03/10/2020 18:36
Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN ra tuyên bố chung
Các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN đã thống nhất với nhóm sáng kiến hợp tác tài chính, ngân hàng do Việt Nam đề xuất.
Ngày 2/10, tại Hà Nội, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN với Cộng đồng doanh nghiệp lần VI (AFMGM) đã tổ chức theo hình thức trực tuyến. Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đồng chủ trì Hội nghị.
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng ASEAN và cộng đồng doanh nghiệp đã dành thời gian thảo luận các chủ đề thúc đẩy tài chính bền vững trong khu vực ASEAN; chuyển đổi số trong lĩnh vực dịch vụ tài chính; các giải pháp tài chính toàn diện khu vực ASEAN và kết nối thương mại kỹ thuật số.
Đại diện các quốc gia thành viên ASEAN cũng chia sẻ thêm về những chính sách đang được áp dụng, nhằm ứng phó với các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, ghi nhận các khuyến nghị chính sách đến từ doanh nghiệp.
Kinh tế ASEAN tăng trưởng âm
Hội nghị kết thúc với bản tuyên bố chung được các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương thông qua, gồm nhiều nội dung quan trọng về hợp tác song phương và đa phương trong khối về lĩnh vực tài chính - ngân hàng; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường ổn định, hội nhập tài chính khu vực ASEAN, bất chấp những bất ổn do đại dịch COVID-19.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP |
Về triển vọng của nền kinh tế khu vực và thách thức chính sách do tác động của đại dịch COVID-19, các Bộ trưởng và Thống đốc đồng ý mức tăng trưởng kinh tế 4,6% trong năm ngoái. Các hoạt động hội nhập tài chính khu vực vẫn diễn ra mạnh mẽ, chống lại tác động của căng thẳng thương mại và địa chính trị kéo dài.
Tuy nhiên, một cuộc suy thoái sẽ diễn ra trong năm nay, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế và sự ổn định tài chính khu vực. Các hoạt động kinh tế thu hẹp đáng kể là yếu tố dẫn tới tăng trưởng âm của ASEAN trong năm 2020. Những gián đoạn do đại dịch gây ra đã cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo khả năng chống chịu của nền kinh tế khu vực trước các cú sốc.
Các nước đã nỗ lực để giảm thiểu tác động của đại dịch và hỗ trợ phục hồi kinh tế, bằng thực hiện nhiều phương pháp đặc biệt thông qua hỗ trợ tài chính, tiền tệ và tín dụng có mục tiêu, cũng như tái khẳng định các cam kết để đảm bảo dòng chảy liên tục của hàng hóa và dịch vụ. Sự đoàn kết và hợp tác là chìa khóa giúp ASEAN chiến thắng đại dịch và khôi phục tăng trưởng khu vực.
Thúc đẩy hội nhập và tự do hóa tài chính
Các Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN cũng thống nhất thông qua chuỗi hội thảo xây dựng năng lực của Ủy ban Công tác về Tự do hóa Dịch vụ Tài chính (WC-FSL). Ghi nhận kết quả đàm phán về Gói cam kết dịch vụ tài chính thứ 9 thuộc Hiệp định khung về dịch vụ ASEAN (AFAS), khuyến khích các nước thành viên đạt được các cam kết quan trọng và có ý nghĩa hơn về dịch vụ tài chính, vì đây sẽ là gói cam kết cuối cùng trước khi chuyển sang ATISA.
Sau AFMGM lần thứ 6 do Việt Nam chủ trì, Brunei trong vai trò Chủ tịch và là Chủ nhà của Hội nghị AFMGM lần thứ 7 vào năm 2021. Ảnh: VGP |
Bước tiến quan trọng là tăng cường thương mại và đầu tư nội khối ASEAN, với việc thành lập hai Ngân hàng Malaysia đã đạt chuẩn Ngân hàng ASEAN (QAB) tại Indonesia. Các ngân hàng này sẽ được hưởng lợi từ việc mở rộng tiếp cận thị trường và thúc đẩy đầu tư và thương mại nội khối.
Bên cạnh đó là những tiến bộ trong việc tự do hóa dịch vụ tài chính, đặc biệt là về các cam kết với các Đối tác Đối thoại, bao gồm việc hoàn tất Phụ lục dịch vụ Tài chính của Hiệp định Đối tác toàn diện kinh tế khu vực...
Các nỗ lực của Ủy ban công tác về Tự do hóa Tài khoản vốn (WC-CAL) trong việc tăng cường chia sẻ về tự do hóa tài khoản vốn, kế hoạch của các quốc gia thành viên ASEAN, và biện pháp phòng vệ nhằm đảm bảo ổn định tài chính trong quá trình tự do hóa cũng được thông qua.
Cùng với đó là thông qua kết quả phê duyệt Hướng dẫn khung khổ hợp tác thanh toán nội tệ ASEAN, để hoàn tất các thỏa thuận thanh toán nội tệ giữa các nước thành viên, tiếp tục triển khai chia sẻ thông tin về sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán thương mại, đầu tư trực tiếp và các hoạt động tương tự khác. Tạo thuận lợi và tăng cường thương mại và đầu tư nội khối trong tương lai.
Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới các hiệp định thuế song phương giữa các quốc gia thành viên theo kế hoạch hợp tác thuế. Ghi nhận Việt Nam trở thành thành viên Diễn đàn toàn cầu về minh bạch và trao đổi thông tin về mục tiêu thuế.
Các Bộ trưởng cùng thông qua sáng kiến mới của Diễn đàn Thuế ASEAN về Giấy chứng nhận cư trú ASEAN (CoR) được tiêu chuẩn hóa, để giúp các quốc gia thành viên ASEAN tận dụng lợi ích của hiệp ước thuế.
Một loạt các nội dung khác được thông qua như toàn bộ 10 nước thành viên trao đổi mẫu đăng ký điện tử form D, thông qua Kế hoạch Chiến lược Phát triển Hải quan (SPCD) 01-15 cho giai đoạn 2021-2025; hoàn thiện Lộ trình cho Khung khổ hội nhập bảo hiểm ASEAN (AIIF)...
Thông qua khung khổ Chính sách Thanh toán ASEAN đối với Thanh toán Bán lẻ; tiêu chuẩn hóa cho các khoản thanh toán và chuyển tiền theo thời gian thực, đặc biệt là việc triển khai toàn bộ cho Singapore -Thái Lan, triển khai một phần giữa Lào-Thái Lan và Campuchia-Thái Lan... Số hóa dịch vụ tài chính, tìm hiểu lợi ích của tiền điện tử ngân hàng trung ương để thúc đẩy tăng trưởng sau đại dịch, thúc đẩy tài chính bền vững cho thị trường vốn ASEAN.
Advertisement
Advertisement