06/03/2018 17:10
Cá cơm khô đang được thương lái Trung Quốc lùng mua ở Ninh Thuận
Một giỏ cá tươi sau khi hấp và phơi sẽ còn khoảng 7,5kg khô. Với giá bán 42.000-45.000 đồng/kg cá khô thì cơ sở chế biến lãi khoảng 100.000 đồng/kg.
Nhờ ngư trường đầu xuân thuận lợi, nhiều cơ sở chế biến hải sản (nước mắm) và chế biến cá hấp (cá cơm) ở tỉnh Ninh Thuận có điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nguyên liệu phục vụ chế biến dồi dào, giá cả ổn định. Nhiều chủ cơ sở tranh thủ thu mua để chế biến, đáp ứng sản phẩm phục vụ thị trường trong và ngoài nước.
Tại xã Cà Ná và Phước Diêm của huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận), những ngày qua, hầu hết các cơ sở chế biến cá hấp đều tấp nập cảnh xe cộ lui tới, chuyên chở hải sản đến lò hấp. Cảnh đông đúc người lao động khuân vác, vận chuyển cá hấp ra phơi trông như đang chạy đua với thời gian.
Ông Phan Hiệp, chủ cơ sở hấp cá ở xã Cà Ná, huyện Thuận Nam cho biết, đã hơn một năm rồi các cơ sở chế biến cá hấp ở địa phương mới trở lại hoạt động sản xuất sôi nổi như hiện nay.
Thực tế cá cơm không phải có thường xuyên, mà chỉ khai thác được ở những tháng đầu năm. Do đó, các cơ sở cá hấp đều tranh thủ thu mua để chế biến, hoạt động sản xuất liên tục, qua đó, có sản phẩm bán ra thị trường.
Ngư dân trúng đậm ở mùa cá cơm năm nay. |
Theo tính toán của ông Hiệp, nếu mua của ngư dân với số lượng lớn, một giỏ cá (loại 16kg) có giá bán 270.000 đồng/giỏ, còn mua lẻ tới 300.000 đồng/giỏ. Trung bình một giỏ cá tươi sau khi hấp và phơi sẽ còn khoảng 7,5 kg khô. Với giá bán từ 42.000-45.000 đồng/kg cá khô thì cơ sở chế biến lãi khoảng 100.000 đồng/kg.
Hiện tại, sản phẩm cá cơm khô không chỉ được tiêu thụ nhiều ở trong nước mà thị trường nước ngoài như Trung Quốc cũng hút hàng, sản phẩm trở nên khan hiếm, thương lái đến tận nơi thu mua.
Nhờ đó, nhiều cơ sở chế biến cá hấp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có thêm động lực sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động phổ thông ở địa phương, với thu nhập từ 400.000-500.000 đồng/ngày đối với nữ, khoảng 600.000 đồng/ngày đối với lao động nam, hưởng theo sản phẩm.
Không chỉ cơ sở hấp cá, hơn 80 cơ sở chuyên sản xuất, chế biến nước mắm, với tên thường gọi là “nước mắm Cà Ná” cũng bước vào sản xuất sôi nổi không kém. Để có lượng nước mắm bán ra thị trường, các cơ sở này cũng chủ động thu mua đủ nguyên liệu để phục vụ chế biến trong cả năm.
Nguyên liệu mua vào dồi dào, giá thành cũng tương đối, chi phí để chế biến ra sản phẩm nước mắm không tăng, do đó khả năng thu được lãi cũng lớn.
Nhiều chủ cơ sở chế biến nước mắm ở thôn Lạc Nghiệp, xã Cà Ná cho biết, những năm trước ngư trường khai thác khó khăn nên nguyên liệu cá cơm không đủ chế biến, không ít cơ sở hoạt động cầm chừng, thậm chí phải ra tỉnh bạn để mua, chuyên chở về chế biến khá tốn kém. Năm nay, cá được mùa nên ai cũng lo mua để ủ làm mắm.
Năm 2017, làng nghề nước mắm truyền thống Cà Ná sản xuất thành phẩm đạt hơn 10 triệu lít mắm/năm. Trong năm, sản phẩm nước mắm Cà Ná đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công Nghệ cấp Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu tập thể. Từ đó đến nay, sản phẩm nước mắm Cà Ná luôn được người tiêu dùng ưu chuộng, được tiêu thụ rộng khắp từ Nam đến Bắc.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp