07/11/2019 11:29
Bộ trưởng Công Thương nói gì về vấn đề hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam?
Sáng 7/11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục trả lời chất vấn, hôm qua nhiều chất vấn đã được nêu với Bộ trưởng, chờ câu trả lời sáng nay.
Vấn đề hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) đề nghị Bộ trưởng cần giải trình rõ hơn về vấn đề hàng Trung Quốc "đội lốt" nhái hàng Việt và phòng vệ của Việt Nam, theo Vneconomy.
Ông Sinh cho rằng trước đó Bộ trưởng đã nêu được sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng xử lý vấn đề này. Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất Bộ trưởng chưa trả lời được đó là lỗ hổng rất lớn về pháp luật, hàng rào kỹ thuật chưa đủ mạnh để kiểm soát tình hình.
Đặc biệt sự công khai, minh bạch về quy định hàng Việt Nam là thế nào, chính sự thiếu minh bạch này đã làm cho nhiều doanh nghiệp như kiểu Asanzo không biết mình có vi phạm không, như vậy đẩy người dân và doanh nghiệp vào thế rủi ro rất cao.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Ảnh: Quochoi.vn. |
Asanzo, Khaisilk có đơn thuần là gian lận thương mại hay không, đề nghị Bộ trưởng cần nói rõ hơn về vấn đề này, đại biểu Sinh đặt vấn đề.
Vấn đề tiếp theo cũng được đại biểu này nêu trong chất vấn là kinh tế Việt Nam là kinh tế mở hay kinh tế hở? Doanh nghiệp Việt Nam chết ngay trên sân nhà là điều đang diễn ra. Bộ trưởng sẽ có giải pháp gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hàng hóa của họ trong giai đoạn hiện nay?
Trả lời câu hỏi này ngay đầu giờ sáng hôm sau, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói, hiện nay Việt Nam đang thực thi hàng loạt các quy định của luật pháp rất quan trọng liên quan về vấn đề tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như trong hoạt động xuất nhập khẩu. Như Luật Quản lý ngoại thương, Luật Quy chuẩn tiêu chuẩn, Luật Hải quan, Luật Quản lý, Pháp lệnh Quản lý thị trường...
Những văn bản quy phạm pháp luật này đều liên quan đến việc điều chỉnh các hoạt động trong thương mại trong nước cũng như liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về chức năng quản lý nhà nước, Bộ trưởng cho biết Bộ này đã báo cáo Chính phủ ban hành nghị định 31 quy định chi tiết luật Quản lý ngoại thương, cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho sản phẩm của Việt Nam xuất đi các thị trường được các ưu đãi thương mại về thuế quan. Bộ cũng đã tăng cường kiểm soát trong việc cấp C/O xác nhận xuất xứ.
Dẫn chứng về sự chủ động trong bối cảnh mới khi Việt Nam đang phải đối mặt rất nhiều với nguy cơ gian lận thương mại, Bộ trưởng thông tin, Thủ tướng đã ký ban hành quyết định 84 đề án tăng cường quản lý nhà nước chống gian lận thương mại và gian lận xuất xứ, siết chặt các khâu trong xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài để ngăn chặn hành vi gian lận thương mại.
Bộ cũng đã xây dựng văn bản để quy định cụ thể xuất xứ hàng hóa trong nước. Trên thực tế ngoài các văn bản đã nói ở trên, còn có nghị định 43 quy định chứng nhận nhãn mác, xuất xứ hàng hóa của sản phẩm lưu thông trng nước, Bộ trưởng trả lời.
Nhưng, theo ông Tuấn Anh thì hai nghị định này giao trách nhiệm cho doanh nghiệp, nhà sản xuất kê khai nhãn mác và nguồn gốc hàng hóa. "Chính vì vậy, bước đầu đã có những hành vi có dấu hiệu gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng như Khaisilk trước kia và sau này có câu chuyện chưa rõ ràng trong hướng dẫn ghi xuất xứ với hàm lượng như thế nào dẫn đến vướng mắc cho 1 số doanh nghiệp, mà ta chứng kiến câu chuyện như Asanzo", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn. |
Vì vậy, theo Bộ trưởng, từ 2018, Bộ này đã báo cáo Chính phủ đề xuất xây dựng văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể hơn nữa trong việc ghi chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa sản xuất và lưu thông trên thị trường Việt Nam.
Đây xác định là một việc khó, nên Bộ đã xin ý kiến các bộ ngành để xây dựng một thông tư dưới hình thức mở để có ý kiến của các bộ, ngành cả về cơ sở pháp lý, cả phạm vi điều chỉnh, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về tiến độ cụ thể, ông Tuấn Anh nói, sau gần 1 năm xây dựng thì đã hoàn thành dự thảo thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm lưu thông ở thị trường trong nước , đang tổ chức lấy ý kiến phản biện của xã hội, doanh nghiệp, người dân, tổ chức, đã qua 2 vòng và ý kiến đóng góp rất đa dạng, đầy đủ.
Nhưng một số ý kiến cho thấy phạm vị điều chỉnh cần nghiên cứu kỹ hơn nữa để tránh ảnh hưởng đến các lợi ích của Việt Nam trong hoạt động thương mại quốc tế.
Thông tư này dựa trên nền tảng bộ quy tắc xuất xứ của WTO, nếu như các tổ chức nước ngoài có thể căn cứ vào đây để siết chặt, gây khó khăn tỏng xác nhận ưu đãi của các sản phẩm đi nước ngoài có xuất xứ ở Việt Nam thì ta cần phải nghiên cứu, Bộ trưởng trình bày.
Vẫn theo Bộ trưởng thì tùy trong từng lĩnh vực, trong từng ngành sản xuất, sản phẩm hàng hóa lại có đặc thù tính chất khác nhau, nên làm sao để tạo ra giá trị gia tăng thật sự, tạo cú huých cần thiết, để đảm bảo quá trình hội nhập và phát triển giai đoạn tới đây thực sự bền vững là yêu cầu được Bộ đặt ra. Vì thế, Bộ này đang rất cầu thị tiếp thu ý kiến đóng góp để báo cáo Thủ tướng ban hành thông tư nói trên.
Chúng tôi cam kết sẽ đấu tranh có hiệu quả chống gian lận thương mại, Bộ trưởng khẳng định khi trả lời một số đại biểu khác cũng chất vấn về gian lận thương mại, bảo vệ hàng Việt.
Bổ nhiệm thần tốcVũ Trung Sơn
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đại biểu quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề về lực lượng quản lý thị trường. Theo ông Nhưỡng, tình hình công tác cán bộ Quản lý thị trường, tổ chức bộ máy chưa hoàn thiện, "anh em rất lo lắng về vấn đề này nên không đủ sức chiến đấu. Chính vì thế cho nên công tác củng cố tổ chức cán bộ rất quan trọng".
“Và ở đây có một nhân vật đã có tố cáo. Bộ trưởng cũng đã thụ lý rồi, tôi cũng đã có ý kiến với đồng chí Bộ trưởng Nội vụ rồi, nhưng mà chưa đến nơi đến chốn. Chính là ôngVũ Hùng Sơn, lý lịch không đến nơi đến chốn, bổ nhiệm thần tốc ấy, hiện nay vẫn để ở Ban 389, ảnh hưởng đến quản lý thị trường”, ông Nhưỡng nói.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chân thành cảm ơn đại biểu và xin tiếp thu vấn đề đại biểu nêu.
“Riêng về trường hợp cá nhân đại biểu nêu, chúng tôi đã rà soát và có trao đổi với các cơ quan chức năng, kể cả Bộ Nội vụ cũng như Ủy ban Kiểm tra T.Ư, cũng như Ban Tổ chức T.Ư về một số điều kiện tiêu chuẩn, tiêu chí liên quan đến cán bộ. Và xin báo cáo đại biểu trong văn bản mới”, ông Tuấn Anh nói.
Trước đó, tháng 3/2018, ông Vũ Hùng Sơn được bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 Quốc gia). Ông Sơn từng thu hút sự chú ý của dư luận với “quan lộ” thần tốc dưới thời ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng Công Thương.
Về quá trình thăng tiến của ông Sơn, ngày 26/2/2015, lãnh đạo Bộ Công Thương trao quyết định 1268/QĐ-BCT của Bộ trưởng Công Thương khi đó là ông Vũ Huy Hoàng, bổ nhiệm ông Sơn, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Công Thương giữ chức Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại thuộc Bộ Công Thương kể từ ngày 4/2/2015.
Khi đó, ông Sơn đã “vượt qua” các ứng viên khác tại kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ thời điểm ông Vũ Huy Hoàng đang làm bộ trưởng. Ngày 26/9/2015, tại Thông báo số 619-TB-BCSĐ của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, đã điều động ông Vũ Hùng Sơn, Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại giữ chức thư ký Bộ trưởng kiêm “Phụ trách văn phòng Bộ Công Thương”.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp