16/03/2021 20:11
Bóc mẽ ngành công nghệ làm rượu vang giả trị giá tới 650 tỷ USD
Năm 2014, một trong những kẻ lừa đảo rượu nổi tiếng bậc nhất thế giới Rudy Kurniawan đã bị kết án 10 năm tù và buộc phải bồi thường thiệt hại 48 triệu USD cho hành vi làm giả rượu. Người đàn ông này đã pha chế rượu vang rẻ tiền theo cách riêng của mình rồi đổ vào những chai tái chế và bán chúng với giá hàng trăm nghìn USD cho những người giàu có.
Các luật sư bào chữa cho Kurniawan đã lập luật rằng làm giả rượu vang là một tội ác không có nạn nhân vì những người bị lừa vẫn có rất nhiều tiền chưa tiêu đến. Họ cho rằng hành vi của Kurniawan không khiến ai chết, không ai mất tiền tiết kiệm và cũng chẳng khiến ai mất việc cả. Thiệt hại của nạn nhân đến từ họ bị lừa và mất niềm tin.
Tuy nhiên, những lập luận kể trên không chính xác. Các hành vi gian lận về rượu (làm rượu giả) gây thiệt hại 650 tỷ USD trên toàn thế giới. Đó là những việc làm giả nhãn hiệu, vi phạm bản quyền, vi phạm bằng sáng chế và ăn cắp bản quyền.
Nghệ thuật làm rượu giả
Để làm giả một loại rượu đắt tiền, bạn có 2 lựa chọn: làm giả nhãn hiệu rượu hoặc làm giả chất lượng rượu. Với phương pháp đầu tiên, bạn có thể chọn mua những chai rượu ngon và dán lên vỏ của nó nhãn hiệu của một loại rượu đắt tiền hơn. Đôi khi, những kẻ phạm pháp chỉ cần thay đổi số năm tuổi trên nhãn của chai rượu là đã thu về rất nhiều tiền.
Đối với phương pháp thứ hai, nhãn hiệu trên vỏ chai là chuẩn xác nhưng chất lượng rượu bên trong lại là giả. Hiện nay, các sàn thương mại điện tử của Mỹ bán tràn lan vỏ chai của những loại rượu cổ. Người làm giả có thể mua chúng về, trộn một ly cocktail đổ vào đó và thuyết phục người mua rằng đó là rượu vang Bordeaux loại ngon...
Việc làm giả rượu trong những năm qua vẫn diễn ra tràn lan trên thế giới bởi vấn đề đánh giá thứ đồ uống này mang xu hướng theo cảm tính rất cao. Nó không rành mạch như việc một chiếc iPad giá 500 USD nhưng khi ai đó bán với giá 10 USD thì chắc chắn là đồ giả. Việc uống rượu vang mang tính chủ quan rất cao, bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những dòng chữ ghi trên nhãn, khẩu vị người uống...
Với tính chủ quan cực độ của việc đánh giá rượu ngon, những kẻ làm giả rượu tinh vi có thể thuyết phục người mua rằng thứ anh ta bán là tuyệt vời. Anh ta bán đồ với tư cách là một nhà sưu tập nhiệt huyết và một chuyên gia về rượu đáng tin cậy. Với cái 'mác' này, một người bán rượu giả có thể thuyết phục đại gia nào đó mua chai rượu đáng giá chỉ vài chục USD với giá 10.000 USD.
Thậm chí, những kẻ buôn rượu giả thành công còn tổ chức các buổi thử rượu sang trọng, xa hoa trong các căn phòng lộng lẫy ở những nhà hàng nổi tiếng. Ở đó, các vị khách sẽ được thưởng thức những loại rượu tầm trung là hàng thật 100%. Tuy nhiên, về cuối, khi những chai rượu đắt tiền nhất được bán thì đó là đồ giả.
Một số vụ buôn rượu giả nổi tiếng
Một trong những vụ buôn rượu giả nổi tiếng nhất trong lịch sử là cái tên chúng tôi đã nhắc đến ở trên - Rudy Kurniawan. Người đàn ông này đến Mỹ từ Indonesia khi còn là một thiếu niên và say mê rượu vang ngay khi nhấp ngụm vang California cao cấp đầu tiên.
Kurniawan bắt đầu thói quen uống rượu đắt tiền ở độ tuổi 20, thường mua những chai rượu quý hiếm hàng triệu USD tại các cuộc đấu giá và vung tiền cho các buổi tiệc xa hoa.
Khi người đàn ông này tích lũy được một bộ sưu tập ấn tượng các loại rượu hiếm, anh ta bắt đầu bán chúng. Chỉ riêng tại hai cuộc đấu giá vào năm 2006, Kurniawan đã bán được hàng nghìn chai rượu với tổng giá trị 35 triệu USD.
Các điều tra viên của FBI phát hiện ra rằng Kurniawan đã sử dụng phương pháp 'chai thật, rượu giả' để lừa khách hàng. Sau các buổi tiệc xa hoa, anh ta yêu cầu nhà hàng phải để lại vỏ chai cho mình. Trở về nhà, Kurniawan đổ đầy các loại rượu ít nổi tiếng hoặc pha chế loại rượu mới tùy theo sở thích vào những vỏ chai kể trên.
Một vụ gian lận về rượu nổi tiếng khác liên quan đến nhà sưu tập người Đức Hardy Rodenstock. Anh đã đánh bóng tên tuổi mình như một triệu phú giàu có và nổi tiếng trong khắp giới rượu vang với biệt tài săn lùng ra những chai rượu quý hiếm.
Năm 1985, Hardy Rodenstock nổi tiếng khắp thế giới khi tìm ra những chai rượu có khắc chữ 'Th. J' trên đó. Giới sưu tập rượu vang cho rằng đây là rượu của Thomas Jefferson - Tổng thống thứ 3 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và ra đời từ những năm 1780.
Cuối năm 1985, chai rượu có chữ 'Th. J' đầu tiên được bán với giá 105.000 Bảng Anh cho tỷ phú Christopher Forbes. Vào thời điểm đó, đây là chai rượu vang đắt nhất được bán ra từ một cuộc đấu giá. Sau đó, Hardy Rodenstock còn bán được khá nhiều chai rượu 'Th. J' cho những nhà sưu tập, các nhà tài phiệt giàu có. Để rồi, chẳng ai phát hiện ra vấn đề gì mãi cho đến 20 năm sau.
Vào năm 2005, Bảo tàng Boston xin phép được trưng bày bộ sưu tập của Bill Koch, con của nhà tài phiệt Fred Koch. Sau khi truy lùng dấu vết của những chai rượu 'Th. J', họ tuyên bố rằng nghi ngờ đó là rượu giả. Bill Koch sau đó thuê người điều tra và rồi phát hiện ra rằng những chữ 'Th. J' trên vỏ chai rượu đắt đỏ mà mình đã mua được khắc bằng một dụng cụ chạy điện chứ không phải là bằng bánh khắc đồng đạp chân của thế kỷ 18. Sau đó, người ta mới biết rằng những chai rượu này là đồ giả.
Theo một số nhà nghiên cứu, việc lừa đảo về nguồn gốc rượu diễn ra không hiếm trên thế giới. Thậm chí, một chuyên gia về rượu còn tin rằng 80% số lượng rượu Burgundy trước năm 1980 được bán đấu giá là đồ giả.
Để bảo vệ tài sản của mình, một số nhà máy rượu hiện nay đã đầu tư vào công nghệ xác thực hàng thật trên vỏ chai của mình. Tuy nhiên, công nghệ mới này có vẻ sẽ còn khá lâu mới được đón nhận. Bởi lẽ, những người đam mê sưu tập rượu thường thích những mẫu sản phẩm ra đời từ vài chục đến vài trăm năm trước hơn. Thời đó thì chẳng có công nghệ hiện đại nào được áp dụng cả.
Tag:
# làm rượu vang giảAdvertisement