28/08/2020 21:44
Bộ Công Thương chuyển 2.308 tỉ đồng vốn nhà nước tại Sabeco về SCIC
Theo biên bản bàn giao, giá trị vốn nhà nước tại Sabeco chuyển giao về SCIC là hơn 2.308 tỷ đồng, chiếm 36% vốn điều lệ Sabeco.
Ngày 28/8, Bộ Công Thương và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tổ chức bàn giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) về SCIC.
Theo biên bản bàn giao được ký kết, giá trị vốn đầu tư của nhà nước tại Sabeco chuyển giao về SCIC là 2.308.765.470.000 đồng, chiếm 36% vốn điều lệ của Sabeco. Số cổ phần Nhà nước nắm giữ là 230.876.547 cổ phần.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng và Chủ tịch HĐTV SCIC Nguyễn Đức Chi trao Biên bản bàn giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Sabeco về SCIC. Ảnh: SCIC |
Nếu tính theo thị giá cổ phiếu SAB của Sabeco chốt ngày 28/8/2020 ở mức 182.000 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa trên sàn chứng khoán tại Sabeco được SCIC tiếp quản là khoảng 42.000 tỷ đồng (1,8 tỷ USD).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, các công việc liên quan giữa Bộ Công Thương và SCIC đã được làm rõ, trên tinh thần đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tuân thủ các quy định hiện hành. Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng SCIC và đề nghị SCIC tích cực hỗ trợ, để doanh nghiệp ngày càng phát triển, gia tăng giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Việc chuyển giao vốn nhà nước tại Sabeco được thực hiện theo Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/6/2020, về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020.
Sabeco là doanh nghiệp đầu tiên theo Quyết định số 908/QĐ-TTg chuyển về SCIC, để thực hiện thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này. Tính đến nay, SCIC đã tiếp nhận 1.068 doanh nghiệp, với tổng số vốn nhà nước 21.995,863 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐTV SCIC Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh việc SCIC luôn áp dụng quản trị doanh nghiệp một cách tốt nhất gắn liền với việc phối hợp chặt chẽ với các cổ đông, dựa trên các nguyên tắc kinh tế thị trường, đảm bảo phần vốn nhà nước được bảo toàn và phát huy. SCIC sẽ tiếp tục cùng doanh nghiệp và người đại diện Sabeco tạo thuận lợi tốt nhất để Sabeco phát triển, đem lại hiệu quả cho tất cả các cổ đông, trong đó có cổ đông nhà nước.
Sabeco liên tục gặp khó khăn suốt đầu năm 2020 đến nay, bắt đầu từ Nghị định 100 đến đại dịch COVID-19. Ảnh: SAB |
Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn tiền thân là nhà máy bia Chợ Lớn, thuộc hãng bia B.G.I. Năm 2003, Sabeco được thành lập trên cơ sở Công ty Bia Sài Sòn, và tiếp nhận Công ty Rượu Bình Tây; Công ty Nước giải khát Chương Dương; Nhà máy Thủy tinh Phú Thọ; Công ty Thương mại Dịch vụ Bia Rượu nước giải khát Sài Gòn.
Ngành nghề kinh doanh chính của Sabeco là sản xuất đồ uống; sản xuất, chế biến thực phẩm; mua bán các loại bia, cồn – rượu, nước giải khát, các loại bao bì, nhãn hiệu cho ngành bia, rượu, nước giải khát và lương thực thực phẩm; vật tư có liên quan đến ngành sản xuất bia, rượu, nước giải khát…
Sabeco đang có 26 công ty con, 18 công ty liên doanh - liên kết cùng hội đồng quản trị gồm 7 thành viên, do ông Koh Poh Tiong làm Chủ tịch kể từ năm 2018.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Sabeco liên tục gặp khó khăn từ Nghị định 100 đến đại dịch COVID-19.
Báo cáo tài chính quý II ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Sabeco lần lượt đạt 7.135 tỷ đồng và 1.215 tỷ đồng, cùng giảm 21% so với quý II/2019.
Luỹ kế doanh thu nửa đầu năm của doanh nghiệp bia nội lớn nhất thị trường này giảm đến 35% cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 12.040 tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng công ty thu trên 2.000 tỷ đồng, trong đó bia đóng góp khoảng 89%, phần còn lại đến từ bao bì vật tư, nước giải khát, rượu cồn. Lợi nhuận sau thuế cũng lần đầu tiên tăng trưởng âm hai chữ số, chỉ đạt 1.930 tỷ đồng.
Liên tục gặp khó khăn nên năm nay, lãnh đạo Sabeco đặt mục tiêu chỉ đạt doanh thu thuần 23.800 tỷ đồng và lợi nhuận 3.252 tỷ đồng, giảm khoảng 37% so với năm trước.
Trong 121 doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc các bộ, ngành trung ương quản lý và 18 doanh nghiệp được chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện việc thoái vốn theo danh mục, vừa được Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ký quyết định ban hành, Sabeco thuộc diện được thoái toàn bộ 36% vốn điều lệ còn lại của Nhà nước theo lộ trình đến hết năm 2020. Việc chuyển giao Sabeco về SCIC được yêu cầu phải hoàn tất trước ngày 30/8/2020, chuẩn bị kế hoạch thoái hết phần vốn nhà nước còn lại, sau khi đã bán 53,59% vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Vietnam Beverage, với trị giá lên đến 5 tỷ USD hồi cuối năm 2017. Ngoài 2 cổ đông tổ chức lớn này, các tổ chức nước ngoài đang nắm 9,71% vốn điều lệ Sabeco, tỉ lệ 0,7% còn lại do các cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp