26/03/2021 10:12
Bỏ ngỏ quản lý thực phẩm chay
Xu hướng ăn chay ngày càng thịnh hành đã kéo theo sự phát triển đồ chay, nhiều người vào cuộc sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ thì nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng là điều khó tránh khỏi.
Đồ chay đa dạng từ thực phẩm tươi sống, chế biến sẵn, đóng hộp công nghiệp… được bày bán ở hầu hết các chợ, siêu thị, cửa hàng, shop online…
Trưa ngày 25/3, tại chợ Bình Tây (Quận 6, TPHCM), khi biết khách có nhu cầu mua thực phẩm chay, tiểu thương cho biết, ngoài đậu hủ, mì căn thì đồ chay giả mặn rất phong phú. Từ sườn non 120.000 đồng/kg, bò lát 150.000 đồng/kg, gà cục 140.000 đồng/kg, giò sống 110.000 đồng/kg đến cá thu 110.000 đồng/kg, cá cơm 60.000 đồng/kg, chả lụa 64.000 đồng/kg, giò thủ 130.000 đồng/kg...
“Đồ mặn có gì là đồ chay có nấy. Khách hàng mua về có thể tùy ý chế biến thành những món mình ưa thích” – bà Thủy (tiểu thương kinh doanh đồ chay) nói.
Ở nhiều nhà hàng chay, thực phẩm chay ngoại đóng hộp hoặc gói cũng có đủ. Với giá thành từ 100.000 đồng/gói, sản phẩm được nhiều người mua về để đổi món ăn thường ngày. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, nhiều loại thực phẩm chay chi chít chữ nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt; việc chế biến, sử dụng thế nào đều nhờ người bán hàng tư vấn chung chung, đại loại “đổ ra và hâm nóng là dùng ngay”.
Trong năm 2020, 9 người nhập viện vì ngộ độc do sử dụng pate Minh Chay, dấy lên nhiều lo ngại với chay handmade (nhà làm).
Tại buổi trò chuyện liên quan đến thực phẩm xanh do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) vừa diễn ra tại TP.HCM, bà Hồ Thanh Nhiên, nhà sáng lập Công ty thương mại và phân phối thực phẩm thuần thực vật Bewina, cho rằng khi sản xuất thực phẩm chay phải tuân thủ điều kiện nhiệt độ như thế nào, nhiệt độ khi vận chuyển, đưa đến tay người tiêu dùng cần bảo quản ra sao…
“Người sản xuất phải để ý đến quy trình làm sản phẩm, người mua cần yêu cầu xem các giấy tờ chứng nhận, giấy xét nghiệm của cơ quan chức năng”. Bà Nhiên nói và cho biết thêm, không ít sản phẩm chay gắn mác “nhà làm” thu hút rất nhiều khách mua chỉ trong thời gian ngắn, điều này chứng tỏ nhu cầu chay của thị trường này rất lớn. Tuy nhiên, việc quản lý thị trường thực phẩm chay vẫn còn đang bỏ ngỏ, chưa có sự kiểm soát rõ ràng, chặt chẽ…
Liên quan đến việc kiểm tra thị trường thực phẩm chay, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM cho biết, đa phần đơn vị sản xuất đồ chay hiện nay là các hộ kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ, chế biến thực phẩm trong hộ gia đình… mà bao giờ quy mô nhỏ lẻ cũng khó kiểm soát hơn.
Cộng với sự phát triển của kinh doanh online, vấn đề kiểm soát, kiểm tra chất lượng, hệ thống phân phối cũng đặt ra những thử thách rất lớn mà chúng ta cần phải đầu tư nhiều hơn trong thời gian tới.
Theo bà Phong Lan, với thị trường TPHCM trên 10 triệu dân, thì lực lượng thanh tra như “muối bỏ bể”, tuy nhiên chúng ta cũng đã làm được nhiều nhưng chưa đủ.
Các mặt hàng thực phẩm hiện tại được phân ra nhiều nhóm, mỗi nhóm sẽ có sự giám sát đánh giá nguy cơ cũng như kiểm tra, kiểm soát chất lượng khác nhau. Với mặt hàng đồ hộp thuộc nhóm thực phẩm chế biến, mà cơ sở chế biến chắc chắn phải đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm thể hiện qua giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Trong quy trình sản xuất, doanh nghiệp phải đảm bảo được yêu cầu mà doanh nghiệp tự công bố, kèm theo phiếu kiểm nghiệm, nguồn gốc… Định kỳ và thường xuyên Ban ATTP sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm tra sản phẩm có chứa độc tố hay không. Nếu như công ty vi phạm sẽ tuỳ theo mức độ mà xử phạt, xử lý kịp thời, ngăn chặn các sản phẩm độc hại ra thị trường.
“Toàn bộ những quy trình trên dù cho có cẩn thận đến đâu đi chăng nữa thì vẫn có thể xảy ra sự cố, nhưng chúng tôi đảm bảo khởi động hệ thống thu hồi kết nối UBND 24 quận, huyện quyết liệt hơn.
Tuy nhiên, đối với các sản phẩm có địa chỉ, nhãn mác rõ ràng chúng ta có thể dễ dàng hơn trong công tác thu hồi, còn đối với các sản phẩm trôi nổi, không nhãn mác được mua, bán ở các cơ sở nhỏ lẻ thì khó khăn hơn rất nhiều”, bà Phong Lan nhìn nhận.
Ngày 25/3, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, đơn vị đã tiếp nhận một trường hợp nghi nhiễm độc pate chay. Theo đó, nữ bệnh nhân 53 tuổi (ngụ tỉnh Bình Dương) nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngưng hoàn toàn hô hấp chưa loại trừ ngộ độc Botulium (nghi nhiễm độc pate chay – PV).
Hiện tại bệnh nhân vẫn còn hôn mê sâu, được thở máy qua nội khí quản, kích thích đau không đáp ứng, đang được điều trị hồi sức tích cực.
Theo lời người nhà, trưa ngày 20/3, bệnh nhân có ăn bún riêu chay tại miếu gần nhà. Trong nguyên liệu thấy có một hộp pate chay bị phồng. Đến chiều tối thấy chóng mặt. Trưa ngày 21/3, bệnh nhân khó nuốt, nói đớ nên được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp