07/03/2022 07:59
Các ngân hàng Nga chuyển sang sử dụng hệ thống UnionPay của Trung Quốc
Sberbank, Alfa Bank và Tinkoff Bank đang nghiên cứu khả năng phát hành thẻ do UnionPay của Trung Quốc cung cấp.
Sau khi bị cắt khỏi mạng lưới thanh toán toàn cầu, các ngân hàng Nga đang chuyển sang sử dụng hệ thống UnionPay thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc để tránh sự tẩy chay của các doanh nghiệp phương Tây vì cuộc tấn công Ukraina.
Người Nga hiện khó mua hàng từ nước ngoài sau khi Visa và Mastercard đình chỉ các hoạt động ở Nga. Các động thái của hai công ty vượt ra ngoài các lệnh trừng phạt được ban hành đối với nhiều ngân hàng Nga.
Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga về tài sản, Alfa và Tinkoff hôm Chủ nhật cho biết họ đang nghiên cứu khả năng phát hành thẻ do UnionPay của Trung Quốc cung cấp.
Một công ty cho vay khác của Nga, Gazprombank, cho biết khách hàng có thể thực hiện các giao dịch xuyên biên giới bằng cách lấy thẻ sử dụng UnionPay hoặc hệ thống JCB của Nhật Bản.
Các giải pháp thay thế cho thấy Nga có thể ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc khi bị phương Tây cô lập. Không rõ liệu động thái này có báo hiệu sự chuyển hướng sang hợp tác nhiều hơn giữa Trung Quốc và Nga để giúp Moscow tìm ra những cách thay thế nhằm kết nối với hệ thống tài chính toàn cầu hay không.
UnionPay có mặt khắp nơi ở Trung Quốc và mở rộng ra toàn cầu khi người Trung Quốc đi ra nước ngoài, thường để mua hàng xa xỉ. Thẻ UnionPay được chấp nhận tại các cửa hàng ở 180 quốc gia và khu vực, và trực tuyến ở hơn 200 quốc gia và khu vực, theo trang web của công ty.
Bên cạnh mạng lưới thẻ, Trung Quốc đã và đang phát triển hệ thống thanh toán toàn cầu của riêng mình như một giải pháp thay thế cho mạng toàn cầu được sử dụng rộng rãi có tên SWIFT. Tuy nhiên, hệ thống đó vẫn phụ thuộc vào SWIFT trong hầu hết các giao dịch của nó.
Các quan chức Bắc Kinh đã phản đối các lệnh trừng phạt đối với Nga, trong khi ở phương Tây, một số công ty đang vượt qua các lệnh trừng phạt này, ngừng giao dịch kinh doanh ngay cả với các thực thể không bị trừng phạt.
UnionPay và JCB của Nhật Bản chưa đưa ra bình luận về vấn đề hợp tác với các ngân hàng Nga.
Visa và Mastercard đều cho biết hôm thứ Bảy rằng họ đang cắt đứt quan hệ với Nga để đáp trả cuộc tấn công của họ vào Ukraina. Trong số các thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng được phát hành ở Nga, thẻ Visa và Mastercard chiếm 74% các giao dịch thanh toán tại nước này vào năm 2020, theo Báo cáo của Nilson, một ấn phẩm thương mại.
Động thái này giáng một đòn mạnh vào Nga, quốc gia đã chứng kiến nhiều công ty phương Tây cắt giảm dịch vụ cung cấp cho nước này trong tuần qua.
Một số ngân hàng của Nga đã bị các nước phương Tây trừng phạt, có nghĩa là các cá nhân và doanh nghiệp ở đó bị cấm giao dịch với họ. Nhưng một số ngân hàng của Nga vẫn tự do kinh doanh trên khắp thế giới.
Mỹ và Anh đã tiến tới cắt bỏ Sberbank khỏi quyền truy cập vào USD Mỹ và bảng Anh, nhưng các công ty và cá nhân vẫn được phép giao dịch với ngân hàng này.
Chủ thẻ ở Nga vẫn có thể sử dụng thẻ Visa và Mastercard trong nước Nga vì các giao dịch sẽ được thực hiện qua hệ thống thanh toán của Nga, được gọi là Mir. Nhưng họ sẽ không thể sử dụng thẻ ở nước ngoài, ngoại trừ một số quốc gia hỗ trợ Mir, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam và Armenia.
Ngân hàng Alfa cho biết hôm Chủ nhật rằng, thẻ Visa và Mastercard của khách hàng sẽ bị hạn chế sử dụng bên ngoài nước Nga bắt đầu từ ngày 10 tháng 3. Ngân hàng này kêu gọi người dùng ở nước ngoài rút tiền mặt trong thời gian chờ đợi.
Tuy nhiên, ngân hàng Alfa cho biết họ sẽ tiếp tục phát hành thẻ gắn liền với cả Visa và Mastercard, vì nó có vài triệu thẻ trong kho. “Chúng tôi hy vọng rằng các hệ thống thanh toán quốc tế sẽ quay trở lại nước ta. Sau đó, các thẻ sẽ tự động bắt đầu hoạt động trên toàn thế giới”, đại diện Alfa nói.
(Nguồn: WSJ)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp