Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Bị nghi đạo thơ, tác giả 'Mẹ tôi chửi kẻ trộm': 'Tôi cảm thấy bị xúc phạm!'

Lối sống

12/04/2021 12:30

Trong khi "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" vẫn đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều về chất lượng bài thơ thì trên mạng lại xuất hiện nghi vấn Tòng Văn Hân đạo ý tưởng từ bài "Mẹ tôi chửi kẻ cướp biển đảo"…

Như Dân trí đã đưa tin, việc nhà thơ Tòng Văn Hân đạt giải B (không có giải A) giải thơ của báo Văn nghệ mới đây đang gây nhiều tranh cãi.

Cụ thể là bài "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" và "Làm rể" trong chùm thơ ba bài đoạt giải B (bài thứ ba là "Nhà dưới nhà trên") của tác giả Tòng Văn Hân bị đem ra mổ xẻ. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo cho rằng "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" là thứ thơ "tân con cóc", dễ dãi, dông dài. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn thì cho rằng cách viết "quá vụng về, nên phơi bày sự ngây ngô". ""Mẹ tôi chửi kẻ trộm" được chọn đăng trên báo, đã là một sự châm chước. Còn trao giải cho "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" thì hơi xem thường độc giả và xem thường thi ca", nhà thơ nói…

Khi những tranh cãi về bài thơ đoạt giải vẫn chưa dừng lại thì chiều 11/4, trên mạng xã hội xuất hiện nghi vấn bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" đạo ý tưởng từ bài thơ viết từ năm 2018, "Mẹ tôi chửi kẻ cướp biển đảo" của tác giả Lò Văn Tứng!?

Bị nghi đạo thơ, tác giả Mẹ tôi chửi kẻ trộm: Tôi cảm thấy bị xúc phạm! - 1

Hai tác giả Tòng Văn Hân (thứ hai từ trái sang) và Nguyễn Văn Song nhận giải B cuộc thi thơ báo Văn Nghệ hôm 9/4. (Ảnh: H.H).

Khi phóng viên Dân trí liên lạc với nhà thơ Tòng Văn Hân để làm rõ nghi vấn, tác giả bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" khẳng định: "Tôi không đạo thơ như thông tin xuất hiện trên mạng xã hội. Tôi đã đọc bài "Mẹ tôi chửi kẻ cướp biển đảo" và khẳng định đây là bài thơ "chế" từ bài thơ của tôi.

Nhiều bạn của tôi đã hỏi bên Hội Văn học nghệ thuật Sơn La, không có ai tên Lò Văn Tứng cả. Người Thái cũng không bao giờ đặt tên là Tứng. Tứng có nghĩa là "phình to", bị bệnh…

Bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" tôi viết năm 2019, rút ra từ tập bản thảo xin hỗ trợ sáng tạo của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Bản thảo chắc chắn vẫn còn nằm bên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Việc ai đó chế thơ là quyền của họ, nhưng nếu bảo tôi đạo thơ của người khác thì tôi cảm thấy mình bị xúc phạm danh dự".

Bị nghi đạo thơ, tác giả Mẹ tôi chửi kẻ trộm: Tôi cảm thấy bị xúc phạm! - 2

Tác giả Tòng Văn Hân (dân tộc Thái) vốn là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở tỉnh Điện Biên (Ảnh: FBNV).

Về bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" bị chê bai, mổ xẻ nhà thơ Tòng Văn Hân chia sẻ: "Việc khen chê, săm soi là quyền của mỗi người. Người thì khen thơ hay, người chê thơ dở đó là quyền của họ.

Thậm chí, có người ghét cũng không sao. Bản thân mình cũng thế, có bài thơ người khác thấy hay, mình lại không thấy hay.

Bị chê, tôi cũng không buồn vì đây là chuyện bình thường của văn chương. Hơn nữa, tôi tin tưởng vào đánh giá của ban giám khảo- toàn những nhà thơ nhà văn cây đa cây đề, có tên có tuổi rồi.

Tôi cứ giữ quan điểm sáng tác từ trước đến giờ, và từ giờ về sau, tôi vẫn sáng tác theo kiểu cách như thế này thôi".

Chia sẻ thêm về bài thơ, tác giả Tòng Văn Hân nhấn mạnh đến tính nhân văn và tính cộng đồng của người Thái, những thứ làm nên tinh thần bài thơ. Theo Tòng Văn Hân, người Thái có quan niệm con người có rất nhiều hồn vía gắn với từng chi tiết trên cơ thể như chân tay, mắt mũi… Miệng cũng có hồn vía, nên người ta không nói những từ tục tĩu bởi nói tục sẽ làm cho hồn vía miệng của mình bị ô uế.

"Nếu chửi kẻ trộm thì hồn vía miệng của người chửi sẽ càng bị ô uế, khiến cho bản thân người chửi làm ăn không nên, hoặc bị đau ốm, nuôi nấng con cái không khỏe mạnh. Nên dù có mất gà, mất lợn người ta cũng không chửi như "văn hóa chửi" của người Kinh.

Nếu có trộm cắp, người Thái thường giải quyết ôn hòa, giữ bí mật cho người trót ăn trộm, để họ không bị xấu hổ trước bản làng.

Khi  trộm, người bị mất trộm sẽ báo trưởng bản, trưởng bản sẽ đưa 2-3 người đến nhà người ăn trộm giáo dục, hòa giải. Nếu trộm gà thì đền con gà, nếu trộm lợn thì đền con lợn… Sau khi hòa giải, người đi trộm nấu bữa cơm mời tổ hòa giải bữa cơm, cũng là cách xin lỗi. Trong lúc ăn cơm uống rượu, mọi người chúc nhau mạnh khỏe, chúc chủ nhà chịu khó làm ăn…"

Bị nghi đạo thơ, tác giả Mẹ tôi chửi kẻ trộm: Tôi cảm thấy bị xúc phạm! - 3

Bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" của nhà thơ Tòng Văn Hân.

Liên quan đến nghi vấn "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" đạo ý tưởng bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ cướp biển đảo" của tác giả Lò Văn Tứng viết năm 2018, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam- giám khảo giải thơ của báo Văn nghệ nói:

"Quan điểm cá nhân của tôi là phải xác minh lại. Nếu đúng là đạo thơ thì phải xử lý nghiêm. Còn nếu không đúng thì giải tỏa mọi nghi ngờ người ta đặt ra.

Cá nhân tôi, tôi không tin là có chuyện đạo thơ ở đây. Trộm gà, trộm chó (trộm vặt) thì người ta mới chửi. Chứ mất biển đảo thì không ai chửi như bọn trộm gà trộm chó như thế. Nó không hợp tâm lý người dân. Bị cướp đảo người ta không lên tiếng kiểu ấy, không ai chửi thế.

Tôi nghĩ là từ bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm", người ta chế ra thế. Trên mạng bây giờ mọi thứ đều có thể xảy ra".

NGUYỄN HẰNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement