05/12/2019 10:46
Bỏ dở Đại học Harvard, thanh niên 8x thành lập "Amazon Hàn Quốc" trị giá 9 tỷ USD
Bom Kim, 40 tuổi, là người đứng sau Coupang, đã từng bỏ dở tấm bằng thạc sỹ kinh doanh tại Đại học Harvard để theo đuổi ước mơ của mình.
Coupang thành lập năm 2010, bán hơn 120 triệu hàng hóa từ thiết bị điện tử đến thực phẩm và thậm chí còn được mệnh danh là "Amazon của Hàn Quốc". Công ty cho biết 50% dân số nước này đã tải về và sử dụng ứng dụng di động của họ. Có lẽ đó lý do chính khiến gã khổng lồ Amazon của Mỹ vẫn chưa thể đặt chân vào thị trường Hàn Quốc.
Tại Hàn Quốc, nơi 10 tập đoàn gia đình (Chaebol) lớn nhất nắm giữ 25% tổng tài sản của các doanh nghiệp, Coupang được coi là một startup thành công cực kỳ hiếm hoi.
Đây là startup lớn nhất trong số sáu "kỳ lân" (công ty có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên) ít ỏi của Hàn Quốc. Tuy chưa tiết lộ kế hoạch cụ thể nhưng nhiều khả năng công ty sẽ IPO trong năm nay hoặc năm sau.
"Amazon Hàn Quốc"
Bom Kim, người sáng lập, CEO của Coupang - Ảnh: CNBC |
Kim là người sáng lập, CEO của Coupang, startup thương mại điện tử được định giá 9 tỷ USD và được mệnh danh là "Amazon Hàn Quốc".
Ông thành lập Coupang tại Seoul vào năm 2010 khi nhận thấy cơ hội trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển. Hiện tại, công ty này đã có lượng khách hàng bằng một nửa dân số Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong một chia sẻ mới đây với CNBC, tỷ phú 40 tuổi này cho biết, khi thành lập Coupang, mục tiêu của ông không phải là trở thành Jeff Bezos (người sáng lập Amazon) tiếp theo.
Trên thực tế, khi được thành lập vào năm 2010, Coupang là nền tảng kinh doanh giảm giá hàng ngày kiểu Groupon. Tuy nhiên, khi Kim nhận thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, ông nhanh chóng chuyển đổi Coupang trở thành sàn mua bán trực tuyến dành cho bên thứ ba, lấy cảm hứng từ eBay.
"Hình thức kinh doanh, mô hình kinh doanh của Coupang, hay hoạt động của Coupang hiện tại đã trải qua rất nhiều thay đổi", Kim nói.
Ông cho biết, chỉ trong 3 năm, công ty đã vượt 1 tỷ USD doanh thu và bước đầu chuẩn bị lên sàn. Tuy nhiên, vào phút cuối, Kim đã hoãn kế hoạch lên sàn và nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh mà ông cho rằng có thể làm nên điều gì đó tốt hơn.
"Chúng tôi đã hỏi bản thân: 'Liệu công ty mà chúng tôi xây dựng, dịch vụ và trải nghiệm mà chúng tôi đang cung cấp... có tạo ra một thế giới mà ở đó khách hàng yêu quý của chúng tôi thấy ấn tượng?", Kim nói. "Thực tế là không".
Hàn Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á với nền tảng công nghệ cao phát triển. Thị trường thương mại điện tử của Hàn Quốc hiện lớn thứ 5 trên thế giới với giá trị thị trường lên tới 56 tỷ USD.
Trong 5 năm tới, Hàn Quốc được dự báo sẽ trở thành thị trường lớn thứ 3 toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Điều đó sẽ là cơ hội để Coupang tiếp tục phát triển hơn nữa bởi họ vốn có lợi thế quan trọng liên quan đến khả năng kiểm soát giao hàng và dịch vụ khách hàng.
Người sáng lập và CEO của Coupang, Bom Kim cho biết 99,6% lượng đặt hàng sẽ được chuyển đến tay khách hàng trong vòng 24 giờ và hướng tới mục tiêu giảm thời gian chuyển phát trên toàn quốc xuống còn vài giờ bằng hàng triệu đầu hàng hóa trong kho của công ty.
Làm lại từ đầu
Sau đó, Kim quyết định làm lại từ đầu, biến Coupang trở thành một nền tảng mua sắm trực tiếp, được thiết kế để mang đến trải nghiệm mua hàng liền mạch từ máy tính cho tới tận cửa nhà cho khách hàng.
Với kế hoạch này, Coupang thành lập công ty giao hàng riêng Rocket Delivery nhằm "làm hài lòng" khách hàng và cải thiện hệ thống bưu điện rời rạc của Hàn Quốc khi đó.
"Những mô hình chúng tôi thấy lý ấy chủ yếu giống với Amazon. Thời điểm đó, chúng tôi thực sự ganh tị với họ", Kim chia sẻ.
Vài năm gần đây, thị trường thương mại điện tử của Hàn Quốc phát triển nhanh chóng, được dự báo trở thành thị trường lớn thứ 5 thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ, Anh và Nhật, trong năm nay. Cùng với đó, giờ làm việc dài cùng với các thành phố với mật độ dân số dày đặc là điều kiện chín muồi để phát triển dịch vụ giao hàng theo yêu cầu tại nước này.
Hiện tại, Coupang có hơn 5.000 nhân viên giao hàng, được gọi là Coupangmen, vận chuyển đơn hàng của khách trong vòng 24h. Dịch vụ giao hàng Dawn mới của công ty này thậm chí có thể vượt qua cả Amazon Prime, hoàn thiện các đơn hàng đặt trước 7h sáng ngay trong ngày.
Kim tin rằng mức độ chi tiết của dịch vụ giúp công ty của ông nổi bật trên thị trường thương mại điện tử cạnh tranh gay gắt tại Hàn Quốc. Năm ngoái, Coupang vượt qua các tên tuổi nội địa khác như Gmarket và 11Street, trở thành hãng bán lẻ trực tuyến được ưa thích của người tiêu dùng tại nước này. Hiện Amazon chưa có mặt ở Hàn Quốc.
"Chúng tôi đã phải tự xây dựng toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển công nghệ để kết nối tất cả, từ con số không", Kim nói.
Tháng 4 năm ngoái, Coupang huy động được 1,4 tỷ USD trong đó 1 tỷ USD đến từ tập đoàn SoftBank của Nhật Bản. Thời điểm đó, công ty được định giá 5 tỷ USD. Và chỉ hơn 7 tháng sau, họ lại tiếp tục nhận 2 tỷ USD từ quỹ Vision Fund của SoftBank. Khoản đầu tư mới nâng mức định giá của Coupang lên 9 tỷ USD, giúp họ trở thành startup có giá trị nhất Hàn Quốc và lọt top 10 châu Á.
Coupang dùng 400 triệu USD từ Sequoia và BlackRock để tăng cường hàng tồn kho với mục tiêu giao các nhu yếu phẩm như nước đóng chai, gạo hay tã bỉm cho khách hàng nhanh chóng và rẻ nhất có thể. Còn số tiền 1 tỷ USD từ SoftBank, công ty đã chi cho cơ sở hạ tầng logistics gồm xe tải chuyên dụng, nhà kho và nhân viên vận chuyển.
SoftBank đầu tư vào Coupang. |
Các khoản đầu tư đã được sử dụng một cách hợp lý để củng cố nền tảng công nghệ của Coupang, cho phép giao hàng nhanh hơn, phát triển để hệ thống thanh toán một chạm dễ dàng hơn đồng thời tạo ra chức năng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ nhiều mặt trong kinh doanh.
Năm 2017, doanh thu của công ty đạt 2,4 tỷ USD nhưng trong 5 năm qua, họ đã lỗ tổng cộng 1,7 tỷ USD vì phải đầu tư xây dựng mạng lưới vận chuyển rộng khắp. Coupang sở hữu mạng lưới chuyển phát xe tải tùy biến, các nhà kho do thuật toán điều khiển và hàng nghìn "Coupangmen"- đội ngũ giao hàng và chat với khách hàng.
Trung bình ở Hàn Quốc, một bưu kiện mất khoảng 2-3 ngày mới đến nơi nhưng với Coupang, thời gian đã giảm xuống 1 ngày hoặc thậm chí là chưa đến 1 ngày mà không mất thêm khoản phí nào. Một điều đáng chú ý nữa là người mua có thể hủy đơn hàng dù chúng đang trên đường vận chuyển hay thay đổi nơi nhận hàng vào phút chót. Đây là những điểm mà Coupang nổi trội hơn so với Amazon.
Hàn Quốc là một quốc gia lý tưởng cho thương mại điện tử với dân số giàu có và tỷ lệ tiếp cận với Internet ở mức cao. Tuy nhiên, đến nay Amazon vẫn vắng mặt tại đây có lẽ vì họ vẫn còn dè chừng sự thống trị của Coupang.
Kim cho biết Coupang mới đây đã vượt mốc doanh thu 10 tỷ USD. Công ty dự kiến dùng tiền huy động được để mở rộng hoạt động tại nội địa, trước khi phát triển ra thị trường quốc tế.
Advertisement
Advertisement