06/09/2017 11:23
Buôn lậu theo lũ tràn qua
Đường cát Thái Lan và thuốc lá điếu vẫn là 2 mặt hàng nhập lậu chủ yếu với số lượng lớn qua khu vực biên giới Tây Nam trong những ngày gần đây.
Theo nhận định của các ngành chức năng, nước lũ đang tràn ngập những cánh đồng ven biên giới Tây Nam là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu tung hoành. Tình trạng này sẽ còn tăng cao và diễn biến phức tạp trong thời gian tới vì đang bước vào Tết Trung thu cũng như tồn tại nhiều bất cập trong việc xử lý đối tượng buôn lậu.
Chuyển sang "ăn đêm"
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, ở vùng biên giới giáp Campuchia trên địa bàn tỉnh An Giang, các đầu nậu đã chuyển hướng, cho đội ngũ vận chuyển hàng lậu hoạt động vào ban đêm để tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Sáng 30/8, chúng tôi được ông Nguyễn Văn D. (người hành nghề câu lưới ở xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho đi cùng trên chiếc xuồng máy nhỏ để ghi nhận hoạt động buôn lậu. Đến khoảng 9 giờ cùng ngày, chúng tôi phát hiện 2 chiếc vỏ lãi chở đầy đường cát Thái Lan từ bên kia biên giới thuộc xã Tà Lập, huyện Kirivong, tỉnh Tà Keo, Campuchia. Ông D. nhận định nhiều khả năng đường cát Thái Lan đang hút hàng nên đầu nậu mới thuê người vận chuyển một cách liều lĩnh vào ban ngày.
Ông D. giải thích trong thời gian gần đây, hầu hết đầu nậu chỉ đạo cho đàn em hoạt động vào ban đêm vì các lực lượng chức năng đang tăng cường chốt chặn ở một số điểm quan trọng. Nhiều đêm, lực lượng vận chuyển điều khiển vỏ lãi nối đuôi nhau chạy dọc kênh Vĩnh Tế thuộc thị trấn Tịnh Biên rồi rẽ vào kênh Tư Mèo sang khu vực bãi tập kết chưa bị ngập nước ở bên kia biên giới thuộc xã Tà Lập để "ăn hàng". Công việc này kéo dài đến 4-5 giờ hôm sau mới kết thúc.
"Dân câu lưới như tôi cũng chịu thiệt hại với mấy chiếc vỏ lãi chở hàng lậu vì chúng thường xé nát tất cả sau khi lướt qua. Trước đây, tôi từng bị đuổi đánh vì chỉ có một mình giữa đồng nước mênh mông mà dám phản ứng lại tụi nó" - ông D. nhớ lại.
Ông Lê Văn M. ở phường Vĩnh Nguơn, thành phốChâu Đốc, tỉnh An Giang cũng cho biết địa điểm nhận hàng là tại các kho hàng nằm trong khu vực chợ Gò Tà Mâu bên kia biên giới, giáp ranh với phường Vĩnh Nguơn. Từ đây, hàng sẽ được chuyển xuống vỏ lãi rồi chạy dọc theo rạch Cây Gáo khoảng 2 km để vượt kênh Vĩnh Tế về các kho chứa tại khu vực khóm 7, phường Châu Phú A, thành phốChâu Đốc. Nếu tình hình thuận lợi, hàng lậu sẽ được đưa ngay lên xe tải chờ sẵn rồi băng qua con đường tắt ra đường tránh của quốc lộ 91. Số hàng lậu này sẽ được vận chuyển thêm đoạn đường nữa để tập kết tạm tại khu vực gần cầu Kênh Đào thuộc phường Vĩnh Mỹ, thành phốChâu Đốc.
"Trước đây, đường cát chủ yếu được vận chuyển từ chợ Gò Tà Mâu theo kênh Chắc Ri vượt sông Hậu về tập kết tại bến sông đối diện xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang, sau đó được cho lên xe tải qua cầu Cồn Tiên về Châu Đốc. Hiện 2 mặt hàng đường cát và thuốc lá lậu có chung đường đi như thế từ Campuchia vào Việt Nam. Hầu hết đều hoạt động về đêm chứ không còn ngang nhiên như trước đây nữa" - ông M. nhận xét.
Diễn biến phức tạp
Theo ghi nhận của phóng viên, bên bờ kênh Vĩnh Tế tại khu vực tổ 7, ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế, thành phốChâu Đốc đã hình thành bãi tập kết đường cát lậu từ rất lâu và cũng từng bị các lực lượng chức năng vây bắt nhiều lần. Thế nhưng, hoạt động vận chuyển, bốc xếp hàng lậu ở khu vực này vẫn tiếp tục diễn ra.
Lúc 1 giờ ngày 23/7 vừa qua, lực lượng của Phòng Cảnh sát kinh tế tỉnh An Giang và Phòng Cảnh sát cơ động kiểm tra, bắt giữ 1 trường hợp vận chuyển hàng hóa nhập lậu (vắng chủ) tại mương 5 Lùn thuộc tổ 7, ấp Bà Bài. Khi gặp lực lượng chức năng, những người vận chuyển số hàng này đã bỏ trốn. Tang vật để lại gồm 5 tấn đường cát chứa trong 100 bao (50 kg/bao) và 4 xuồng máy với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng.
Thế nhưng, sáng 31/8, khu vực này nhộn nhịp trở lại với khoảng 10 người vận chuyển đường cát từ 2 chiếc vỏ lãi dưới bến lên xe tải đang chờ sẵn bên trên. Phóng viên hỏi một người đàn ông đang ngồi bên lề đường chiếc xe tải chở gì? Ông này trả lời toàn bộ là lúa giống và phân bón do một người Campuchia mua về gieo trồng. Khi bị truy tiếp: "Hiện các cánh đồng bên đó đã ngập nước thì làm sao sạ lúa được?", người đàn ông này tỏ ra lúng túng vì biết mình đã nói hớ. Ngay lúc này, một thanh niên chạy xe máy tới hỏi: "Anh muốn mua hàng gì?". Người đàn ông lập tức lắc tay với anh thanh niên như muốn báo có chuyện không bình thường. Thấy vậy, thanh niên này liền xuống mé kênh và yêu cầu đội quân bốc xếp ngưng đưa hàng lên xe tải. Thấy bị chụp ảnh, người điều khiển xe tải lập tức cho xe chạy về hướng xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên.
Sau đó, khi phóng viên chạy xe được một đoạn thì phát hiện thanh niên lúc nãy đang đeo bám phía sau. Để cắt "cái đuôi" này, phóng viên cho xe dừng lại tại một quán giải khát ở khu vực trung tâm thành phố Châu Đốc rồi vờ dùng điện thoại gọi cho người đến hỗ trợ. Thấy vậy, kẻ bám theo mới chịu bỏ đi.
Khó xử lý hình sự
Ông Phan Lợi, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh An Giang, thừa nhận đến mùa nước nổi, lực lượng QLTT phải nhọc nhằn hơn trong hoạt động chống buôn lậu so với mùa khô. Các lực lượng liên ngành phải tự sửa chữa, tu bổ lại phương tiện để phục vụ công tác do mức độ làm việc cao hơn. Trong ngày 30/8, lực lượng chức năng đã thu giữ khoảng 10.000 bao thuốc lá trên xe khách đang từ huyện An Phú đến TP.HCM. Tuy nhiên, cơ chế xử lý đối với mặt hàng thuốc lá lậu vẫn còn chồng chéo. Theo Luật Đầu tư, thuốc lá lậu chỉ bị xử phạt hành chính, trong khi Luật Thương mại quy định là hàng cấm và có thể xử lý hình sự. Ngoài ra, việc phân biệt khái niệm mặt hàng kinh doanh có điều kiện với mặt hàng cấm cũng bất cập nên thường các cơ quan tố tụng như tòa án hay viện kiểm sát không chấp thuận xem xét xử lý hình sự.
"Chính vì chưa thể xử lý hình sự nên tình trạng buôn lậu thuốc lá đang có chiều hướng gia tăng. Khó khăn là vậy nhưng các lực lượng chức năng vẫn kiên quyết bắt giữ và xử lý chứ không lơ là với buôn lậu" - ông Lợi nhấn mạnh.
Advertisement