20/07/2017 04:04
Các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ 'đánh lớn' trên thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam?
Không phải chỉ có các nhà đầu tư Nhật, Anh, Singapore hay Mỹ, mà các ngân hàng Việt nên chú ý hơn tới nhóm đến từ Hàn Quốc.
Gần đây, các ngân hàng của Hàn Quốc đang gây sự chú ý trên thị trường tài chính bằng một loạt các thỏa thuận, hợp tác với không chỉ các doanh nghiệp lớn mà cả các ngân hàng của Việt Nam. Điều này làm dấy lên sự nghi ngờ của nhiều người về việc sẽ có những thương vụ “đánh lớn” hơn nữa trong tương lai gần của các định chế tài chính đến từ xứ sở Kim Chi.
Ngân hàng hàng đầu Hàn Quốc hợp tác toàn diện với Ngân hàng Việt Nam
Ngân hàng phát triển Hàn Quốc (KDB) là ngân hàng thương mại, phát triển đầu tư thuộc sở hữu 100% của Chính phủ Hàn Quốc – cũng tương tự với BIDV khi chưa cổ phần hóa. Ngân hàng này đứng số 1 ở Hàn Quốc về tổng tài sản và vốn chủ sở hữu, đứng thứ 94 trên thế giới. Không chỉ ở Hàn Quốc, ngân hàng này còn có sự hiện diện tại 22 nước trên thế giới.
Hồi trung tuần tháng 4 năm nay, KBC đánh dấu sự hiện diện quan trọng ở Việt Nam với thỏa thuận hợp tác toàn diện với ngân hàng BIDV.
Tại buổi gặp Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc ngân hàng KDB là ông Lee Dong Geol cho biết ông đánh giá cao triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam và KDB sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc mở rộng hợp tác đầu tư với các đối tác Việt Nam mà trước mắt là tăng cường hợp tác với BIDV.
Trong số các ngân hàng đã cổ phần, BIDV là ngân hàng đang có tỷ lệ sở hữu của Nhà nước cao nhất với hơn 95%, đồng nghĩa với việc ngân hàng này cũng đang có “room” dành cho khối ngoại cao nhất là tới 30% theo đúng chủ trương của Nhà nước.
Từ khi lên sàn chứng khoán vào năm 2014 tới nay, lãnh đạo BIDV nhiều lần cho biết vẫn đang tìm đối tác chiến lược nước ngoài và có thể bán từ 25 – 30% vốn. Thậm chí hồi giữa năm 2015, ông Trần Bắc Hà khi đó là chủ tịch HĐQT còn cho biết sẽ chốt cổ đông chiến lược trong năm 2016 với mức giá bán cổ phiếu tối ưu nhất tuy nhiên đến năm 2017 vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Cập nhật về việc bán vốn cho nước ngoài tại đại hội cổ đông năm 2017, tổng giám đốc ngân hàng ông Phan Đức Tú cho biết ngân hàng cũng rất mong muốn tìm kiếm đối tác nhưng còn khó khăn. Cái khó chung của ngành ngân hàng khi bán vốn là họ không thể bán giá thấp hơn thị trường trong khi nhà đầu tư mua lô lớn thì lại muốn mua giá thấp. Trong 4 năm qua BIDV cũng đã hợp tác với các định chế tài chính tại các nền kinh tế đẳng cấp.
Được biết ngoài đối tác Hàn Quốc nói trên, BIDV còn đang hợp tác với một đối tác Nhật Bản. Cũng không loại trừ khả năng những đối tác này có thể trở thành đối tác chiến lược của ngân hàng có tài sản lớn nhất Việt Nam.
Mới đây, một ngân hàng lớn khác của Hàn Quốc là Daegu cũng công bố thỏa thuận hợp tác toàn diện với OCB – ngân hàng đầu tiên của Việt Nam mà Daegu lựa chọn.
Tại Hàn Quốc, Deagu đang là ngân hàng nắm giữ hơn 50% thị phần cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) địa phương.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB thì Daegu sẽ hỗ trợ cho OCB trên tất cả các mặt từ chuyển tiền, thanh toán quốc tế, phát triển sản phẩm và khách hàng SME; đào tạo kinh nghiệm trực tiếp về quản trị rủi ro, công nghệ thông tin hay phát triển sản phẩm tại Hàn Quốc…
Quan trọng hơn, Daegu cam kết dành những chương trình đồng hành tốt nhất để tạo điều kiện cho OCB phát triển hơn nữa trong cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và chia sẻ những kinh nghiệm để trở thành ngân hàng chiếm 50% thị phần về doanh nghiệp SME tại địa phương.
2 đại diện của Hàn Quốc thành lập ngân hàng 100% vốn tại Việt Nam; Shinhan chi đậm mua đứt mảng bán lẻ của ANZ Việt Nam
Bên cạnh các thỏa thuận hợp tác với cả hai đại diện trong hai nhóm ngân hàng là Nhà nước chi phối và cổ phần tư nhân nói trên, các định chế tài chính của Hàn Quốc còn có những bước đi mạnh và trực tiếp hơn nữa trên thị trường tài chính Việt.
Đầu tiên phải kể đến là Shinhan. Năm 2008, Ngân hàng Shinhan Việt Nam được cấp giấy phép và trở thành một trong 5 ngân hàng đầu tiên với 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Cuối năm 2011, để chứng minh cam kết vững chắc tại thị trường Việt Nam, Shinhan đã mua 50% cổ phần của ngân hàng Shinhan Vina (ngân hàng liên doanh với 50% cổ phần của Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - Vietcombank và 50% cổ phần của ngân hàng Shinhan) và chính thức đổi tên thành Ngân hàng Shinhan Việt Nam.
Đầu tháng 8/2016, một ngân hàng khác của Hàn Quốc là Woori Bank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Shinhan Bank lại một lần nữa được đề cập khi hồi tháng 4/2017, ngân hàng này tiếp tục vượt qua 4 đối thủ khác mua được mảng bán lẻ vốn vẫn được xem là vô cùng màu mỡ của ANZ Việt Nam. Theo một thông tin nội bộ thì thương vụ này Shinhan đã chấp nhận chi đậm hơn rất nhiều các đối thủ khác để có được ANZ.
Theo thỏa thuận, ANZ sẽ bàn giao cho Shinhan 8 chi nhánh và phòng giao dịch của ANZ Việt Nam tại Hà Nội và TP. HCM cũng như nhân viên khối dịch vụ ngân hàng bán lẻ.
Mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ của ANZ phục vụ khoảng 125.000 khách hàng cá nhân tại Việt Nam, với khoảng 320 triệu đô la Úc dư nợ cho vay và khoảng 800 triệu đô la Úc dư nợ tiền gửi. ĐƯợc biết công cuộc chuyển giao mảng bán lẻ của ANZ Việt Nam đang triển khai và dự kiến sẽ hoàn tất trước thời điểm cuối năm nay.
Trả lời phỏng vấn của báo chí Hàn Quốc mới đây, Tổng giám đốc Shinhan Việt Nam đã không dấu giếm tham vọng trở thành ngân hàng lớn thứ 6 trong mảng thẻ tín dụng tại Việt Nam và hướng đến vị trí thứ 3 trong vòng 2-3 năm tới.
Ngân hàng Việt đừng chủ quan
Năm 2017 là tròn 25 năm thiết lập quan hệ hợp tác ngoại giao của Việt Nam và Hàn Quốc và 5 năm kí kết hiệp định Thương mại tự do (FTA) của hai nước.
Cho đến nay các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam với sự đóng góp lên đến 48% GDP và Hàn Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài số 1 của Việt Nam. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết họ vẫn có nhiều triển vọng phát triển ở Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển nhanh.
Trong khi các ngân hàng Việt Nam vẫn đang nỗ lực để tham gia vào việc cấp vốn tín dụng cho các doanh nghiệp FDI nhưng kết quả còn rất thấp thì các ngân hàng của nước ngoài, điển hình là Hàn Quốc lại đang cho thấy họ cơ sở vững mạnh hơn rất nhiều, không chỉ cấp tín dụng cho các doanh nghiệp bản địa mà ngay cả với những dự án khổng lồ của Việt Nam.
Mới nhất, ngân hàng Keximbank Hàn Quốc bày tỏ ý định muốn được đầu tư vào các tuyến metro tại TP.HCM và đặc biệt nhấn mạnh mong muốn tài trợ cho dự án đầu tư tuyến metro 4b-1 vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây là dự án đã được nghiên cứu tiền khả thi từ đầu năm 2016, tổng mức đầu tư khoảng 250 triệu USD.
Ngoài ra, lãnh đạo Ngân hàng Keximbank cũng quan tâm đầu tư vào tuyến metro số 4 và gói số 2 của tuyến metro số 5. Thiện chí này của phía Keximbank đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của ngành giao thông vận tải.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa thậm chí ủng hộ Keximbank đầu tư không chỉ các tuyến metro tại TP.HCM mà với kinh nghiệm và chuyên môn kỹ thuật sẽ tiếp tục quan tâm đến các dự án metro tại Hà Nội.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nghĩa mong muốn Keximbank quan tâm đầu tư 3 dự án giao thông khác gồm Dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch (gói thầu 1a và 1b); dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; dự án cầu Mỹ Thuận 2 (khoảng 250 triệu USD).
Theo nhận định của giới quan sát trong ngành, bên cạnh làn sóng đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng của các định chế tài chính đến từ Nhật Bản, Anh, HongKong, Singapore hay Malaysia hoặc thậm chí là Mỹ thì sắp tới đây làn sóng hiện diện của các ngân hàng Hàn Quốc ở thị trường Việt Nam mới chính là điểm nhấn.
Vốn đã có những lợi thế về quan hệ thương mại đã thiết lập, cùng những tiềm năng còn chưa khai thác hết và xu hướng hội nhập sâu rộng của Việt Nam sẽ là điểm dừng chân lý tưởng của các ngân hàng Hàn Quốc. Và các ngân hàng Việt bên cạnh việc đón nhận làn sóng đầu tư ấy cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để cạnh tranh nếu muốn tồn tại và phát triển.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp