23/09/2020 10:27
Các ngân hàng 'mòn mỏi' chờ giảm phí tin nhắn cho khách hàng từ các đối tác viễn thông
Ngay từ khi COVID-19 xuất hiện, các ngân hàng đã chia sẻ khó khăn với khách hàng nhưng bản thân ngân hàng lại đang phải "cõng" nhiều loại phí từ đối tác.
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), ngoài cước phí tin nhắn SMS thanh toán cho các doanh nghiệp viễn thông, các ngân hàng tại Việt Nam đang phải chịu "phí chồng phí" từ các tổ chức thẻ quốc tế như Visa và MasterCard. Trung bình các ngân hàng đang phải trả cho các tổ chức thẻ này từ 3-4 loại phí trên mỗi giao dịch và mức thu phí đối với các giao dịch trong nước đang quá cao so với mức thu phí của các tổ chức chuyển mạch thẻ.
Do đó, VNBA đã gửi công văn tới Visa và MasterCard đề nghị giảm phí trước mắt và điều chỉnh phí dài hạn cho thị trường Việt Nam nhằm chia sẻ khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay và tạo điều kiện cho ngân hàng Việt tiếp tục giảm phí dịch vụ, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Dù vậy, các tổ chức này đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho biết, sau các công văn trên, Visa và Mastercard đã tiếp xúc với hiệp hội, bày tỏ thiện chí với các đề nghị và hứa xem xét để giải quyết thỏa đáng, chứ chưa chính thức giảm phí.
"Hiện tại, chúng tôi và các tổ chức hội viên cũng đang chờ đợi và tiếp tục đề nghị có những giải pháp thiết thực từ Visa và Mastercard để chia sẻ với các ngân hàng Việt Nam”, ông Thắng nói.
Theo công văn gửi đến Visa và MasterCard, VNBA đề nghị, đối với phí xử lý giao dịch, xem xét trong vòng 12 tháng tới giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch đối với cả ngân hàng thanh toán và ngân hàng phát hành. Đồng thời, áp dụng cơ chế thu một loại phí đối với 1 giao dịch, hạn chế tình trạng thu phí chồng phí. Bên cạnh đó, chỉ thu phí đối với giao dịch thành công, không thu phí đối với giao dịch lỗi.
Đối với phí trả cổng thanh toán, hiệp hội cũng đề nghị giảm 50% phí xử lý giao dịch (tương đương còn 0,015 USD/giao dịch) và miễn phí đối với các loại phí đăng ký và sử dụng dịch vụ cổng cho đơn vị chấp nhận thẻ, ngân hàng thanh toán và phí bảo trì hàng tháng.
Đối với chính sách thu phí, Visa và MasterCard đơn giản hóa cơ chế thu phí để hạn chế tình trạng thu phí chồng phí, đồng thời, hỗ trợ các ngân hàng trong việc dễ dàng theo dõi tình hình thu phí của các tổ chức thẻ quốc tế.
Trước đó, VNBA cũng đã 3 lần liên tiếp có văn bản đề nghị các công ty viễn thông giảm cước tin nhắn dịch vụ tài chính, ngân hàng xuống bằng giá cước tin nhắn thông thường hoặc bằng 50% giá cước tin nhắn hiện nay. Nhưng câu trả lời vẫn là "sự im lặng".
Được biết, giá cước tin nhắn mà các công ty viễn thông đang áp dụng đối với ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường. Trong khi đó, hầu hết các giao dịch ngân hàng đều sử dụng dịch vụ viễn thông với các loại tin nhắn như xác thực khách hàng (OTP), thông báo biến động số dư tài khoản khách hàng, cảnh báo giao dịch lừa đảo, gian lận, thay đổi dịch vụ, thông tin tài khoản, tin nhắn quảng cáo, chăm sóc khách hàng... Trung bình, mỗi giao dịch chuyển tiền, thanh toán, các ngân hàng đều cần gửi ít nhất 2 tin nhắn cho khách hàng.
Số liệu của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho thấy sản lượng tin nhắn SMS của ngân hàng này tăng qua mỗi năm: Năm 2017, sản lượng SMS của BIDV là 365,58 triệu tin. Năm 2018 là 473,62 triệu tin. Năm 2019 là 635,48 triệu tin, 5 tháng đầu năm 2020 là 320,38 triệu tin.
Căn cứ vào nhịp độ sản lượng tin nhắn năm nay, BIDV ước tính sẽ phải bù lỗ khoảng 500 tỷ đồng sau khi miễn, giảm nhiều loại phí dịch vụ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Nếu các nhà mạng áp dụng mức giá thông thường khoảng 300 đồng/tin nhắn thì chi phí sẽ giảm khoảng 50%, BIDV sẽ giảm bù lỗ được khoảng 285 tỷ đồng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng: "Không chỉ Hiệp hội Ngân hàng hay Ngân hàng Nhà nước mà đã đến lúc các cơ quan như Bộ Tài chính cần vào cuộc để yêu cầu các tổ chức thực hiện miễn, giảm phí cho ngân hàng Việt, giúp ngân hàng có thêm nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua những tác động tiêu cực của COVID-19".
Ngay từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, 100% các ngân hàng thương mại đã miễn, giảm phí nhiều loại phí dịch vụ cho khách hàng nhằm chia sẻ khó khăn và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, bản thân các ngân hàng lại đang phải gánh nhiều loại phí và vẫn đang "mòn mỏi" chờ các nhà mạng, các tổ chức thẻ quốc tế giảm phí.
(Nguồn: TTXVN)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp