08/10/2020 12:03
Các nhà bán lẻ ở Mỹ đang chuẩn bị gì cho một ‘Thứ Sáu Đen’ không có đám đông?
COVID-19 đã khiến thị trường bán lẻ ngưng trệ ở Mỹ sau nhiều tháng đóng cửa các cửa hàng. Giờ đây, các nhà bán lẻ đang mong chờ cho một “Thứ Sáu Đen” hưng thịnh trở lại.
Vào ngày “Thứ Sáu Đen” của các năm trước, Cassandra Davis sẽ thức dậy lúc rạng sáng, với một kế hoạch săn hàng giảm giá từ các quảng cáo trên báo hoặc một số trang web trực tuyến. Cô lái xe đến Target, Walmart hoặc JC Penney để mua hàng từ các chương trình khuyến mãi mà họ đang tổ chức.
Trong gần 10 năm săn hàng như vậy, giải thưởng lớn nhất mà cô giành được là một chiếc TV màn hình phẳng lớn, trị giá 700 USD.
Nhưng năm 2020, cô ấy không chắc truyền thống của mình có thể tiếp tục. Davis, 50 tuổi, nói: “Tôi phải cẩn thận và lường trước những việc xảy ra, vì chúng tôi không biết điều gì sẽ ập đến trong đại dịch này ”.
Những người mua sắm như Davis có thể cảnh giác, nhưng các trung tâm mua sắm và cửa hàng ở Mỹ đang rất muốn ngày “Thứ Sáu Đen” diễn ra. Mua sắm ngày lễ truyền thống đã giảm trong một thập kỷ qua, khi người tiêu dùng đổ xô vào thương mại điện tử. Cùng với đó, sự bùng phát và suy thoái do COVID-19 đã đẩy nhanh sự sụp đổ của kênh bán hàng truyền thống.
Ngành bán lẻ của Mỹ đã bị tàn phá sau nhiều tháng đóng cửa và hàng chục vụ phá sản dập tắt hy vọng của những người sống sót, rằng mô hình mua sắm sẽ trở lại bình thường vào ngày bận rộn nhất của ngành bán lẻ - Thứ Sáu Đen. Chỉ còn bảy tuần nữa là đến “Thứ Sáu Đen”, các thương gia đang cố gắng chuẩn bị các cửa hàng và trang web để bù đắp cho khoảng thời gian đã mất vì COVID-19.
Để thực hiện quy định giãn cách xã hội, các cửa hàng sẽ được cấu hình lại, với ít giá đỡ hơn trên sàn và các trạm dịch vụ nằm cách xa nhau hơn. Đồng thời, bán hàng trực tuyến sẽ là trung tâm.
Chuỗi cung ứng sẽ căng thẳng hơn bao giờ hết, khi các doanh nghiệp cố gắng theo kịp với lượng mua hàng thương mại điện tử cao kỷ lục. Do đó, các trung tâm phân phối phải thuê thêm hàng chục nghìn công nhân để đóng gói và giao hàng.
Một ngày "Thứ Sáu Đen" đông đúc tại cửa hàng hàng đầu của Macy ở New York vào năm 2018. Ảnh: Reuters |
Bên cạnh đó, đại dịch đã khiến người mua hàng cảnh giác khi đến các cửa hàng đông đúc. Nó cũng khiến nhiều người eo hẹp về tiền mặt sau các vụ sa thải hàng loạt ở hầu hết các ngành.
Hiện tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9 đã ở mức 7,9%, cao hơn gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái. Joel Bines, đồng trưởng bộ phận tư vấn bán lẻ tại AlixPartners LLP (Hoa Kỳ), cho biết: “Đây sẽ là mùa lễ khó khăn nhất, cho dù bạn là một nhà bán lẻ, một nhà cung cấp”.
COVID-19 đã tiêu tốn của ngành bán lẻ Hoa Kỳ hàng tỷ đô la. Theo Fitch Ratings, trong một năm bình thường, các cửa hàng bách hóa và người bán hàng may mặc có thể nhận được khoảng một phần tư doanh số hàng năm của họ chỉ trong tháng 11 và tháng 12.
Đợt mua sắm trong quý IV năm nay sẽ còn quan trọng hơn nữa. Vì nguồn doanh thu đã thiếu hụt khi các cửa hàng đóng cửa và người tiêu dùng hạn chế mua dây chuyền vàng, túi xách hàng hiệu cũng như các mặt hàng tùy ý khác.
Gần 122 tỷ USD doanh số bán lẻ của Mỹ đã “bốc hơi”, kể từ đại dịch khiến các cửa hàng phải đóng cửa vào tháng Ba. Theo Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, doanh số bán hàng tại các cửa hàng quần áo và phụ kiện giảm 34,9% trong 8 tháng đầu năm 2020, so với cùng kỳ năm 2019.
Đến khi mở cửa trở lại, nhiều cửa hàng vẫn phải hạn chế sức chứa, do quy định về giãn cách. Có khả năng, lượng khách năm nay chỉ là một phần nhỏ so với mùa lễ các năm trước.
Jeff Gennette, CEO của Macy's Inc- một trong những cửa hàng bận rộn nhất ở Hoa Kỳ, cho biết sự tập trung đông người chắc chắn là một vấn đề vào cuối tuần Lễ Tạ ơn và những ngày trước Giáng sinh.
Công ty này sẽ tiếp tục tuân theo các nguyên tắc mà họ đã lập ra khi mở lại cửa hàng ở Quảng trường Herald vào tháng Sáu. Một số lối vào chính sẽ bị đóng cửa, người mua hàng phải đeo khẩu trang và rửa tay trước khi vào cửa hàng. Đồng thời, nhân viên bảo vệ và các biển báo sẽ nhắc nhở họ luôn giữ khoảng cách an toàn.
Lululemon Athletica Inc, một “gã khổng lồ” trong lĩnh vực đồ thể thao, sẽ thiết lập khoảng 20 quầy hàng nhỏ hơn trong các trung tâm thương mại, nơi đã có một cửa hàng để giúp giảm bớt xếp hàng dài. CEO Calvin McDonald cho biết: “Chúng tôi tin tưởng sản phẩm của mình sẽ thúc đẩy lượng mua sắm”.
Tại Neiman Marcus Group, sự thay đổi lớn nhất sẽ là cách người mua sắm di chuyển bên trong cửa hàng. Những khách hàng không cảm thấy thoải mái khi đi bộ trên các lối đi có thể đặt phòng riêng, nhân viên có thể cung cấp mọi sản phẩm mà họ cần.
Đây là một dịch vụ cung cấp cho cửa hàng bách hóa, nó nổi lên sau vụ phá sản vào cuối tháng 9 và đang “chiếm lĩnh” mùa lễ hội này. CEO Geoffroy van Raemdonck cho biết: “Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng chúng tôi muốn cho khách hàng nhiều sự lựa chọn”.
Trong khi đó, hầu hết các cửa hàng của Best Buy, Target và Walmart đều chưa đưa ra các nguyên tắc cụ thể khi bước vào cửa hàng. Vì vậy, khách hàng không biết điều gì sẽ xảy ra khi họ bước vào các cửa hàng chính trong ngày “Thứ Sáu Đen”.
Cho đến nay, các cửa hàng đều thông báo rằng họ sẽ tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc mà họ đã sử dụng, gồm: đeo khẩu trang, đứng cách nhau 2m, không chạm vào những thứ bạn sẽ không mua.
Một thay đổi lớn là các thương gia đang cố gắng khuyến khích chi tiêu sớm hơn. Nhà bán lẻ Deborah Weinswig, CEO của Coresight Research Inc, đã thuyết phục hai chục nhà bán lẻ lớn để tổ chức “10/10”. Hoạt động này sẽ giảm giá trong vài ngày vào khoảng ngày 10/10, như một cách để khiến người mua sắm mua quà sớm hơn và giao hàng dễ dàng hơn.
Khách hàng đến cửa hàng hàng đầu của Macy ở New York vào tối Lễ Tạ ơn. Ảnh: Getty |
Tương tự, Home Depot Inc. cũng cung cấp chương trình giảm giá ngày Thứ Sáu Đen ngay sau Halloween. Và Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, đại diện cho các cửa hàng lớn nhất của Mỹ, đang đổ tiền vào quảng cáo để nói với người mua hàng rằng: “Đừng đợi đến Lễ Tạ ơn mới bắt đầu mua sắm”.
CEO của Coach, Todd Kahn, nói ông đang khuyến khích mọi người mua sắm sớm hơn, để các cửa hàng không quá bận rộn. Theo một cuộc khảo sát từ AlixPartners, gần một nửa số người tiêu dùng Mỹ cho biết, họ có kế hoạch bắt đầu mua sắm trong kỳ nghỉ trước tháng 11, tăng 7% so với năm ngoái. Một sự khởi đầu có thể giúp các nhà bán lẻ đối mặt với một thách thức khác. Đó là số hàng hóa không bán được đã chất thành đống trong chín tháng qua.
Một khi mùa lễ diễn ra, một số kệ có thể bị bỏ trống. CEO của Levi Strauss & Co, Chip Bergh, nói rằng, ông sẵn sàng từ bỏ việc bán hàng hơn là bị mắc kẹt trong việc giữ hàng hóa dư thừa.
Tuy nhiên, các cửa hàng vẫn cần hàng hóa trên kệ nếu họ muốn thu lợi nhuận. Marjorie Kaufman, CEO tại công ty tư vấn Getzler Henrich & Associates LLC cho biết: “Các nhà bán lẻ đang tìm cách đưa các sản phẩm mới lên kệ. Nhưng vấn đề là họ không biết điều gì sẽ xảy ra vào mùa thu này và liệu các cửa hàng có bắt đầu đóng cửa trở lại hay không”.
Các vấn đề về hàng tồn kho dự kiến sẽ ảnh hưởng đến việc vận chuyển, vì các trung tâm phân phối đã bị áp lực bởi lượng mua hàng trực tuyến cao kỷ lục trong thời kỳ đại dịch. Theo Accenture, 3/4 người Mỹ nói rằng họ sẽ mua sắm trực tuyến trong kỳ nghỉ của mình trong năm nay, so với mức 65% của năm ngoái.
Tương tự, một cuộc khảo sát gần đây của nhà cung cấp phiếu giảm giá kỹ thuật số RetailMeNot Inc, cũng cho biết hơn 90% người tiêu dùng sẽ chọn giảm giá trực tuyến vào “Thứ Sáu Đen” thay vì mua sắm tại cửa hàng.
Trong thời gian ngừng hoạt động, các nhà bán lẻ cũng nhận ra giá trị của việc tăng cường khả năng trang web để phục vụ cho những người trung thành với “Thứ Sáu Đen”. Đây là lượng khách hàng có thể bỏ qua các cửa hàng và chỉ cần ngồi trên ghế dài nhấp chuột để mua hàng.
Bed Bath & Beyond Inc đã đại tu trang web của mình và tìm cách cải thiện tốc độ cũng như sự tiện lợi để chuẩn bị cho “Thứ Sáu Đen”, bao gồm cả việc tung ra dịch vụ vận chuyển trong ngày vào cuối tháng 9.
CEO của Kohl's Corp, Michelle Gass cho biết ngoài việc cung cấp dịch vụ đón khách ở lề đường trong mùa lễ này, chuỗi cửa hàng bách hóa sẽ tập trung đến đồ trang trí nhà cửa, đồ chơi trẻ em và các danh mục hoạt động trực tuyến tốt nhất trong những ngày ở nhà.
Tất cả những sự chuẩn bị này đang được thực hiện mà không biết liệu người mua sắm có sẵn sàng mua sắm, ngay sau khi trải qua một cuộc khủng hoảng sức khỏe hay không.
Kỳ vọng doanh thu tăng trong ngày “Thứ Sáu Đen” vẫn khá mỏng manh. Theo nhà tư vấn Deloitte LP, tổng chi tiêu cho kỳ nghỉ trung bình dự kiến sẽ tăng 1,5% nhưng mức tăng này vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,1% trong năm 2019. Hơn nữa, chi tiêu này chỉ tập trung vào tầng lớp giàu có và trung lưu vẫn có thu nhập thường xuyên.
Trong khi, hàng triệu người Mỹ, trong đó có Davis, người đã mất việc trong ba tháng, đã không may mắn như vậy. Nói về COVID-19, Davis chia sẻ: “Số ca mắc bệnh có thể tăng đột biến vào những ngày nghỉ lễ. Tôi rõ ràng có thể trở lại làm việc một lần nữa, nhưng cuối cùng vẫn phải ngồi ở nhà”.
Đây cũng là viễn cảnh mà các nhà bán lẻ lo lắng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp