05/01/2024 11:03
Bộ Công Thương thiếu kiểm tra, quản lý xăng dầu lỏng lẻo
Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu chỉ ra nhiều vi phạm, xảy ra trong nhiều năm nhưng Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm.
Kết luận thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu xảy ra trong nhiều năm nhưng Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm.
Chiều 4/1, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy ký thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.
Kết luận thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu xảy ra thường xuyên, trong nhiều năm nhưng Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm. Điều đó dẫn đến vi phạm chưa được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Thanh tra Chính phủ nhận định, trong hơn 5 năm, Bộ Công Thương đã cấp 37 giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu (không gồm 4 giấy phép kinh doanh xăng dầu hàng không) và 347 giấy phép làm thương nhân phân phối bán lẻ.
Một trong những điều kiện để được cấp phép doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, theo Nghị định 83/2014, là phải có kho, bể xăng dầu hoặc thuê đơn vị khác từ 5 năm trở lên. Việc này dẫn tới thực tế, doanh nghiệp, thương nhân phân phối thuê kho theo mùa vụ để được cấp giấy phép. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới vi phạm cấp phép của Bộ Công Thương.
Thực tế, sau khi được cấp phép, nhiều thương nhân đầu mối đã không đảm bảo được hệ thống phân phối xăng dầu. Nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng... ảnh hưởng tới nguồn cung của thị trường, theo VTC News.
Do Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo nên trong gần 3 năm (từ 2017 đến tháng 9/2022) một số thương nhân phân phối bán cho đầu mối sai quy định khoảng 828.963 m3 để hưởng tiền chiết khấu, chênh lệch giá bất hợp pháp. Ngoài ra, doanh nghiệp đầu mối đã không tạo nguồn theo quy định, ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu của thị trường. Thanh tra Chính phủ cho rằng, đây là nguyên nhân dẫn tới gián đoạn nguồn cung vào năm 2022.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, xử lý số tiền thương nhân đầu mối đã trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) sai chủng loại xăng trên 1.013 tỷ đồng, chi sử dụng sai chủng loại xăng khoảng 2.140 tỷ đồng do liên Bộ Công Thương - Tài chính ban hành văn bản quy định không rõ về chủng loại xăng được trích Quỹ BOG.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu còn lại và tại các kỳ điều hành khác có vi phạm tương tự, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công Thương được yêu cầu kiểm tra, rà soát, truy thu khoản tiền được hưởng lợi từ việc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mua bán xăng dầu với thương nhân phân phối xăng dầu trái quy định, số tiền cần được xem xét, xử lý là 950 tỷ đồng.
Thanh tra còn kiến nghị Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát hiện trạng và điều kiện cấp giấy phép, giấy xác nhận trên cơ sở kết luận thanh tra và kết quả kiểm tra để có biện pháp xử lý vi phạm.
Với Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ đề nghị có chỉ đạo với Tổng cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh kiểm tra, rà soát thu ngân sách nhà nước tiền thuế bảo vệ môi trường các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu còn nợ, chậm nộp trên 6.323 tỷ đồng và tính lãi chậm nộp theo quy định.
Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó có năm 2019. Qua đó xác định rõ số thuế bảo vệ môi trường kê khai thiếu, chưa nộp.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương xem xét, xử lý các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã trích lập Quỹ BOG vượt khối lượng xăng dầu trên sổ sách khoảng 4.793 tỷ đồng và chi sử dụng số tiền khoảng 22,5 tỷ đồng.
Hai Bộ còn phải thực hiện điều chỉnh lại một số bút toán mà thương nhân đầu mối đã thực hiện điều chỉnh giảm Quỹ BOG sai quy định với số tiền trên 10 tỷ đồng, thu hồi số tiền đã trích, sử dụng sai, điều chỉnh giảm nêu trên vào Quỹ BOG theo quy định.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài chính thanh tra, kiểm tra việc trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ BOG của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trong đó yêu cầu các thương nhân đầu mối phải hoàn trả Quỹ BOG toàn bộ số tiền chưa kết chuyển mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp, sử dụng sai mục đích Quỹ với số tiền trên 7.927 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh, theo Dân trí.
"Yêu cầu Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil thực hiện trích lập vào Quỹ BOG số tiền trên 3 tỷ đồng", Thanh tra Chính phủ nêu rõ yêu cầu với Bộ Tài chính.
Trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, nếu phát hiện vi phạm pháp luật có dấu hiệu phạm tội thì chuyển hồ sơ đến công an xem xét, xử lý.
Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ 3 vụ việc sang Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định pháp luật:
Thứ nhất, hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức.
Thứ hai, hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.
Thứ ba, hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; việc sử dụng Quỹ BOG sai mục đích bình ổn giá tại Công ty TNHH Vận tải thủy Hải Hà.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ đã chuyển thông tin, tài liệu sang Cơ quan điều tra Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định pháp luật đối với một số nội dung được phát hiện trong quá trình thu thập thông tin, tài liệu. Đó là hành vi vi phạm pháp luật trong góp vốn thành lập Công ty cổ phần Hóa dầu Phước Khánh, phát hiện thông qua việc thu thập thông tin, tài liệu tại Công ty TNHH MTV Thương mại dầu khí Đồng Tháp.
Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp được hoàn lại vốn bằng tiền mặt với số tiền 18,9 tỷ đồng - khoản tiền chênh lệch giữa giá trị tài sản góp vốn và giá trị cổ phần, có khả năng tài sản Nhà nước được bán ra chưa được thẩm định lại.
Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp mua xăng dầu của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Phúc, hạch toán nhập kho, xuất kho không rõ ràng, thiếu hồ sơ hạch toán nhập, xuất, tồn kho.
(Tổng hợp)Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp