Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Biến động giá cả hàng hóa và tác động đối với nền kinh tế

Hiểu được nguyên nhân và tác động của biến động giá cả hàng hóa sẽ giúp các chủ thể kinh tế có thể phòng ngừa rủi ro liên quan.

Phân tích về hệ quả của biến động giá cả hàng hóa, tạp chí Le Nouvel Economiste của Pháp cho rằng có những ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến tất cả các chủ thể trong nền kinh tế: cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức nhà nước... Từ hàng hóa nông nghiệp đến tài nguyên năng lượng, bao gồm cả kim loại quý, thị trường hàng hóa đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển và ổn định của bất kỳ khu vực kinh tế nào. Hiểu được nguyên nhân và tác động của biến động giá cả hàng hóa sẽ giúp các chủ thể kinh tế có thể phòng ngừa rủi ro liên quan.

Đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế "thực", hàng hóa cũng quan trọng không kém đối với thị trường chứng khoán. Dù là hợp đồng có thời hạn, theo lựa chọn, hay bất kỳ sản phẩm phái sinh nào khác, thị trường tài chính cho phép các chủ thể kinh tế có thể phòng ngừa được những biến động về giá cả hàng hóa, nhưng cũng có thể đặt cược vào biến động giá lên và xuống của chúng.

Tại thời điểm đầu tư vào dầu, lúa mỳ hoặc vàng, nhiều cá nhân tự đặt câu hỏi về hệ quả của khoản đầu tư của họ. Liệu họ nên triển khai theo logic đầu cơ thuần túy hay nên đa dạng hóa danh mục đầu tư để làm cho nguồn vốn của mình trở nên linh hoạt hơn trước tác động của các chu kỳ kinh tế. Để phòng ngừa rủi ro, các tác nhân kinh tế cần nắm các thông tin cần thiết, hiểu được hậu quả của biến động giá cả hàng hóa đối với nền kinh tế thực để có những ứng phó kịp thời và đưa ra cách giải quyết hợp lý.

Nguyên nhân biến động hàng hóa

Tình hình biến động của một nguyên vật liệu được thể hiện bằng biên độ dao động của giá cả nguyên vật liệu đó trên thị trường. Nói cách khác, biến động càng lớn thì giá thay đổi càng lớn.

Do sự mất cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường tài chính, biến động giá cả hàng hóa có thể chủ yếu đến từ nhiều nguyên nhân như bất ổn địa chính trị ở các nước sản xuất; tình hình kinh tế của các nước tiêu dùng; tình hình thời tiết; chính sách thương mại của các tổ chức hoặc chính phủ; hoạt động đầu cơ tăng mạnh...

Tùy thuộc vào loại nguyên liệu thô có liên quan, mỗi quốc gia sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đến thị trường. Sản lượng hoặc nhu cầu của một khu vực kinh tế càng cao thì tác động đến việc hình thành giá càng mạnh.

Ví dụ, vai trò của Trung Quốc trong cuộc chơi cung cầu nguyên liệu thô, cũng như trong chuỗi cung ứng toàn cầu là rất quan trọng. Là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và cũng là một trong những nước tiêu thụ nguyên liệu thô nhiều nhất, Trung Quốc thực sự có ảnh hưởng đáng kể đến thị trường thế giới.

Biến động giá cả hàng hóa và tác động đối với nền kinh tế - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Lạm phát và biến động hàng hóa

Giá nguyên liệu thô tăng nhanh dẫn đến tăng chi phí sản xuất cho các công ty không được bảo hiểm. Sau đó, họ phải chịu các chi phí bổ sung này, bằng cách chấp nhận giảm tỷ suất lợi nhuận, hoặc chuyển chúng cho khách hàng của mình bằng cách tăng giá.

Khi lạm phát tăng mạnh và liên tục theo thời gian, các ngân hàng trung ương chắc chắn có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ của họ để cố gắng kiểm soát lạm phát, như thực tế hành động của các ngân hàng trung ương hiện nay. Và hành động này của họ sau đó sẽ có tác động trở lại các quyết định tiết kiệm, tiêu dùng và đầu tư của tất cả các thành phần kinh tế.

Nhưng các ngân hàng cũng cần thận trọng với quyết định của họ vì lạm phát gia tăng có thể khiến người dân mất sức mua, thì việc giảm giá (giảm phát) có thể ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng. Dự đoán được sự sụt giảm chung về giá cả, các nhân tố kinh tế có thể trì hoãn một số kế hoạch chi tiêu nhất định khiến cho các hoạt động kinh tế bị kìm hãm.

Sự biến động của nguyên liệu thô khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và do dự trong việc vận hành hoạt động vì họ khó có thể dự đoán được chi phí sản xuất, giá bán sản phẩm, mức ký quỹ của nhà đầu tư, khối lượng kinh doanh và thị phần của họ...

Tất nhiên trong nền kinh tế, có một số ngành nhạy cảm hơn với sự biến động của giá nguyên liệu thô so với những ngành khác. Các ngành nông nghiệp, năng lượng và công nghiệp nói chung nằm trong số những nạn nhân đầu tiên của các đợt biến động giá cả.

Ảnh hưởng của biến động hàng hóa ở cấp quốc gia

Đối với các quốc gia nhập khẩu ròng nguyên liệu thô, việc tăng giá sẽ khiến chi phí nhập khẩu tăng vọt và làm mất cân bằng cán cân thương mại, và thâm hụt thương mại có thể gia tăng nếu không được bù đắp bằng sự gia tăng xuất khẩu.

Sự mất cân bằng như vậy sau đó có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với sự ổn định kinh tế của nước đó trong khu vực liên quan, đối với dự trữ ngoại hối và cuối cùng là đối với đồng tiền của chính quốc gia đó.

Đồng thời, chính sự tăng giá nguyên liệu thô này có những hệ quả có lợi cho các nước xuất khẩu ròng nguyên liệu thô với việc tăng thu nhập và cải thiện cán cân thương mại của họ.

Việc giảm giá rõ ràng có những hậu quả hoàn toàn ngược lại, có lợi cho nhà nhập khẩu và bất lợi cho nhà xuất khẩu.

Cuối cùng, sự biến động của nguyên liệu thô cũng có thể ảnh hưởng đến các quyết định của chính phủ hoặc chính sách thương mại nhằm giải quyết hậu quả của tình trạng này, điều này có thể gây ra những tác động chính trị và xã hội quan trọng ở một số quốc gia (chẳng hạn như khống chế giá đầu ra hoặc thay thế bằng phiếu phân phối lương thực).

Ý nghĩa đối với thị trường tài chính

Một cách trực tiếp, các nhà đầu tư có thể bị tổn thất tài chính cao do biến động nhanh chóng về giá của hàng hóa mà họ đã đầu tư. Ngoài ra, biến động giá cả hàng hóa còn có thể làm ảnh hưởng các tài sản tài chính khác, bắt đầu từ cổ phiếu của chính các công ty phải đối mặt với việc tăng giá này. Do đó, bất kỳ nhà đầu tư cổ phiếu nào cũng có khả năng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi sự biến động của giá cả hàng hóa.

Dù là địa phương, quốc gia hay toàn cầu, các hậu quả của sự biến động giá cả nguyên liệu thô ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến tất cả các bên tham gia vào hoạt động kinh tế: Từ cá nhân đến công ty, bao gồm cả các tổ chức nhà nước.

Tuy nhiên, một số biện pháp có thể được thực hiện để chống lại những tác động có hại của biến động giá như đa dạng hóa nguồn cung, hợp lý hóa thói quen tiêu dùng, hoặc thực hiện các chiến lược phòng ngừa rủi ro bằng cách sử dụng các công cụ tài chính phái sinh.

TTXVN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement