12/08/2020 07:21
Bill Gates chi 150 triệu USD để mua vắc-xin COVID-19 cho nước nghèo
Quỹ Gates quyên góp thêm 150 triệu USD để phân phối vắc-xin COVID-19 tới các nước đang phát triển.
Số tiền trên sẽ cho phép Viện Serum bắt đầu sản xuất vắc-xin với các đối tác, bao gồm các công ty dược sinh học như AstraZeneca và Novavax, để có sẵn vắc-xin một khi chúng được chấp thuận sử dụng, viện Serum cho biết trong thông cáo.
Trong lúc này, dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng tại các nước có thu nhập trung bình và thấp, bao gồm Brazil, Ấn Độ, Nam Mỹ, Mexico, Peru, Chile và Columbia. Nhiều chuyên gia tin rằng số ca nhiễm tại các nước trên vẫn chưa phản ánh được số bệnh nhân thực tế.
Quỹ Gates đến nay đã quyên góp tổng cộng 350 triệu USD để đẩy nhanh quá trình sản xuất thuốc điều trị, vắc-xin và các biện pháp đảm bảo sức khoẻ cộng đồng nhằm đối phó với dịch COVID-19 . Ảnh: Ludovic Marin/AFP/Getty Images. |
Quỹ Gates đến nay đã quyên góp tổng cộng 350 triệu USD để đẩy nhanh quá trình sản xuất thuốc điều trị, vắc-xin và các biện pháp đảm bảo sức khoẻ cộng đồng nhằm đối phó với dịch COVID-19 . Trong đó, 150 triệu USD đã được quyên tặng cho Liên minh vắc-xin Gavi, một tổ chức thoả thuận và tài trợ vắc-xin cho các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Theo Forbes, Gavi hiện đang đồng điều hành COVAX - một sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh phòng chống dịch bệnh đổi mới phi lợi nhuận (CEPI) với mục tiêu mang tới 2 tỉ liều vắc-xin COVID-19 vào cuối năm 2021.
“Chúng ta đã chứng kiến quá nhiều lần các quốc gia dễ bị tổn thương bị bỏ lại phía sau mỗi khi có phương thuốc, cách chẩn đoán và vắc-xin mới,” CEO GAVI - tiến sĩ Seth Berkley nhận định, cho biết sự hợp tác lần này là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng trên tiếp diễn, giúp đảm bảo thế giới có thêm khả năng sản xuất cho mọi quốc gia, chứ không chỉ vài nước giàu.
Theo tờ New York Times, các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới hiện đang phát triển hơn 165 loại vắc-xin chống COVID-19, với 28 trong số đó đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người. Dù thông thường việc nghiên cứu và thử nghiệm vắc-xin thường mất tới vài năm trước khi được chấp thuận, các nhà khoa học vẫn kỳ vọng sản xuất ra được một vắc-xin an toàn và hiệu quả vào năm 2021.
Công ty CanSino Bilogics của Trung Quốc đã phát triển vắc-xin được quân đội Trung Quốc chấp thuận vào ngày 25.6 vừa qua như một loại “thuốc đặc biệt cần thiết”.
Viện Serum của Ấn Độ đã bắt tay với AstraZeneca và Novavax. AstraZeneca đã cam kết sẽ cung cấp hơn 2 tỉ liều vắc-xin toàn cầu, bao gồm 1 tỉ liều cho các nước có thu nhập trung bình và thấp. Doanh nghiệp này đã đồng ý bán vắc-xin cho Mỹ và châu Âu một khi vắc-xin do đại học Oxford phát triển được bật đèn xanh.
Trong khi đó công ty Novavax của Mỹ đã nhận 1,6 tỉ USD từ chính phủ liên bang để phát triển vắc-xin đang trong thử nghiệm giai đoạn cuối, đồng thời cho biết vắc-xin này đã cho kết quả tích cực trong vòng thử nghiệm trên người đầu tiên.
Tỉ phú Bill Gates là người ủng hộ cho công tác chuẩn bị đối phó dịch bệnh trong nhiều năm. Ông từng nói chuyện trên TED vào năm 2015, cảnh báo về một đại dịch có thể gây nên thiệt hại lớn về người trên toàn cầu.
Vừa qua, Nga tuyên bố đã có vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới và sẽ sản xuất hàng loạt trong thời gian ngắn tới. Bộ Y tế Nga trước đó cho biết việc tiêm chủng hàng loạt có thể bắt đầu vào tháng 10. Theo Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko, những người thuộc "nhóm nguy cơ", như nhân viên y tế, có thể được tiêm vắc-xin trong tháng này. Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong đợt thử nghiệm cuối cùng đối với các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc-xin, kết quả cho thấy khả năng miễn dịch ở tất cả người tham gia. Tổng thống Putin xem mục tiêu tìm ra vaccine COVID-19 là ưu tiên hàng đầu, trong bối cảnh Nga là vùng dịch lớn thứ tư thế giới với hơn 897.000 ca nhiễm và hơn 15.000 ca tử vong. Nga là nước sở hữu nhiều thành tựu về vắc-xin, như tạo ra vắc-xin phòng Ebola đã được chính phủ cấp phép dùng trong trường hợp khẩn cấp, đồng thời được kỳ vọng sớm triển khai ở Congo. COVID-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 20,2 triệu người nhiễm và gần 740.000 người tử vong. Đại dịch chứng kiến sự huy động kinh phí và nghiên cứu chưa từng có để gấp rút ra mắt loại vắc-xin có thể bảo vệ hàng tỷ người trên thế giới. Gần 30 quốc gia tham gia cuộc đua sản xuất vắc-xin, trong đó có Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, và ít nhất 4 loại vắc-xin đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. |
Advertisement
Advertisement