Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư: Kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm phục hồi nhanh

Chính sách - Hạ tầng

04/04/2022 14:42

Nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tạo điều kiện cho kinh tế-xã hội phục hồi nhanh ngay trong quý I/2022.

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 diễn ra vào sáng nay (4/4), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết tình hình kinh tế-xã hội (KTXH) tháng 3 và 3 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.

Điểm sáng nổi bật là tăng trưởng GDP đạt khá, quý I ước tăng 5,03% so với cùng kỳ, trong đó, khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ các năm 2020-2021. Qua đó tạo niềm tin vào các chính sách phục hồi và phát triển KTXH, kỳ vọng tăng trưởng tiếp tục đà tích cực trong quý II và cả năm 2022.

2778333013908402258966913907027243298922108n-16490413168721093316800.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo về tình hình KTXH tháng 3 và 3 tháng đầu năm tại Phiên họp - Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Cùng với đó, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI bình quân quý I tăng 1,92% so với cùng kỳ, tương đối thấp so với cùng kỳ các năm 2018-2021.

Thị trường tài chính - tiền tệ cơ bản ổn định, đến ngày 25/3, tín dụng tăng 4,63% so với cuối năm 2021; duy trì mặt bằng lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ tích cực nhu cầu tín dụng cho sản xuất, kinh doanh; kịp thời có giải pháp ổn định thị trường, tâm lý nhà đầu tư, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ trong tháng 3, tăng 45,5% so với tháng trước, tính chung quý I tăng 12,9% so với cùng kỳ; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 50,5% so với tháng trước, tính chung quý I tăng 22% so với cùng kỳ, gấp 2,2 lần tốc độ tăng của khu vực FDI (10%). Nền kinh tế xuất siêu 1,39 tỷ USD trong tháng 3, tính chung quý I xuất siêu 809 triệu USD.

Liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn FDI đăng ký tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần 3 tháng tăng gần 2 lần so với cùng kỳ; FDI thực hiện tăng 7,8% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất kể từ năm 2016 đến nay, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư kinh doanh, triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn của nước ta.

Điểm đáng chú ý nữa là hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục mở rộng. Sản xuất nông nghiệp ổn định, làm tốt công tác gieo trồng vụ Đông Xuân và thu hoạch lúa mùa, phòng, chống rét đậm, rét hại, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, giá trị tăng thêm 3 tháng toàn ngành tăng 7,07% so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ cũng tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường du lịch quốc tế mở cửa hoàn toàn từ giữa tháng 3, nhiều đường bay quốc tế được nối lại, khách quốc tế đến nước ta trong tháng tăng 2,2 lần so với cùng kỳ, tính chung quý I tăng 89,1% so với cùng kỳ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặc biệt nhấn mạnh điểm đáng mừng là số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tái gia nhập thị trường trong tháng cao gấp 3 lần doanh nghiệp rút lui. Tính chung quý I đạt kỷ lục hơn 60.000 doanh nghiệp, tăng 36,7% so với cùng kỳ, cao nhất trong các quý I từ trước tới nay. 

"Đây là dấu hiệu tăng trưởng tích cực cho năm 2022, phản ánh kỳ vọng, niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp vào tiến trình mở cửa, phục hồi của nền kinh tế", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định.

Nói về tình hình lao động, việc làm, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong quý I năm 2022 giảm so với quý trước, thu nhập người lao động được cải thiện.

Đồng thời, các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được quan tâm. Khoảng 35,87 triệu lượt đối tượng đã nhận hỗ trợ xấp xỉ 40,5 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; hỗ trợ gần 38,6 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nước ta cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, có thể tác động đến hiệu quả chính sách hỗ trợ, làm chậm lại đà tăng trưởng, ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022-2023. 

"Chính vì vậy, các cấp, các ngành chủ động theo dõi, dự báo tình hình, có phương án điều hành đồng bộ, linh hoạt, kịp thời theo biến động của kinh tế vĩ mô, lạm phát, cân đối lớn về năng lượng, lao động - việc làm, đầu tư…; quyết tâm, quyết liệt hơn nữa để triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, phấn đấu đạt, vượt mục tiêu tăng trưởng cả năm đã đề ra", ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

MINH NGỌC
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement