09/02/2021 23:27
Bí thư TP.HCM kêu gọi người dân đón Tết tại nhà
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên kêu gọi người dân thành phố đón Tết tại nhà, trong từng gia đình để đảm bảo sự an toàn, đầm ấm.
"Hai ngày nữa giao thừa, đây đúng là cái Tết đặc biệt. Không còn cách nào khác, bà con hãy tổ chức vui Tết tại nhà, vì không đoán chắc lúc nào mới kiểm soát được dịch", Bí thư Nguyễn Văn Nên nói tại cuộc họp của Ban chỉ đạo chống Covid-19 TP.HCM, chiều 9/2 (28 Tết).
Người đứng đầu Đảng bộ thành phố cũng xin chia sẻ với Ban chỉ đạo chống dịch, nhất là ngành y tế năm nay "không có Tết", cũng như với nông dân các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ đã đưa hoa trái, cây cảnh về thành phố nhưng bị ảnh hưởng.
Theo ông Nên, tình hình dịch tại TP.HCM đang phức tạp, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao do chưa xác định được nguồn lây và thời điểm bắt đầu. Vì vậy mọi người cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch và Ban chỉ đạo phải tập trung quyết liệt để sớm kiểm soát.
"Khi cần thiết sẽ thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng nhưng phải phù hợp tình hình từng khu vực, hạn chế ít nhất ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân", ông Nên nói.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu ngành y tế chuẩn bị sẵn sàng kịch bản cho tình huống khẩn cấp, từ cơ sở vật chất như bệnh viện dã chiến, nơi cách ly, bộ test đến đội ngũ y, bác sĩ...
"Từ khi thành phố tiếp nhận 2 ca bệnh đầu tiên ở bệnh viện Chợ Rẫy vào 28 Tết năm ngoái đến nay đúng một năm. Chưa lúc nào trong một ngày thành phố tăng 25 ca bệnh. Vì vậy, thành phố phải đặt trong tình huống có nguy cơ cao", ông Phong nói.
Theo ông Phong, với Ban chỉ đạo chống dịch thành phố năm nay "thực sự không có Tết". Ông cũng lưu ý tất cả chủ tịch, bí thư quận, huyện không được vắng trong những ngày sắp tới, sẵn sàng có mặt khi được triệu tập.
"Việc này ngoài mong muốn. Tôi rất chia sẻ ngày Tết ai cũng muốn về thăm quê, thăm người thân nhưng tình hình rất phức tạp, yêu cầu người đứng đầu Ban chỉ đạo chống dịch các địa phương phải trực chiến". Ông Phong nói và cho rằng nguyên tắc từ trước tới nay, là F1 chuyển F2 nhưng lần này từ F2 lại thành F0. Nếu kiểm soát cộng đồng không chặt sẽ rất khó kiểm soát trong thời gian tới.
Với người dân thành phố, ông Phong kêu gọi tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn mà Bộ Y tế và UBND thành phố đã yêu cầu. "Đeo khẩu trang chụp ảnh vẫn đẹp, vẫn ý nghĩa lưu giữ ký ức về một thời chúng ta chống dịch", ông Phong nói.
Trước đó, GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết đến 15h hôm nay, TP.HCM ghi nhận 32 ca COVID-19. Cơ quan chức năng đã truy vết và lấy mẫu được 1.324 ca F1 của những ca này, trong đó 926 mẫu kết quả âm tính, số còn lại đang chờ.
Thành phố đã tổng rà soát cộng đồng với 18 điểm phong tỏa, lấy mẫu 5.851 người, trong đó 3.204 mẫu có kết quả âm tính, số còn lại đang chờ kết quả. Ngoài ra, TP.HCM sẽ tiến hành xét nghiệm lại cho 1.622 nhân viên bốc xếp ở sân bay và tất cả gia đình họ. Ngày mai, kết quả xét nghiệm các gia đình này sẽ có.
Hiện TP.HCM đã chuẩn bị 840 giường bệnh điều trị Covid-19; 30 giường hồi sức. Khi cần thành phố huy động 1.400 giường điều trị bình thường và 60 giường hồi sức. Năng lực lấy mẫu của thành phố là 100.000 mẫu mỗi ngày; xét nghiệm từ 30.000 - 40.000 mẫu đơn trong 24 giờ.
Cũng theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thành phố sẵn sàng để mở lại khu cách ly 10.000 giường ở ký túc xá và một số cơ sở khác khi có nhu cầu. Ngoài ra, Cần Giờ sẽ tái hoạt động bệnh viện 600 giường và Bệnh viện Ung bướu ở TP Thủ Đức (quận 9 cũ) với 1.000 giường cũng đưa vào sử dụng khi cần.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp