30/08/2021 09:01
Các ngân hàng trung ương cần thận trọng hơn khi phát triển CBDC
Sự xuất hiện của các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) là không thể tránh khỏi, và việc nghiên cứu thiết kế và thực nghiệm CBDC đang được tiến hành trên khắp thế giới.
Trung Quốc đã thực hiện quá trình này trong 7 năm và đang triển khai các chương trình thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY). Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt mục tiêu ra mắt một CBDC vào năm 2025. Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang có những bước đi chậm hơn.
Theo tờ Financial Times của Anh, sự thận trọng của Anh và Mỹ là đúng đắn. Điều không thể tránh khỏi không đồng nghĩa là điều tối ưu. Những công nghệ mới sẽ làm thay đổi ngành ngân hàng toàn cầu, nhưng sự vội vàng có nguy cơ gây hại lớn cho hệ thống này.
Financial Times cho rằng hệ sinh thái tài chính của thế giới đã chuyển đổi trong 15 năm qua.
Các đồng tiền điện tử và công ty công nghệ tài chính đe dọa chuyển việc thanh toán, gửi tiền và cho vay ra khỏi lĩnh vực ngân hàng và sang các mạng lưới không bị giám sát. Điều này có thể tạo ra một “miền Tây hoang dã” cho hoạt động tài chính quốc tế, đe dọa sự ổn định của lĩnh vực này và làm suy yếu khả năng hoàn thành nhiệm vụ của các ngân hàng trung ương.
Những người ủng hộ CBDC nói rằng đây là biện pháp duy nhất để các nhà hoạch định chính sách bảo vệ, giữ được quyền kiểm soát cuối cùng đối với các giao dịch tài chính.
Với CBDC, các doanh nghiệp và cá nhân có thể mở tài khoản trực tiếp với ngân hàng trung ương. Mặc dù điều đó có thể mang lại hiệu quả, nhưng sẽ chấm dứt vai trò trung gian tài chính của các ngân hàng trung ương.
Cốt lõi của các mô hình kinh doanh ngân hàng là tận dụng tiền gửi để mở rộng các khoản cho vay và thu phí. Với cơ sở tiền gửi không ổn định, hoạt động này cùng lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm dần. Các khoản cho vay sẽ ít hơn, từ đó sẽ cản trở tăng trưởng chung. Để bù đắp các khoản phí bị mất, các ngân hàng có thể tính phí nhiều hơn cho các dịch vụ thanh toán và tài khoản. Điều này sẽ khiến một hệ thống tài chính rẻ hơn và toàn diện hơn khó trở thành sự thật hơn.
Về mặt chính trị, sẽ rất khó để ngân hàng trung ương bước vào lấp đầy khoảng trống cho vay bằng cách đảm nhận vai trò của người phân bổ tín dụng. Ngân hàng trung ương cũng sẽ buộc phải đảm nhận các nhiệm vụ hoạt động mới, như rủi ro tín dụng và phải thực hiện các phân tích thấu hiểu khách hàng (KYC). Một khả năng lớn hơn là một hệ thống sẽ phải được thiết kế để khách hàng có tài khoản CBDC tại một ngân hàng hoặc một trung gian khác, nơi sẽ cung cấp các dịch vụ thanh toán và tài chính liên quan.
Điều này đặt ra những thách thức riêng. Vì các CBDC được ngân hàng trung ương “chống lưng” nên chúng an toàn hơn. Nhưng trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng, điều đó có thể dẫn đến việc các ngân hàng sụp đổ khi khách hàng chuyển sang sử dụng tiền mặt.
Ngay cả khi các ngân hàng thương mại đưa ra mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao hơn so với lãi suất của CBDC, chính sách đó có thể cũng không hiệu quả trong ngăn chặn việc tình trạng rút tiền ồ ạt sang kênh “trú ẩn an toàn”. Việc một ngân hàng trung ương giới hạn số lượng CBDC của họ được nắm giữ sẽ tạo ra những lỗ hổng cho các loại tiền điện tử không bị kiểm soát, từ đó làm suy yếu khả năng cạnh tranh với các CBDC khác.
Những người ủng hộ CBDC cho rằng các loại tiền này sẽ thúc đẩy sự hòa nhập thông qua cho phép mọi người dân đều có tài khoản ngân hàng. Quan điểm này này đã bỏ qua vấn đề của những người không có kết nối với Internet.
Quyền riêng tư cũng là một mối quan tâm. Liệu khách hàng có muốn một cơ quan gần như thuộc chính phủ biết chi tiết việc chi tiêu của họ không? Một hệ thống dựa trên token (mã thông báo) sẽ cho phép các CBDC được sử dụng ẩn danh.
Điều này có thể thu hút được 23% dân số Mỹ chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng, những người nói rằng họ không tin tưởng các ngân hàng và bảo vệ sự riêng tư của mình. Nhưng như thế sẽ làm khó hoạt động của các cơ quan chống rửa tiền hay thuế vụ.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương đang cố gắng giải quyết những lo ngại về tốc độ xử lý thanh toán bằng cách phát triển các hệ thống thanh toán tức thời. Nếu các CBDC có thể tương tác với nhau, chúng có thể giúp thực hiện các thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn và rẻ hơn. Nhưng điều này sẽ đòi hỏi các ngân hàng trung ương phải thiết lập các hành lang với cấu trúc và quản trị đã được thống nhất.
Trong một thế giới đang có 200 loại tiền tệ, điều này sẽ đòi hỏi số lượng các thỏa thuận song phương ở mức không thể thực hiện được. Đáng chú ý, các nỗ lực chống rửa tiền đã làm chậm lại những nỗ lực hiện đại hóa hoạt động thanh toán xuyên biên giới sẽ vẫn tồn tại ngay cả đối với các CBDC.
Hệ thống tài chính quốc tế phải được cập nhật cho thời đại kỹ thuật số và các ngân hàng trung ương cần đi đầu xu hướng này. Sổ cái phân tán và các công nghệ khác có tiềm năng giúp cho việc thanh toán và lập hóa đơn hiệu quả hơn. Nhưng việc thiết kế CBDC phù hợp là rất quan trọng.
Việc đơn giản cho rằng “nếu đó là kỹ thuật số, nó đương nhiên tốt hơn” là quá đơn giản. Đây là trường hợp mà tốc độ không phải là điều cốt yếu. Fed và BoE đã khôn ngoan khi tiến hành một cách thận trọng để có thể triển khai CBDC một cách đúng đắn.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp