06/02/2017 07:25
"Bộ GD&ĐT thay đổi liên tục khiến học sinh hoang mang"
Việc Bộ GD&ĐT liên tục thay đổi quy chế thi THPT quốc gia khiến học sinh, dư luận hoang mang. Điều này cho thấy bộ đang đổi mới không bền vững", PGS Văn Như Cương viết.
Đổi mới thi cử được coi là khâu đột phá trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Vì thế, những năm gần đây, Bộ GD&ĐT liên tục thay đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, từ việc gộp hai kỳ thi làm một đến biện pháp thi theo hình thức trắc nghiệm đánh giá năng lực.
Đổi mới hay đổi khác?
Đổi mới thi là bước quan trọng trong đổi mới giáo dục. Song những thay đổi gần đây của bộ trong việc tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học có chắc là sự đổi mới hay chỉ là đổi khác?
Đổi mới là thay cái cũ bằng cái mới tốt hơn và nó mang tính bền vững. Trong khi đó, đổi khác chỉ là thay cái cũ bằng cái khác, không cần biết nó tốt hơn hay không.
Về điểm này, Bộ GD&ĐT ắt hẳn đứng đầu về tần suất đổi khác. Hai trường hợp gần đây nhất đã chứng tỏ điều đó.
Thứ nhất, theo dự thảo công bố ngày 16/12/2016, bộ sẽ bỏ điểm sàn đối với tuyển sinh đại học. Song đến cuối tháng 1, bộ lại chốt phương án không bỏ điểm sàn.
Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng dự kiến không công bố đề thi và đáp án các môn thi trắc nghiệm nhằm bảo mật câu hỏi để sử dụng cho các kỳ thi sau.
Đến ngày 2/2, tức ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, lãnh đạo Bộ GD&Đ lại cho biếtsẽ công bố đề thi, đáp ánkỳ thi THPT quốc gia 2017.
Tháng 9 năm ngoái, trong phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017, bộ quy định thí sinh thi 3 bài thi bắt buộc và chọn một trong hai bài Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Nhưng với quy chế hiện tại, thí sinh có thể thi cả hai bài thi tự chọn và dùng điểm cao hơn để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.
Dù không thay đổi quá nhanh chóng, việc Bộ GD&ĐT chuyển các môn Toán, Lịch sử, Địa lý từ hình thức tự luận sang thi trắc nghiệm, đồng thời rút ngắn thời gian làm bài các môn cũng gây nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Học sinh hoang mang, dư luận lo lắng
Mọi sự đổi mới phải bền vững chứ không phải cứ thay liên tục là đổi mới. Đặc biệt, giáo dục cần sự ổn định trong ít nhất 3 đến 4 năm. Trong quãng thời gian đó, bộ có thể chỉnh sửa một vài yếu tố khi phát hiện sai sót.
Tuy nhiên, trong công tác tổ chức thi THPT quốc gia mấy năm qua, bộ thiếu tính bền vững, sự thay đổi không kéo dài, sửa đổi quy chế từng năm một, thậm chí thay đổi trước khi thực hiện quyết định trước đó.
Điều này hoàn toàn không nên vì nó khiến học sinh, phụ huynh, giáo viên và toàn xã hội rất hoang mang. Mỗi lần thay đổi, lãnh đạo bộ luôn đưa ra những lý do để chứng tỏ sự cần thiết.
Ví dụ, khi đưa ra dự thảo không công bố đề thi, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga giải thích việc làm ngân hàng đề cho kỳ thi 2017 có nhiều thay đổi, cần huy động nhiều đợt đội ngũ làm đề và phải trải qua rất nhiều khâu xử lý, biên soạn, thử nghiệm trước khi đưa câu hỏi vào ngân hàng để sử dụng.
Với lý do này, bộ quyết định không công bố đề thi, đáp án nhằm giữ bí mật câu hỏi cho các kỳ thi tiếp theo.
Khi bộ thay đổi quyết định, tuyên bố sẽ công bố đề thi, những lập luận trước đó sẽ được hiểu như thế nào? Điều này cho thấy bộ làm việc thiếu kỹ càng và thiếu sự đóng góp ý kiến từ cấp dưới.
Trên thực tế, trong giáo dục, kế hoạch luôn được lập ra từ đầu năm học và được bám sát thực hiện xuyên suốt năm học đó.
Những việc như thi cử theo hình thức nào, vào thời gian nào, thi những môn gì phải được công bố từ đầu năm chứ không đợi đến nửa năm hay đã khẳng định phương án cuối lại tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung như cách bộ đang làm.
Vì thế, Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra dự thảo và những thay đổi phải bám sát thực tế.
Nhìn chung, phương án chốt hiện tại không thay đổi nhiều so với quy chế thi năm ngoái, dù sau hai kỳ thi trước, giới chuyên môn đóng góp rất nhiều về cách tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Trước mắt, cách làm hiện tại vẫn bộc lộ hai vấn đề lớn.
Thứ nhất, bộ cho phép học sinh đăng ký nguyện vọng không giới hạn. Tôi không biết Bộ GD&ĐT sẽ xử lý những rắc rối đi kèm như thế nào khi thí sinh đăng ký bao nhiêu trường cũng được.
Thứ hai, bộ phân ra hai tổ hợp môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội là để định hướng ngành nghề. Nhưng trong quy chế thi, thí sinh có thể thi cả hai bài rồi lấy điểm cao hơn làm điểm xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Như vậy, học sinh sẽ phải học rất nhiều vì không ai dám chắc điểm bài thi nào sẽ tốt hơn.
Ngoài ra, việc phân bài thi thành Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội mất đi tính định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nhiều em sẽ thi, chọn ngành theo điểm số mà bỏ qua năng lực, sở thích của bản thân.
Những trường hợp thí sinh theo học ngành chỉ vì mình đủ điểm trúng tuyển nhưng không thích ngành đó sẽ gây lãng phí thời gian đào tạo và tiền bạc của học sinh, gia đình.
Đúng là “chẳng biết đâu mà lần” với những đổi khác chứ không phải đổi mới.
PGS Văn Như Cương
Advertisement