Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Bốn yếu tố mới chi phối thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản đang chuyển sang một giai đoạn mới với sự chủ động nhiều hơn của các doanh nghiệp, cả trong câu chuyện làm dự án và thực hiện các thương vụ M&A.

Linh hoạt hơn với M&A dự án

“So với cách đây 10 năm, thị trường bất động sản đang chuyển mình mạnh mẽ, các doanh nghiệp linh hoạt hơn trong việc thích nghi với thực tiễn và hệ thống pháp luật cũng đồng bộ, chặt chẽ hơn. Đây là một vài trong nhiều yếu tố cơ bản chi phối thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại”, ông Đào Văn Duy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID) bắt đầu câu chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán bằng sự so sánh về thị trường bất động sản hiện tại với 10 năm về trước, trong đó đánh giá cao sự chủ động của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong việc tạo lập cuộc chơi.

photo-cms-tinnhanhchungkhoan-zadn-vn_1-6019(1).jpg
Công nhân Phục Hưng Holdings trong Hội thi “Thợ giỏi ngành xây dựng 2021”. Ảnh: Thành Nguyễn

Về hoạt động M&A dự án, theo ông Duy, thời điểm hiện tại chưa thuận lợi cho các hoạt động mua bán, cho dù nhu cầu rất lớn và các doanh nghiệp đã chủ động hơn, chẳng hạn một dự án đang triển khai nhưng thiếu vốn, chủ đầu tư muốn huy động hoặc cơ cấu lại/thoái vốn để chuyển giao cho nhà đầu tư khác lại gặp khó khăn dẫn đến nhiều khu đất bị bỏ hoang hóa, còn doanh nghiệp lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan.

“Trên thực tế, doanh nghiệp hoạt động sẽ có lúc mạnh, lúc yếu và phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường, thậm chỉ cả rủi ro về chính sách, cho nên nếu có thể thì cần cho phép siết bằng bảo lãnh, ký quỹ, cho phép thoải mái chuyển nhượng miễn sao bên mua chịu trách nhiệm đến cùng. Thị trường muốn sôi động thì phải có giao dịch, nhưng giao dịch loại này đang bị siết, nên việc M&A dự án là rất khó”, ông Duy nói.

Hàm lượng kỹ thuật được nâng cao

Ở một góc nhìn khác, ông Trần Hồng Phúc, Tổng giám đốc Phục Hưng Holdings cho rằng, nhìn vào sức mua có thể đánh giá được sự khác biệt. Ở giai đoạn hiện tại, dung lượng thị trường đã lớn hơn hẳn so với giai đoạn trước và quan trọng hơn, bất động sản hiện nay thực sự là thị trường hàng hóa, giá bất động sản đã mang nhiều hơn tính thị trường. Đặc biệt, sự trưởng thành của thị trường còn được thể hiện rõ về tỷ lệ tham gia, hàm lượng kỹ thuật trong các sản phẩm địa ốc.

“Từ góc độ của một chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng, chúng tôi cho rằng, có sự khác biệt rất lớn trong ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động xây dựng, hàm lượng công nghệ trong thi công các dự án những năm 2001 và 2021 rất khác nhau, có sự chuyển biến lớn cả về tiến độ và chất lượng sản phẩm”, ông Phúc đánh giá.

photo-cms-tinnhanhchungkhoan-zadn-vn_2-8066(1).jpg
Thị trường bất động sản ngày càng có nhiều dự án chất lượng hơn. Ảnh: Thành Nguyễn

Ngoài ra, mặt bằng chung của các chủ đầu tư thời điểm hiện tại cũng tốt hơn giai đoạn trước, ngành bất động sản đã có nhiều hơn các doanh nghiệp tạo lập, dẫn dắt thị trường như Vingroup, Novaland… Cùng với đó, việc người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam cũng mở ra một tiềm năng lớn hơn trong câu chuyện cung cầu, vừa tạo thanh khoản cho thị trường, vừa giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo ông Phúc, tất cả những yếu tố này đang chi phối và quyết định xu hướng vận hành của thị trường trong thời gian tới.

Đánh giá về tâm lý đầu tư giai đoạn hiện tại, ông Phúc cũng cho rằng, có sự khác biệt khá lớn so với trước kia. Hiện nay, dù gặp nhiều thách thức từ dịch Covid-19, nhưng nhiều nhà đầu tư không mang tâm lý giữ tiền, mà ngược lại, còn đẩy mạnh tìm kiếm kênh đầu tư để sinh lời.

“Tâm lý chung là đầu tư để sinh lời chứ không găm giữ. Đây là sự khác biệt cơ bản cho thấy lòng tin của nhà đầu tư với thị trường ở thời điểm hiện tại”, ông Phúc nhấn mạnh.

“Điểm cộng” thương hiệu Việt Nam

Đề cao bối cảnh vĩ mô trong nước và quốc tế, ông Cao Đăng Hoạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ruby Group cho rằng, kinh tế Việt Nam nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, đang được hưởng lợi từ những chuyển biến tích cực mà “thương hiệu Việt Nam” mang lại.

Theo ông Hoạt, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu và Việt Nam không là ngoại lệ, song triển vọng vẫn rất khả quan khi các doanh nghiệp được hỗ trợ nhiều từ chính sách tài chính linh hoạt, việc điều tiết tài chính của hệ thống ngân hàng ngày càng hiệu quả, dòng vốn tốt và lãi suất ổn định đang giúp nhiều doanh nghiệp ổn định được hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Là lãnh đạo doanh nghiêp tham gia nhiều dự án đầu tư công trên cả nước, ông Hoạt đánh giá, có sự chuyển biến rõ nét trong hoạt động giải ngân đầu tư công thời gian qua, thể hiện ở các chỉ tiêu giải ngân theo hạn mức và kế hoạch với mốc thời gian rất cụ thể, chứ không bị chung chung như trước. Việc các bộ, ngành nỗ lực cải tiến hồ sơ, thủ tục, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, trong đó có vai trò chủ đạo của của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã giúp các doanh nghiệp nói chung, nhóm nhà thầu nói riêng, nâng cao được hiệu quả đầu tư.

Sân chơi chuyên nghiệp

“Giờ là game của những tay chơi chuyên nghiệp, không có chỗ cho nhà đầu tư amateur ở thị trường đã khá trưởng thành này” - từ góc nhìn của đơn vị nghiên cứu thị trường, bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc Thị trường Hà Nội, JLL Việt Nam nêu quan điểm về thị trường bất động sản Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Theo bà Vân, so với 10 năm trước, giờ đây bất động sản là lĩnh vực nhận được sự quan tâm của hầu hết mọi thành phần trong xã hội, các tiêu chí về sản phẩm theo đó cũng cao hơn trước rất nhiều và tạo nên một thị trường mà ở đó, cả chủ đầu tư, nhà đầu tư và câu chuyện thị trường đều ở mức chuyên nghiệp cao.

Theo bà Vân, JLL Việt Nam đã chứng kiến sự gia nhập thị trường của nhiều nhà đầu tư ngoại, giàu truyền thống có, “mới toanh” có. Thị trường trở nên hấp dẫn trong mắt khối ngoại, cùng chính sách cởi mở cho phép người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo nên sức hấp dẫn hơn cho thị trường bất động sản.

“Việt Nam đã xuất hiện căn hộ chung cư có giá lên tới vài trăm triệu đồng/m2, điều trước đây ít ai nghĩ tới. Giờ đây, chúng ta có cả doanh nghiệp ‘khủng’ và sản phẩm ‘siêu khủng’, do đó có thể nói, thị trường đang tiến tới giai đoạn không còn dành cho các nhà đầu tư ít kinh nghiệm, mà đòi hỏi sự chuyên nghiệp và xu hướng bắt tay các ông lớn để làm các dự án quy mô hơn, mức giá cao hơn”, bà Vân nhấn mạnh.

Cũng theo bà Vân, chính việc thị trường đang phát triển theo hướng chuyên nghiệp và chịu nhiều hơn sự dẫn dắt của các nhà tạo lập nên xu hướng chung trong thời gian tới là “ai giỏi việc gì sẽ làm việc đấy”.

“Doanh nghiệp nào giỏi tìm đất thì chuyên tìm đất, giỏi phát triển dự án thì chuyên phát triển dự án… và rồi sẽ có nhiều hơn những cái bắt tay hợp tác để cho ra đời sản phẩm phù hợp với mọi phân khúc khách hàng. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp bất động sản phải tìm tòi nhiều hơn, chuyên nghiệp hơn trong việc nắm bắt xu hướng, gu tiêu dùng, bán cái khách hàng muốn thay vì chỉ phát triển sản phẩm đơn thuần như trước kia và tất cả điều này sẽ thúc đẩy thị trường M&A bất động sản thêm sôi động”, bà Vân nói.

THÀNH NGUYỄN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement