24/08/2020 17:36
Các nước phương Đông làm gì trong ngày lễ Thất Tịch?
Bắt nguồn từ Trung Quốc, lễ hội Thất Tịch ngày nay đã có mặt ở các nước Á Đông khác. Cùng xem các nước phương Đông làm gì trong ngày này nhé!
Tại Nhật Bản, khi văn hóa Trung Quốc bắt đầu du nhập vào thời Nara (710-784), người Nhật Bản cũng có ngày lễ tên gọi là Tanabata gắn với truyền thuyết về nàng tiên dệt vải Orihime (Chức Cơ, tức là sao Chức Nữ) và anh chàng chăn trâu Hikoboshi (Ngạn Tinh tức là Ngưu Lang) tương tự câu chuyện ở Trung Quốc.
Ngày Thất Tịch ở Nhật Bản
Nhật Bản cũng có lễ hội Thất Tịch, kỷ niệm ngày gặp gỡ giữa Orihime (Chức Cơ) tức sao Chức Nữ và Hikoboshi (Ngạn Tinh) tức sao Ngưu Lang, được gọi là lễ Tanabata.
Cành trúc được gắn rất nhiều mảnh giấy sặc sỡ, ghi lời nguyện ước của người dân Nhật Bản. |
Vào ngày lễ hội, người Nhật viết mong ước của mình vào những mảnh giấy đầy màu sắc Tanzaku rồi treo lên cành trúc trước cửa nhà để cầu khấn Orihime sẽ giúp họ khéo léo hơn trong công việc may vá, viết chữ đẹp cũng như mong muốn Hikoboshi sẽ mang đến cho họ những vụ mùa bội thu và sự thịnh vượng.
Ngoài ra nhiều đôi lứa đang yêu cũng tới các đền thờ để cầu nguyện, mong tìm được ý trung nhân. Đặc biệt, đối với trẻ em, Tanabata Matsuri là một ngày hội lớn. Ở trường và ở nhà, bọn trẻ sẽ cùng nhau trang trí cho các cành trúc mà ở đó chúng sẽ treo những mảnh giấy ghi rõ mơ ước của mình.
Một trong những biểu tượng đáng nhớ của Tanabata ở Sendai là những cột giấy Fukinagashi với năm màu sắc sặc sỡ được ví như những sợi chỉ may vá của Orihime. Với độ cao trung bình từ 5 - 6m, Fukinagashi là một trong bảy vật trang trí được xem như vật trung gian mang lời cầu nguyện của con người đến với tổ tiên và thần linh.
Ngày Thất Tịch ở Hàn Quốc
Lễ Thất Tịch của Hàn Quốc còn được gọi là lễ Chilseok, ý nghĩa của ngày lễ này cũng khá khác biệt so với Trung Quốc.
Ở Hàn Quốc người dân sẽ mặc đồ truyền thống và chơi nhiều trò dân gian. |
Lễ Chilseok của người Hàn thường rơi vào mùa mưa, sau khi khoảng thời gian nắng nóng khắc nghiệt đi qua. Vào ngày này, nước mưa còn được người dân Hàn Quốc gọi là nước Chilseok, họ sẽ tắm dưới nước mưa này để mong cầu có một sức khỏe tốt.
Ngoài ra, mùa này cũng là thời điểm mà các loại nông sản phát triển mạnh, vì thế dưa chuột, dưa hấu hay bí ngô được sử dụng rất nhiều trong mùa lễ. Đặc biệt, trong lễ Chilseok người Hàn còn hay ăn mì và bánh nướng, Chilseok cũng là lễ hội để thưởng thức các món ăn ngon làm từ lúa mì. Vì người Hàn cho rằng khi lễ Chilseok qua đi thì những cơn gió lạnh ập tới, làm hỏng hương vị của lúa mì.
Ngày Thất Tịch ở Trung Quốc
Lễ Thất Tịch và chuyện về Ngưu Lang - Chức Nữ được bắt nguồn từ Trung Quốc, cho đến nay ngày lễ này vẫn luôn là một ngày quan trọng với người dân Trung Hoa. Tại nơi được xem như cái nôi của ngày Thất Tịch, những hoạt động diễn ra rất sôi nổi.
Ở Trung Quốc, các cô gái trẻ đặt một cây kim lên mặt nước và hy vọng nó không chìm. |
Vào thời trước đây, ngày này là lúc các cô gái chưa chồng cầu nguyện cho nàng Chức Nữ với mong muốn mình sẽ có được đôi bàn tay khéo léo trong các công việc nữ công gia chánh, đặc biệt là thêu thùa dệt vải. Ở một số vùng khác, người con gái lại cầu nguyện để sau này sẽ lấy được một người chồng tốt, đồng thời tham gia các cuộc thi như tạo hình dưa hấu, thêu…
Ngoài ra, các cô gái trẻ còn đặt một cây kim lên mặt nước và hy vọng nó không chìm, bởi cây kim tượng trưng cho sự thông minh, khéo léo và trưởng thành.
Một số nơi khác ở Trung Hoa đại lục, 7 người bạn sẽ cùng nhau làm bánh bột nhào. Trong những chiếc bánh, người ta sẽ giấu 1 cây kim, 1 đồng xu và 1 tờ giấy đỏ. Khi ăn, người nào có cây kim sẽ trở nên khéo léo, người có đồng xu sẽ giàu có, người có tờ giấy đỏ sẽ có một tình yêu đẹp và hôn nhân hạnh phúc.
Ngày Thất Tịch ở Việt Nam
Ngày lễ Thất Tịch (Mùng 7 tháng 7 Âm lịch) tại Việt Nam còn được gọi là ngày “ông Ngâu bà Ngâu” - cách gọi Ngưu Lang và Chức Nữ trong văn hóa người Việt Nam. Trong ngày lễ Thất Tịch trời thường mưa rả rích trong suốt một ngày, gọi là mưa ngâu. Tương truyền đó cũng chính là nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ khi được gặp nhau.
Giới trẻ Việt ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất Tịch để cầu nhân duyên. |
Điều đặc biệt với ngày lễ Thất Tịch tại Việt Nam đó là vào thời vua vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072). Theo những ghi chép lịch sử để lại, lúc này nhà vua ở độ tuổi 42 nhưng vẫn chưa có con để truyền ngôi vị, nên đã vào một ngôi chùa để cầu tự vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch và nhờ đó sinh ra Thái tử Càn Đức. Vì vậy, vào ngày này hàng năm, một lễ hội đã được tổ chức ở chùa Hà và trở thành lễ hội cầu tình duyên, gia đình hạnh phúc, con đàn cháu đống.
Người ta tin rằng, trong ngày Thất Tịch nếu hai người yêu nhau cùng ngắm sao Ngưu Lang - Chức Nữ thì sẽ mãi mãi bên nhau. Những năm trở lại đây, giới trẻ Việt còn truyền nhau rằng, ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất Tịch sẽ giúp cầu nhân duyên, những cặp đôi yêu nhau sẽ càng thêm bền lâu còn người đang lẻ bóng sẽ sớm gặp được ý trung nhân.
Advertisement
Advertisement