15/06/2017 06:20
Bốn kỹ năng sống có thể học từ trẻ em
Trên con đường phát triển sự nghiệp, chúng ta thường tìm đến các chuyên gia hoặc những người đã thành công để xin lời khuyên hay nhận được tư vấn. Những “hình mẫu” ấy chính là động lực để bạn chinh phục mục tiêu - thành công giống như họ.
Tuy nhiên, theo Erik Wilson - người sáng lập và hiện là CEO của Spotify (một ứng dụng mạng xã hội để quảng bá trên các website), còn có một nguồn động lực khác có thể giúp bạn theo đuổi và chinh phục mục tiêu, ở rất gần, đến mức đôi khi vì mải miết nhìn xa xăm nên bạn “bỏ quên”. Chỉ cần nhìn xuống, bạn sẽ nhận ra nguồn cảm hứng tốt nhất đang ở ngay trước mắt mình - trẻ em.
Không có cách nào để bạn quay trở lại quá khứ và nhìn thế giới theo cách mà bọn trẻ nghĩ, nhưng có một số bài học quan trọng mà bạn có thể rút ra từ cuộc sống của trẻ, để phát triển bản thân và sự nghiệp.
Trên trangaddited, Erik Wilson chia sẻ 4 kỹ năng sống chính ông đã ứng dụng để thêm tự tin thực hiện hoài bão của mình. Đó là:
1. Không ngừng khám phá
Trẻ em có khả năng kỳ lạ là luôn có sẵn một chuỗi các câu hỏi để tìm hiểu thế giới xung quanh, kiểu như tại sao con chim biết bay, trẻ em được sinh ra từ đâu, sao nước biển lại mặn…
Tâm lý khám phá không chỉ giúp bạn hiểu biết thêm, mà còn mở ra những cơ hội và tình cảm mới hay những con đường mà bạn chưa bao giờ biết tới.
Khi bạn ngừng khám phá, ngừng đặt câu hỏi và giảm bớt sự tò mò về thế giới, thì bạn đang bắt đầu hạn chế tiềm năng của bản thân và bỏ lỡ các cơ hội ở phía trước.
Danh họa Picasso từng nói: “Tất cả trẻ em đều là nghệ sĩ. Nhưng vấn đề là làm thế nào để vẫn là nghệ sĩ khi đã trưởng thành”.
2. Không sợ phạm sai lầm
Khi quan sát một đứa trẻ đang cố gắng làm một điều gì đó, nhất là khi đó là lần đầu tiên chúng làm việc ấy, bạn sẽ nhận ra rằng chúng thật kiên trì.
Trẻ em có thể thử cột dây giày một trăm lần, và chúng vẫn sẽ tiếp tục thử hết lần này đến lần khác cho đến khi làm được mà không quan tâm đến chuyện mình đã thất bại bao nhiêu lần.
Mặc dù điều này có thể có nguyên do là trẻ không chịu áp lực của xã hội như người lớn cảm thấy khi gặp thất bại, nhưng rõ ràng chúng không bao giờ để cho sai lầm kìm hãm bản thân phát triển.
Nếu như người lớn thất bại theo cách mà trẻ em thất bại, chúng ta sẽ có cơ hội để đạt được nhiều thành công hơn trong cuộc sống cá nhân và sự nghiệp.
3. Không quá quan tâm đến hậu quả
Trẻ em thường sẵn sàng nhảy xuống một cái hố sâu hay leo lên mái nhà dù không biết làm cách nào để leo lên hay xuống. Trong khi điều này có thể làm cho các bậc cha mẹ thót tim, vẫn có một bài học quan trọng để bạn rút ra được về lòng dũng cảm từ trẻ.
Đó là không nên sợ điều chưa xảy ra. Hãy dũng cảm theo đuổi mục tiêu của mình, và ngay cả khi chưa có sự gan dạ, bạn chỉ cần giả vờ đã có tố chất này, điều đó sẽ giúp bạn bắt đầu tiến về phía trước.
4. Không ngại ước mơ lớn
Mơ ước là bước đầu tiên để chúng ta bắt đầu làm một điều gì đó. Nhiều người trưởng thành không dám mơ quá lớn bởi họ sợ không làm nổi hoặc sợ những người xung quanh “choáng” về mình. Ngược lại, trẻ em không để những nỗi sợ như của người lớn ngăn cản mình ước mơ.
Hãy nhớ lại lần cuối cùng bạn hỏi một đứa trẻ những gì chúng muốn làm khi lớn lên. Rất có thể bạn đã nghe ước mơ của chúng là trở thành công chúa, phi hành gia, nữ tổng thống đầu tiên hay một cầu thủ nổi tiếng.
Tất cả được xem là những thử thách khá lớn ngay cả với khả năng của một người trưởng thành, nhưng đối với bọn trẻ thì giấc mơ này là hoàn toàn thực tế và có thể làm được. Đừng ngại ngùng ước mơ lớn hơn một chút, bởi vì bạn không bao giờ biết mình có làm được hay không nếu bạn chưa thử.
Advertisement
Advertisement