09/07/2020 17:00
Các ông trùm công nghệ 'khó thở' ở Hong Kong
Luật An ninh Quốc gia mới của Hong Kong sẽ đẩy mạnh sự giám sát kỹ thuật số tại thành phố này, với những biện pháp nghiêm ngặt mới ép buộc các công ty phải tuân thủ, phản ánh đúng chủ trương lâu nay của Đại lục là dập tắt mọi nội dung chống chính phủ.
Các chuyên gia về luật mạng Internet ở Trung Quốc nhận định rằng luật mới này tuân thủ một cách chặt chẽ các chính sách của Đại lục về an ninh quốc gia trên không gian mạng, gợi lên những dự báo cho tương lai của một thành phố lâu nay đã quen thuộc với hàng loạt quyền riêng tư kỹ thuật số.
Theo Reuters, các công ty công nghệ nước ngoài đã đồng loạt phản đối đạo luật này, trong đó Facebook, Twitter và Google là những bên đã lên tiếng rằng họ sẽ ngừng cung cấp các dữ liệu thông tin mà chính quyền yêu cầu.
Phán ứng đồng loạt của các “ông trùm công nghệ”
BBC cho biết Facebook, WhatsApp, Twitter, Google và Telegram cho biết họ đang “tạm dừng” hợp tác với chính quyền Hong Kong và các cơ quan thực thi pháp luật trong việc cung cấp thông tin người dùng. Thông báo của các công ty nói trên có thể gây sức ép khiến Apple cũng sẽ làm điều tương tự.
Tại Trung Quốc, dịch vụ của Facebook, WhatsApp, Twitter, Google và Telegram bị chặn, còn Apple thì không. Facebook, Google và Twitter vẫn có doanh thu từ việc bán quảng cáo cho khách hàng Trung Quốc.
Các nền tảng truyền thông xã hội và ứng dụng nhắn tin, bao gồm Facebook, WhatsApp, Telegram, Google và Twitter, cho biết họ sẽ từ chối các yêu cầu thực thi pháp luật đối với dữ liệu người dùng ở Hồng Kông, ngày 7/7/2020. Ảnh: AFP |
Theo báo cáo mới nhất của Apple, tập đoàn này đã tuân thủ phần lớn các yêu cầu mà công ty này nhận được từ chính quyền Hong Kong trong khoảng thời gian từ tháng 1-6/2020, trước khi luật an ninh quốc gia của Trung Quốc có hiệu lực.
Microsoft - cũng cung cấp thông tin người dùng cho chính quyền Hong Kong - hiện vẫn chưa thông báo sẽ có thay đổi nào trong chính sách này. Telegram - ứng dụng chat có trụ sở ở London là công ty đầu tiên công bố kế hoạch tạm dừng hợp tác.
“Chúng tôi hiểu quyền riêng tư của người dùng Hong Kong. Telegram không có ý định xem xét bất kỳ yêu cầu dữ liệu nào liên quan đến người dùng Hong Kong cho đến khi đạt được sự đồng thuận quốc tế liên quan đến những thay đổi chính trị đang diễn ra trong thành phố”, Telegram tuyên bố với báo chí Hong Kong ngày 5/7.
Trong khi đó, người phát ngôn của Facebook trong một thông cáo cho biết việc “tạm ngừng hợp tác” sẽ diễn ra trong khi chờ đánh giá thêm về luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc mới áp đặt đối với Hong Kong, và sẽ có sự tham vấn chính thức các chuyên gia nhân quyền.
Thông cáo của Facebook nêu rõ: “Chúng tôi tin quyền tự do ngôn luận là quyền cơ bản của con người và chúng tôi ủng hộ việc mọi người có quyền bày tỏ chính kiến mà không phải lo sợ cho sự an toàn của bản thân hoặc những hậu quả khác”.
WhatsApp - thuộc sở hữu của Facebook - cho biết họ “tin tưởng rằng mọi người có quyền trò chuyện riêng tư trên mạng”, và “chúng tôi vẫn cam kết cung cấp dịch vụ nhắn tin riêng tư và an toàn cho người dùng ở Hong Kong”.
Hiện cả Facebook và WhatsApp đều bị chặn ở Trung Quốc Đại lục, nhưng vẫn được sử dụng ở Hong Kong nhờ quyền tự do mà thành phố này được hưởng với vai trò là một khu vực hành chính đặc biệt.
Google cho biết họ đã ngừng đáp ứng bất kỳ yêu cầu cung cấp dữ liệu mới nào kể từ khi luật an ninh quốc gia có hiệu lực vào tuần trước. Một phát ngôn viên của hãng nói với BBC rằng “chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét các chi tiết của luật mới”. Twitter cho biết họ cũng đã có hành động tương tự như vậy.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết nhóm quyền kỹ thuật số ProPrivacy gọi hành động của Facebook là “một chiến thắng cho cả quyền riêng tư và quyền con người trong khu vực”. Nhóm này nói: “Với số tiền phạt quá cao, và các hình phạt rất nghiêm trọng, thật tuyệt vời khi thấy các công ty công nghệ lớn như WhatsApp phản đối luật này qua việc ủng hộ dân chủ và tự do ngôn luận”.
ProPrivacy cũng lưu ý hành động này có thể dẫn đến việc WhatsApp bị chặn ở Hong Kong vì nó đã bị chặn ở Trung Quốc Đại lục. Đáng chú ý, các công ty cung cấp công cụ mạng VPN - theo đó có thể giúp truy cập Internet an toàn hơn nhờ lập địa chỉ mạng ảo - đã báo cáo số lượt tải về tăng đột biến kể từ khi luật an ninh mạng được công bố.
Thế khó của các công ty công nghệ
Đáp trả tuyên bố của các tập đoàn công nghệ về việc ngừng cung cấp dữ liệu cho chính quyền Hong Kong, phía chính quyền đã nói rõ rằng hình phạt cho sự không tuân thủ luật định có thể bao gồm việc tống giam các nhân viên của các công ty này.
Các luật sư của các công ty công nghệ cho biết không có lựa chọn nào ngoài việc tuân thủ. |
Bài báo trên trang nytimes.com cho biết TikTok, một ứng dụng video, dù thuộc sở hữu của tập đoàn công nghệ khổng lồ Trung Quốc Byte Dance, nhưng còn đi xa hơn so với các đối thủ Mỹ của mình. Ngày 6/7, hãng này công bố sẽ rút khỏi các cửa hiệu ở Hong Kong và tạm ngừng cung cấp dịch vụ cho người dùng ứng dụng tại thành phố này trong vài ngày.
Bà Glacier Kwong thuộc tổ chức phi chính phủ Keyboard Frontline chuyên giám sát các quyền kỹ thuật số ở Hong Kong cho biết: “Nếu Facebook từ chối cấp dữ liệu an ninh quốc gia, dịch vụ của tập đoàn này có thể bị chấm dứt ở Hong Kong, và mạng xã hội này sẽ không được tiếp cận thị trường Hong Kong nữa. Điều này không phải là không thể xảy ra. Trung Quốc thường xuyên sử dụng chiêu bài thị trường và đe dọa tẩy chay để ép các công ty nước ngoài phải tuân theo các yêu cầu của mình”.
Theo luật an ninh quốc gia, một nhân viên của Facebook có thể bị bắt giữ tại Hong Kong nếu công ty này không cung cấp dữ liệu của một người nào đó sử dụng Facebook ở Mỹ mà chính quyền Trung Quốc coi là một mối đe dọa với an ninh quốc gia của họ.
Các luật sư của các công ty công nghệ cho biết không có lựa chọn nào ngoài việc tuân thủ. Francis Fong Po-kiu, Giám đốc danh dự của Liên bang Công nghệ Thông tin Hong Kong, một hiệp hội thương mại đại diện cho các công ty bản địa, nói: “Nếu bạn muốn ở lại Hong Kong, bạn phải tuân thủ Luật An ninh Quốc gia, tiếp đó phải hợp tác với cảnh sát Hong Kong. Rất đơn giản, và rất dễ hiểu”.
Tại Trung Quốc Đại lục, các luật về không gian mạng đã rất thành công trong viêc dập tắt những thứ bị coi là nội dung chống chính phủ. Tuy nhiên, các luật ở Hong Kong và Đại lục cũng có những điểm khác biệt quan trọng.
Các công ty ở Đại lục và các nhà cung cấp dịch vụ internet phải lưu trữ dữ liệu cá nhân lên đến 5 năm, và lập ra các cơ chế tự kiểm duyệt, trong khi tất cả các cư dân mạng đều phải đăng ký một số căn cước quốc gia; những quy định này không được áp dụng tại Hong Kong.
Fong nói: “Chúng ta vẫn chưa có vụ kiện cáo nào. Nên chúng ta phải chờ xem những gì sẽ xảy ra. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ diễn biến nhanh hơn nhiều so với suy nghĩ của chúng ta”.
Về phần mình, Trưởng Đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga được Reuters dẫn lời phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 7/7 đã nhấn mạnh rằng “rốt cuộc thì thời gian và thực tế sẽ cho chúng ta thấy luật này không hề làm suy yếu các quyền và sự tự do của con người”.
(Nguồn: TTX/Reuters/BBC/nytimes)
Tag:
# ông lớn công nghệ gặp khó ở Hong Kong luật an ninh Hong Kong Facebook rút khỏi Hong Kong Google rút khỏi Hong Kong quyền riêng tư ở Hong Kong tự do ngôn luận ở Hong Kong luật an ninh quốc gia Hong Kong là gì Hongkong Du lịch Hong Kong chứng khoán Hồng Kông biểu tình ở Hồng Kông biểu tình Hong Kong tin tức Hong KongAdvertisement
Advertisement