08/08/2021 09:25
Cá nhân và tổ chức trong nước bán ròng hơn 2.400 tỷ đồng trong tuần đầu tháng 8
Cá nhân trong nước bán ròng trở lại 646 tỷ đồng sau 2 tuần mua ròng trước đó.
VN-Index tiếp tục tăng điểm trong tuần đầu tiên của tháng 8 với mức tăng 31,4 điểm (2,4%) lên 1.341,45 điểm. Tương tự, HNX-Index cũng tăng 10,61 điểm (3,37%) lên 325,46 điểm. UPCoM-Index tăng 1,35 điểm (1,55%) lên 88,28 điểm.
Thanh khoản thị trường chứng khoán tăng so với tuần trước đó, với khối lượng giao dịch bình quân đạt 850 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 28% so với tuần cuối tháng 7, tương ứng giá trị giao dịch bình quân là 25.170 tỷ đồng/phiên, tăng 25,3%. Giá trị khớp lệnh bình quân cũng tăng 28% lên 23.350 tỷ đồng.
Theo dữ liệu của FiinPro, cá nhân và tổ chức trong nước đều bán ròng trên HoSE trong tuần từ 2-6/8 trong khi khối ngoại mua ròng đột biến và tác động tốt đến tâm lý nhà đầu tư.
Giá trị mua, bán ròng phân loại theo nhà đầu tư. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Giá trị mua, bán ròng phân loại theo nhà đầu tư (khớp lệnh). Đơn vị: Tỷ đồng. |
Đối với cá nhân trong nước, dòng vốn này bán ròng trở lại 646 tỷ đồng sau 2 tuần mua ròng trước đó. Dù vậy nếu chỉ tính phương thức khớp lệnh thì cá nhân trong nước bán ròng chỉ 61 tỷ đồng.
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của cá nhân trong nước lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng mạnh nhất mã VHM với giá trị 1.537 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là VIC với 291 tỷ đồng. CTG và DPM được mua ròng lần lượt 182 tỷ đồng và 137 tỷ đồng. Chiều ngược lại, STB bị bán ròng mạnh nhất với 754 tỷ đồng. SSI và ACB bị bán ròng lần lượt 693 tỷ đồng và 437 tỷ đồng.
Tổ chức trong nước vẫn duy trì đà bán ròng với 1.765 tỷ đồng, giảm 11% so với tuần trước. Trong đó, tổ chức (không gồm tự doanh) bán ròng 1.400 tỷ đồng, giảm 45%. Đây cũng là tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp của dòng vốn này với tổng giá trị 4.100 tỷ đồng.
Trong khi đó, tự doanh của các công ty chứng khoán bán ròng trở lại 348 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính về phương thức khớp lệnh thì dòng vốn này vẫn mua ròng 176 tỷ đồng.
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) mua ròng mạnh nhất mã ACB với giá trị 473 tỷ đồng. Các mã IJC, VIC, PNJ, PTL, STB và NLG đều được mua ròng trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, VHM bị bán ròng mạnh nhất với giá trị lên đến 2.600 tỷ đồng. Tiếp sau đó là CTG nhưng giá trị kém xa với 132 tỷ đồng. FPT cũng bị bán ròng 115 tỷ đồng.
Khối ngoại là động lực chính giúp thị trường đi lên trong tuần qua khi mua ròng đột biến 2.413 tỷ đồng (gấp 3,7 lần tuần trước đó).
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Khối ngoại sàn HoSE mua ròng mạnh nhất mã VHM với giá trị 985 tỷ đồng. Tiếp sau đó, STB được mua ròng 702 tỷ đồng. SSI và MBB được mua ròng lần lượt 629 tỷ đồng và 379 tỷ đồng. Trong khi đó, VIC bị bán ròng mạnh nhất với 375 tỷ đồng. VNM và VRE bị bán ròng lần lượt 204 tỷ đồng và 156 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới trong tháng 7 giảm 27,8% so với tháng 6 và đạt 101.078 đơn vị, thấp nhất 5 tháng nhưng cũng là tháng thứ 5 liên tiếp duy trì ở mốc trên 100.000 đơn vị/tháng. Tính tổng 7 tháng, cá nhân mở mới 720.989 tài khoản chứng khoán, vượt 83,7% so với cả năm 2020.
Bên cạnh đó, lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư tổ chức trong nước trong tháng 7 ở mức 138 tài khoản, giảm nhẹ so với mức 139 của tháng 6. Như vậy, tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới cuối tháng 7 đạt hơn gần 3,46 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cá nhân nước ngoài mở mới 263 tài khoản giao dịch chứng khoán trong tháng 7, tiếp tục giảm 6% so với tháng trước và giảm 5 tháng liên tiếp. Tổ chức nước ngoài mở mới 14 tài khoản chứng khoán trong khi ở tháng 6 đóng tài khoản nhiều hơn mở mới.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp