08/11/2019 11:12
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông: Người Việt dành 2,5-3h mỗi ngày trên mạng xã hội
Sáng 8/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Trước Bộ trưởng Hùng là các tư lệnh ngành Nông nghiệp, Công Thương và Nội vụ.
Nội dung trả lời chất vấn xoay quanh các nhóm vấn đề về công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo. Bên cạnh đó là công tác quản lý thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng và ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng Chính phủ điện tử, theo Zing.vn.
Báo cáo về các nhóm vấn đề chất vấn do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gửi các đại biểu Quốc hội nêu nhiều vấn đề còn tồn tại trong việc quản lý thông tin điện tử.
Theo đó, một số trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội hoạt động nhưng không có giấy phép hoặc tập trung trích dẫn những thông tin tiêu cực tạo cảm giác u ám, bất an, không phản ánh đúng hiện thực xã hội.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. |
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết chưa ngăn chặn được triệt để tình trạng các tài khoản giả mạo, tài khoản ảo tung tin giả, thông tin vi phạm pháp luật lên mạng xã hội nước ngoài. Công tác đấu tranh với các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Google để buộc tuân thủ luật pháp Việt Nam đã có những kết quả bước đầu nhưng gặp rất nhiều khó khăn.
Về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết theo kết quả đánh giá Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc năm 2018, Việt Nam xếp vị trí thứ 88/193 quốc gia được đánh giá, đứng thứ 6/11 quốc gia ASEAN. Với kết quả này, Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2016.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử được đánh giá đã thực sự tác động tích cực cho công tác cải cách hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại khi kinh phí chi cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin chưa được bảo đảm; một số cơ quan, người đứng đầu chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa gương mẫu trong khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin đã được triển khai.
Người Việt Nam dành 2,5-3 giờ/ngày trên mạng xã hội
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) chất vấn quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về xu hướng sử dụng điện thoại thông minh của giới trẻ, còn các đô thị thì đua nhau xây dựng thành phố thông minh. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới đã nhận thức được ảnh hưởng tiêu cực của điện thoại thông minh đến sức khỏe con người.
Trả lời, Bộ trưởng Hùng cho hay Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng nhiều smartphone và mạng xã hội cao.
“Thời gian chúng ta dành cho smartphone, mạng xã hội cũng cỡ khoảng 2,5-3 tiếng một ngày, vào loại cao trên thế giới. Cái gì cũng có 2 mặt, nếu chúng ta lạm dụng nó sẽ có nhiều vấn đề, hệ lụy”, Bộ trưởng Hùng phát biểu.
Người đứng đầu ngành Thông tin truyền thông cho hay Bộ đang nghiên cứu, làm việc để ra một số khuyến nghị, đặc biệt là đối với trẻ em về việc sử dụng Internet, mạng xã hội. Ông đơn cử một số nước có quy định về tuổi được phép dùng điện thoại thông minh, có nước thì hạn chế thời gian trẻ em chơi game. Ông cũng hứa Bộ Thông tin Truyền thông sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển.
Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương về nguy cơ an ninh mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định chúng ta giải quyết vấn đề trên không gian mạng trước khi có Luật An ninh mạng. Và khi có luật thì ta làm mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Quang cảnh buổi họp Quốc hội. |
Kết quả này thể hiện rõ nhất qua làm việc với các nền tảng xã hội xuyên biên giới. “Trước đây với Facebook nếu chúng ta yêu cầu 100 thì họ chỉ làm 20-30%, nhưng nay tỷ lệ này nâng lên 70%. Google nếu ta yêu cầu 100 họ chỉ chấp hành khoảng 40-50%, nhưng nay tăng lên 85%, thậm chí 90%, ví dụ gỡ các game xấu độc như đánh bài”, Bộ trưởng thông tin.
Ông cũng cho biết chỉ cách đây 2 ngày, Facebook đã công bố chặn quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang mà Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố.
46 trang mạng mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nam) về các thế lực chống phá, phá hoại nền tảng tư tưởng, Bộ trưởng Hùng cho hay Bộ vừa rồi đã xử lý rất nhiều các trang web mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
“Đến một ngày đẹp trời, các trang đấy sau khi lấy niềm tin của người đọc, đưa những thông tin trong tình huống khẩn cấp”, ông Hùng phân tích. Vừa qua, bộ đã phối hợp, có lực lượng để giải quyết vấn đề này. Trong 2 tháng vừa qua, Bộ đã làm rất mạnh tay và gỡ, hạ 207 website mạo danh. Có trang là website thì ngăn chặn, còn trang trên nền tảng mạng xã hội thì phối hợp ngăn chặn.
“Trong đó có 46 trang là có tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông sắp tới sẽ làm việc với các lãnh đạo, thành viên Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, bộ ngành về vấn đề này”, ông cho hay.
Trả lời đại biểu Nguyễn Quang Tuấn hỏi về bộ lọc để phát hiện tin xấu, bộ trưởng cho biết hiện nay có 2 bộ lọc. Bộ lọc đầu tiên là của công ty cung cấp nền tảng. Hiện nay, có khá nhiều doanh nghiệp từ chối hợp tác xuất phát từ chỗ họ đến từ một nền văn hoá khác, thể chế khác. Cái đấy không đúng, nhập gia tuỳ tục. Hiện nay chúng tôi đấu tranh rất mạnh mẽ.
Các mạng xã hội mới xuất hiện như Gapo hay Lotus thì phải có công cụ này, tức là tự động nhận dạng những thông tin xấu độc và tự chọn lọc. Hiện nay các nhà mạng mới đã có công cụ này. Hiện nay có hai cơ chế gỡ. Đã yêu cầu trực tiếp với nhà mạng thì nhà mạng sẽ gỡ và yêu cầu thông qua Bộ Thông tin và Truyền thông. Tôi nghĩ đây là câu chuyện chung tay, công cụ có rồi, luật pháp cơ bản là có rồi. Bây giờ là hành động. Nhưng hiện nay thì đúng là các bộ, ngành, địa phương cũng phải đầu tư nguồn lực.
Advertisement
Advertisement