lời cảm ơn chân thành dành cho người nhận.
Giống như lễ Vu Lan ở Việt Nam, người Hàn Quốc cũng có nghi lễ cài hoa lên ngực áo. Chỉ có điều loại hoa được họ chọn là hoa cẩm chướng.
Indonesia
Ở Indonesia, người dân tổ chức ném tiền giả để tỏ lòng thành kính với tổ tiên vào ngày lễ Vu Lan hằng năm. Lễ vật họ dâng lên người đã mất gồm cả lá mù tạt và mía đỏ.
Malaysia
Tại quốc gia Malaysia, Vu Lan được gọi là ngày tổ tiên hay lễ hội tháng 7. Bên cạnh những việc làm thể hiện tinh thần hiếu đạo của người châu Á, họ còn tổ chức nhiều sinh hoạt tôn giáo, văn hóa mang đậm đà bản sắc riêng.
Theo phong tục, người dân sẽ dừng mọi công việc, tập trung ở các ngôi chùa để cầu nguyện và cử hành nghi thức siêu độ vong linh. Bên cạnh đó, Phật tử Malaysia còn tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng tại các khu dân cư.
Thái Lan
Không diễn ra lễ Vu Lan như các quốc gia khác, tuy nhiên, vào tháng 6 âm lịch hằng năm, Xứ sở Chùa Vàng tổ chức lễ hội Ma Xó nhằm tôn vinh người chết với các buổi diễu hành kéo dài cùng các phong tục địa phương độc đáo.
Lễ hội Ma Xó tại Thái Lan. |
Theo quan niệm của người dân Thái Lan, lễ hội Ma Xó diễn ra là dịp để người dân ca hát, nhảy múa nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với những linh hồn đã luôn che chở, bảo vệ cuộc sống, ngôi làng của họ và cầu xin thời tiết thuận lợi cho vụ mùa sắp tới.
Lễ Vu Lan được bắt đầu từ tích truyện Đại Đức Mục Kiền Liên (một trong 2 đại đệ tử của Phật Thích Ca) với lòng đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Sau khi tu luyện, Mục Kiền Liên đã đắc đạo thần thông, dùng mắt thần lục tìm trời đất để tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào. Thế nhưng đắng cay thay, mẹ của ông hồi sống đã gây nhiều nghiệp ác nên phải sinh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở. Thấy vậy, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, bởi vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ. Sau đó, Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó". Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời. |
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement