18/06/2018 06:33
Cả nước đang có 215 chung cư tranh chấp về sở hữu chung riêng, kinh phí bảo trì
Hàng loạt dự án tranh chấp về phần diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng như nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, các diện tích kinh doanh cho thuê…
Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo của 43 địa phương và số lượng đơn thư gửi về Bộ Xây dựng cho thấy, đang có 215 dự án chung cư đang có khiếu nại, tranh chấp.
Trong số này, có tới 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án. Còn lại, 107 dự án có khiếu nại, tranh chấp không thuộc phạm vi tranh chấp, khiếu nại về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và những nội dung dân sự khác.
Các nội dung cụ tranh chấp, khiếu nại thường tập trung vào một số vấn đề như tranh chấp liên quan đến phần diện tích sở hữu chung, riêng. Cụ thể là, tranh chấp về phần diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng như nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, các diện tích kinh doanh cho thuê…
Chung cư Khang Gia Tân Phú ở TP.HCM tranh chấp cả năm nay nhưng vẫn chưa tìm được lối ra. |
Đây là một trong những tranh chấp gay gắt nhất trong thời gian qua khi có tới 40 trong tổng số 108 dự án vấp phải vấn đề này, chiếm khoảng 37%. Cùng đó là các tranh chấp liên quan đến cách tính diện tích căn hộ như cách tính ban công, logia, diện tích tim tường, thông thủy… với 7 trong tổng số 108 dự án, khoảng 7%.
Thêm một vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân nhưng không phải dự án nào cũng đáp ứng một cách sòng phẳng là kinh phí bảo trì phần sở hữu chung. Tại nhiều dự án, chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho Ban quản trị (39/108 dự án, khoảng 36%). Có nơi, chủ đầu tư không nộp kinh phí bảo trì đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng (3/108 dự án, khoảng 3%).
Thậm chí, chủ đầu tư còn chiếm dụng kinh phí bảo trì để sử dụng vào mục đích khác (4/108 dự án, khoảng 4%). Chủ đầu tư không công khai, minh bạch trong việc sử dụng kinh phí bảo trì cho tòa nhà (1/108 dự án) hoặc các bên không thống nhất được số liệu quyết toán để xác định kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư phải bàn giao cho Ban quản trị (6/108 dự án, khoảng 6%).
Cùng đó là hàng loạt các tranh chấp khác tại chung cư được Bộ Xây dựng chỉ rõ như liên quan đến kinh phí quản lý, vận hành, chất lượng công trình, hội nghị nhà chung cư lần đầu, hợp đồng mua bán căn hộ, chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua căn hộ...
Bộ Xây dựng cho rằng, nguyên nhân xảy ra tranh chấp, khiếu nại giữa chủ đầu tư, cư dân, ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành thời gian qua chủ yếu do quá trình tổ chức triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư tại các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu.
Các hành vi vi phạm trong xây dựng đầu tư, quản lý vận hành nhà chung cư mà các cơ quan chức năng chưa phát hiện, xử lý kịp thời, triệt để. Công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm cũng không thường xuyên và chưa có hiệu quả.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp