27/09/2018 12:47
Bóng dáng Tập đoàn Him Lam đằng sau dự án Eco Green Sài Gòn
Là nợ xấu được Công ty Xuân Mai mua lại từ VAMC, Eco Green xin giấy phép thần tốc và huy động vốn. Vậy đứng sau lưng Eco Green là ai?
Gốc từ Hoàn Cầu Group
Dự án Eco Green nằm ở mặt tiền Đại lộ Nguyễn Văn Linh giao với đường Tân Thuận Tây, phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM. Dự án rộng 14ha với 6block cao 35 tầng, dự kiến hoàn thành năm 2021 và cung cấp ra thị trường 4.000 căn hộ. Trước đây, khu đất này thuộc sở hữu của Công ty TNHH Hoàn Cầu-Hoàn Cầu Group. Công ty TNHH Hoàn Cầu được chấp thuận làm chủ đầu tư dự án này từ năm 2008.
Năm 2014, Hoàn Cầu Group đem 8 thửa của khu đất này thế chấp cho Sacombank vay 2.400 tỷ đồng. Khoản nợ này, Hoàn Cầu Group vay cho hai công ty con là Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang và Công ty Cổ phần Hoàn Cầu Khánh Hoà. Hoàn Cầu Group không có khả năng trả nợ, Sacombank bán nợ xấu này lại cho VAMC. Đầu năm 2018, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai Sài Gòn mua lại đống nợ xấu của Hoàn Cầu Group từ VAMC.
Đến ngày 19/3/2018, UBND TPHCM ký Quyết định 1051/QĐ-UBND chấp thuận việc chuyển nhượng một phần dự án Khu dân cư Tân Thuận Tây từ Công ty TNHH Hoàn Cầu cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai, trừ các khu đất nhà ở liền kề phục vụ mục tiêu tái định cư ở l6 số V-1, V-2, V-3, V-4, V-5, V-7.
Toàn cảnh dự án Eco Green ở quận 7. |
Sau khi về tay Xuân Mai Sài Gòn, dự án Eco Green đã được ông Trần Lê Kiên, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM ký giấy phép cho thi công phần ngầm số 137/GPXD vào ngày 16/7. Theo đó, dự án được chia làm 2 block HR-1 rộng 6.546m2 thuộc thửa đất số 45, tờ bản đồ số 37 của bộ địa chính phường Tân Thuận Tây, quận 7.
Còn block HR-2 rộng 7.124m2 thuộc thửa đất số 43 và 47, tờ bản đồ 7 của bộ địa chính phường Bình Thuận và tờ bản đồ số 37 của bộ địa chính phường Tân Thuận Tây, quận 7. Tuy nhiên, trong giấy phép xây dựng số 137, Sở Xây dựng TP.HCM không nêu rõ mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, diện tích xây dựng mà yêu cầu chủ đầu tư lưu ý thiết kế phù hợp với quy hoạch.
Đến ngày 9/8, Sacombank chi nhánh quận 9 đã cấp xác nhận bảo lãnh số 781/XNCB1/2018/CN09 theo hợp đồng ký kết số LD1822100404 giữa Sacombank và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai Sài Gòn.
Điều đáng nói, tới ngày 16/7 dự án mới được cấp giấy phép xây dựng phần móng và ngày 9/8 mới được Sacombank cấp chứng thư bảo lãnh nhưng Eco Green đã huy động vốn từ tháng 4. Theo giới thiệu của nhân viên Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Eximrs, hiện tại chủ đầu tư đang nhận giữ chỗ với giá từ gần 50 triệu đồng/m2.
Trên thực tế, Eco Green đang trong quá trình khoan cọc nhồi, làm móng. Hơn nữa, dự án ở vị trí không đắc địa, đường nhiều xe container, xe tải hạng nặng quần thảo ngày đêm. Tuy nhiên, nhân viên của Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Eximrs cho biết thêm, dự án mới nhận đặt chỗ đợt đầu nên sắp tới, giá sẽ còn tăng thêm.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Hữu Quyền, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, chủ đầu tư có quyền huy động vốn từ tiền mua nhà ứng trước của khách hàng theo quy định của luật Nhà ở, thông qua hình thức ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, quy định tại điểm đ khoản 1 điều 9 Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật Nhà ở.
Còn theo điều 55, Luật Kinh doanh bất động sản, điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh quy định phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án. Trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.
“Do đó, dự án Eco Green chưa hoàn thành xong phần móng đã huy động vốn là trái luật, dù dưới hình thức giữ chỗ”, ông Quyền nói.
Dự án Eco Green đang thi công phần móng. |
Bóng dáng của Tập đoàn Him Lam
Chủ đầu tư dự án Eco Green là một doanh nghiệp có tên tuổi ở Hà Nội với hàng loạt dự án như Eco Green Nguyễn Xiển, Xuân Mai Sparks Tower, Xuân Mai Riverside… Tuy nhiên, Eco Green ở quận 7 là dự án đầu tiên đánh dấu bước Nam tiến của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai.
Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0314337445 thì Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Xuân Mai Sài Gòn được thành lập vào ngày 7/4/2017, với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập là Xuân Mai Corp nắm 45%, Công ty TNHH Thương Mại và Sản xuất Tường Việt giữ 45%, 10% còn lại thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đức Tiến.
Ngày 12/9/2017, các cổ đông trên đã chuyển nhượng 50% vốn trong Xuân Mai Sài Gòn cho nhà đầu tư khác. Tỷ lệ sở hữu mới tương ứng của 3 cổ đông sáng lập tương ứng là 20, 25 và 5. Bất ngờ, vào cuối tháng 9/2017, Xuân Mai Sài Gòn đã tăng vốn gấp 50 lần lên 1.000 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật là Tổng giám đốc Cao Việt Dũng.
Dù khoác lên chiếc áo Xuân Mai Sài Gòn nhưng đứng đằng sau vẫn là bóng dáng Tập đoàn Him Lam. |
Ông Cao Việt Dũng cũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai, nơi góp 25% vốn vào Xuân Mai Sài Gòn. Ngoài ra, ông Cao Việt Dũng cùng một cá nhân là ông Dương Công Điệp góp vốn thành lập Công ty TNHH Nội thất Tường Việt tại 14 Phan Tôn, quận 1, TP.HCM.
Ở đây, ông Dương Công Điệp là một nhân vật khá đặc biệt. Hồi giữa năm 2016, ông Điệp là Phó giám đốc khối kinh doanh Công ty Cổ phần Him Lam, nơi ông Dương Công Minh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ngoài ra, ông Điệp còn đứng tên Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bảo Lộc có trụ sở tại 234 Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Địa chỉ này cũng là trụ sở của Tập đoàn Him Lam.
Trong khi đó, Xuân Mai Corp là doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng của ông Nguyễn Đức Cử, Thành viên Hội đồng quản trị LienVietPostBank. Trong khi Tập đoàn Him Lam thuộc sở hữu của ông Dương Công Minh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank. Hiện tại, ông Dương Công Minh đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank.
Theo luật sư, dự án Eco Green chưa hoàn thành xong phần móng đã huy động vốn là trái luật, dù dưới hình thức giữ chỗ. |
Về năng lực tài chính, theo báo cáo tài chính kiểm toán, năm 2017, Xuân Mai Corp đạt doanh thu hợp nhất 2.350 tỷ đồng, lãi sau thuế 99,4 tỷ đồng. Tổng tài sản tới cuối năm là 3.727 tỷ đồng, vốn điều lệ 400 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Xuân Mai Corp đạt doanh thu thuần 821 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2017. Cả 2 mảng kinh doanh chính là bất động sản và xây lắp đều tăng trưởng so với nửa đầu năm trước, đạt lần lượt là 444,5 tỷ và 270,9 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp tăng từ 128,4 tỷ lên 130 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế tăng vọt 72% từ 13,8 tỷ lên 23,8 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc chi phí quản lý giảm mạnh từ 65,8 tỷ xuống 50,2 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế qua đó tăng từ 4,8 tỷ lên 14 tỷ đồng.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp